Khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế của nhiều quốc gia đang bị hạn chế

Khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế của nhiều quốc gia đang bị hạn chế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hơn 1/4 các nền kinh tế thị trường mới nổi đã chứng kiến việc bị loại khỏi thị trường trái phiếu quốc tế do sự hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro hơn.

Ngay cả khi ảnh hưởng của tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng giảm đi ở các nền kinh tế phát triển, các nhà đầu tư vẫn giảm thiểu rủi ro đối với các trái phiếu có lãi suất cao. Điều này đã đẩy khiến khả năng huy động vốn của các nền kinh tế thị trường mới nổi bị suy giảm nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, khoảng 27% trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế thị trường mới nổi hiện có chênh lệch lợi suất so với Trái phiếu Kho bạc Mỹ tương đương trên 9%, đây là mức mà tại đó khả năng tiếp cận thị trường thường bị hạn chế.

“Sự bất ổn tài chính có hai tác động đối với các trái phiếu có lợi suất cao ở các thị trường mới nổi. Điều tích cực là nó có thể giúp giảm lạm phát và lãi suất. Nhưng đồng thời điều đó có nghĩa là họ không được tiếp cận thị trường; sẽ không ai mua trái phiếu lãi suất cao khi họ không biết điều gì sẽ xảy ra với hệ thống thị trường tài chính”, David Hauner, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tài sản chéo thị trường mới nổi tại Bank of America cho biết.

Trái phiếu đô la của Ai Cập và Bolivian nằm trong số những trái phiếu hoạt động kém hiệu quả kể từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu, với mức chênh lệch lợi suất với Trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng lên lần lượt 11% và 14%.

Các nhà đầu tư cho rằng, các quốc gia có kế hoạch phát hành trái phiếu đã tránh đưa ra thị trường vào thời điểm này, chẳng hạn như Nigeria và Kenya, với mức chênh lệch lợi suất lần lượt tăng lên 8,95% và 8,4% trong tháng 3. Ngay cả những quốc gia có trái phiếu lợi suất cao với mức chênh lệch thấp hơn nhiều so với 9% như Bahrain, cũng tránh phát hành trái phiếu vào thời điểm này.

Tuy nhiên, Costa Rica, quốc gia được S&P xếp hạng B+, đã hoàn tất đợt phát hành trị giá 1,5 tỷ USD vào ngày 28/3 với lợi suất 6,55%.

Trong khi đó, các quốc gia bị hạn chế tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế có thể buộc phải cần sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), huy động trái phiếu trên thị trường tư nhân và phá giá tiền tệ.

Sara Grut, chiến lược gia tại Goldman Sachs cho biết: “Việc tiếp cận thị trường nợ bị hạn chế sẽ thúc đẩy các quốc gia thực hiện các biện pháp cứng rắn vào thời điểm lạm phát đã cao và tăng trưởng thấp. Câu hỏi quan trọng đối với các quốc gia này là điều gì sẽ giúp họ lấy lại khả năng tiếp cận thị trường? Một là có thể họ sẽ thực hiện những cải cách rất khó chịu, không được ưa chuộng, hoặc chúng ta cần thấy sự tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn nhiều giúp cải thiện tâm lý thị trường”.

Chính phủ các thị trường mới nổi đã phát hành 54 tỷ USD trái phiếu chính phủ trong quý đầu năm nay, tăng khoảng 60% so với năm trước. Tuy nhiên, gần 70% trong số này đã được hoàn thành vào tháng 1, trước khi niềm tin của thị trường bị suy giảm do sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), UBS tiếp quản khẩn cấp Credit Suisse và tình trạng hỗn loạn tại các ngân hàng khu vực của Mỹ.

Trong khi đó, lạm phát tiếp tục tăng cao, lãi suất cao và tăng trưởng chậm chạp ở các quốc gia trên thế giới có thể hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận vốn của các quốc gia đang gặp khó khăn.

Uday Patnaik, người đứng đầu bộ phận nợ thị trường mới nổi tại Legal and General Investment Management cho biết: “Ngay cả khi các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng được giải quyết, thị trường vẫn sẽ quay trở lại với triển vọng lạm phát. Để có được một đợt hồi phục có ý nghĩa, thị trường phải tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh”.

Tin bài liên quan