Khả năng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu

0:00 / 0:00
0:00
Từ diễn biến những tháng đầu năm và tác động thời gian tới, khả năng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 có thể đạt được.
Khả năng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 có thể đạt được.

Khả năng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 có thể đạt được.

Từ cuối năm 2021 đến quý I/2022, có nhiều dự báo rằng, lạm phát năm 2022 sẽ khá cao, không chỉ lớn hơn 8 năm trước, mà còn vượt mục tiêu (khoảng 4%). Nhưng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng thấp hơn các tháng trước (0,18% so với 0,19% của tháng 1; 1% của tháng 2; 0,7% của tháng 3); bình quân 4 tháng mới tăng 2,1% - tuy cao hơn cùng kỳ (0,89%), song còn thấp xa so với mục tiêu cả năm. Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn nhất lại tăng rất thấp (0,43%).

Trong khi đó, lạm phát của nhiều nước ở mức cao nhất trong mấy chục năm và vượt xa so với mức định hướng, cao gấp đôi, gấp ba của Việt Nam, dù đã thắt chặt chính sách tiền tệ.

Yếu tố tổng quát cung - cầu

Nếu cung lớn hơn cầu thì lạm phát thấp, nếu cầu lớn hơn cung (“cầu kéo”) thì lạm phát cao. Trong quý I, cung sản xuất trong nước (GDP) tăng 5,03%, trong khi tích lũy tài sản tăng 3,22%, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28%, đều thấp hơn tốc độ tăng cung; đồng thời tốc độ tăng của xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cao hơn của nhập khẩu (5,08% so với 4,2%). Tháng 4 và 4 tháng cũng còn tiếp tục theo xu hướng đó.

Tích lũy tài sản là tiền đề của đầu tư, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư/GDP quý I chỉ đạt 26,4%, thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Vốn đầu tư từ ngân sách 4 tháng mới đạt 20,6% kế hoạch năm.

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) 4 tháng nếu loại trừ giá chỉ tăng 4,3% - thấp hơn tốc độ tăng 7,2% của cùng kỳ, trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng thấp hơn, riêng dịch vụ khác bị giảm.

Yếu tố chi phí đẩy

Chi phí đẩy xuất phát từ giá nhập khẩu tính bằng USD. Năm 2020, giá nhập khẩu giảm ít hơn xuất khẩu (giảm 0,59% so với giảm 1,32%); năm 2021, giá nhập khẩu tăng cao hơn giá xuất khẩu (5,49% so với 2,86%); quý I/2022 tiếp tục xu hướng trên (tăng 10,98% so với 7,51%) và 4 tháng vẫn tiếp tục tăng cao, là tiền đề của nhập khẩu lạm phát làm cho dự đoán sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, giá nhập khẩu mới làm cho giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng (quý I/2022 tăng 5,7%), mới chuyển một phần sang giá sản xuất sản phẩm (như giá sản phẩm sản xuất công nghiệp tăng 4,39%…), chưa gây áp lực lớn đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng… Trong khi đó, giá USD năm 2019 chỉ tăng 0,99%, năm 2020 giảm 0,02%, năm 2021 giảm 0,97%, 4 tháng năm 2022 giảm 0,66%. Nhờ đó mà giảm áp lực chi phí đẩy đối với lạm phát.

Yếu tố tài khóa, tiền tệ

Về tài khóa, 4 tháng đầu năm, tỷ lệ so với dự toán năm của tổng thu cao hơn của tổng chi (46,77% so với 26,3%); chênh lệch giữa tổng thu và tổng chi ước khoảng 187.200 tỷ đồng. Tỷ lệ so với dự toán của chi năm nay còn thấp hơn của cùng kỳ, như đầu tư phát triển (18,48% so với 18,65%), trả nợ lãi (32,6% so với 35,3%).

Về tiền tệ, trong quý I có một số điểm đáng lưu ý. Tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán, tiền huy động và tín dụng cao hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng của tín dụng, của tổng phương tiện thanh toán cao hơn của huy động…

Tuy nhiên, yếu tố tiền tệ chưa gây áp lực lớn đối với lạm phát bởi một số nguyên nhân. Trong đó có một phần đã được “lái” vào bất động sản, vàng, tiền ảo, trái phiếu doanh nghiệp…, chưa chuyển vào thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Gần đây, chứng khoán giảm, giá tiền ảo giảm, trái phiếu doanh nghiệp được cảnh báo, giá vàng đứng và cao hơn nhiều so với thế giới, giá bất động sản cũng đã được cảnh báo sớm.

Ngoài ra, tỷ giá VND/USD vẫn trong xu hướng giảm, bởi việc điều hành tỷ giá thông qua tỷ giá trung tâm, thông qua quy định lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0; nhờ dự trữ ngoại hối có quy mô khá… Do lạm phát còn thấp, tiền bị “chôn” vào nhiều kênh đầu tư khác, nên vòng quay tiền tệ vẫn còn chậm (đến cuối năm 2021 còn ở mức 0,64 lần, năm 2022 có thể cao hơn, nhưng có thể chưa vượt qua 1 lần).

Yếu tố tâm lý

Tuy không trực tiếp là yếu tố kinh tế, chủ yếu chỉ có tác động cộng hưởng, nhưng trong nhiều thời gian, nhiều trường hợp, yếu tố tâm lý lại tác động lớn hơn yếu tố kinh tế, nhất là khi lạm phát cao, có tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán…, đặc biệt là ảnh hưởng tới lòng tin đối với đồng nội tệ.

Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, tâm lý của thị trường cơ bản ổn định, khi lạm phát còn thấp, tỷ giá VND/USD giảm, lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng trở lại, tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi… Tâm lý tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng, tâm lý tự cấp tự túc xuất hiện trở lại...

Dù vậy, chưa thể chủ quan với lạm phát, bởi sự chuyển động của dòng tiền ở trong nước rất nhanh, giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao…

Tin bài liên quan