Khách hàng tham quan căn hộ mẫu dự án của MIK qua kính VR. Ảnh: Thành Nguyễn

Khách hàng tham quan căn hộ mẫu dự án của MIK qua kính VR. Ảnh: Thành Nguyễn

Khách mua dần vào chợ địa ốc online

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội tăng trưởng cao cho doanh nghiệp, mà các “thượng đế” cũng đánh giá rất cao hướng đi này, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản.

Từ “xem phim” đến những cú chạm

Là khách hàng từng trải nghiệm tham quan căn hộ mẫu qua kính thực tế ảo (VR) từ 2 năm trước, chị Trịnh Thúy Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi bỡ ngỡ bởi sự mới lạ trong lần trở lại này.

“Ngày đó, căn hộ mẫu được giới thiệu đơn giản như một clip 3D, còn khách hàng sau khi đeo kính sẽ trải nghiệm như xem một cuốn phim bình thường. Cho đến gần đây, một số sales giới thiệu kiểu trải nghiệm rất mới, vẫn là dùng kính VR nhưng mức độ chân thực cao hơn hẳn khi có thể tương tác với từng đồ vật, thay vì như xem phim trước đây”, chị kể.

Cũng bày tỏ sự hào hứng sau khi trải nghiệm công nghệ mới này, anh Giang Văn Tùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Quả thực là việc tham quan căn hộ mẫu qua kính VR bây giờ vô cùng hấp dẫn. Điều mà trước đây tôi vốn chỉ thấy trong các bộ phim có kỹ xảo điện ảnh hoành tráng và phức tạp thì nay đều đã được tích hợp trong công nghệ này. Nó thực đến độ tôi có thể bước vào nhà, bật tivi, tủ lạnh, tương tác với mọi vật trong căn hộ mẫu. Đây là một trải nghiệm thực sự thú vị với các khách hàng, khác hẳn với cảnh cả chục người ồn ào ra vào xem nhà mẫu trước kia”.

Nắm bắt được nhu cầu khách hàng, nhiều chủ đầu tư đã thực hiện việc giới thiệu nhà mẫu theo hướng này như là hình thức “thêm món” cho khách hàng dễ lựa chọn.

“Chúng tôi đang tiến hành đưa căn hộ mẫu lên website để duy trì kết nối khách hàng thường xuyên hơn ngay trong dịch. Theo đó, các căn hộ mẫu 1, 2 và 3 phòng ngủ của dự án tại Hà Đông sẽ được số hóa và hiện diện trên trang web bán hàng, đảm bảo giúp khách hàng có thể tương tác như thật khi ‘tham quan’ căn hộ mẫu này”, ông Phạm Đức Huy, Giám đốc Kinh doanh BID Group nói với phóng viên về chiến lược online hóa hoạt động bán hàng của Công ty.

Cụ thể, BID Group đang tiến hành giới thiệu dự án của mình trên ứng dụng website 360 độ. Với ứng dụng này, thay vì phải đến nhà mẫu, khách hàng có thể tham quan căn hộ mẫu ngay tại website Công ty, mỗi cái di chuột, mỗi cú click sẽ tương ứng với bước di chuyển bên trong căn hộ, mang lại cảm giác y như thật, khác biệt hoàn toàn với các website bán hàng bằng công nghệ 2D tĩnh trước kia.

Ông Đinh Anh Tuấn, Giám đốc 3D VNi, đơn vị chuyên thực hiện các dự án về thực tế ảo cho biết, Công ty đang hỗ trợ nhiều chủ đầu tư trong việc số hóa toàn bộ dự án để đưa lên website cũng như phần mềm ứng dụng phục vụ công tác bán hàng.

“Trước đây, kính VR có giá vài chục triệu đồng mỗi chiếc thì nay chỉ còn khoảng 7 triệu đồng/chiếc, nên nhiều sales đã đầu tư mua để có thể thuận tiện cho việc tư vấn khách hàng tham quan dự án, căn hộ mẫu. Điều thú vị là nếu trang bị 2 kính VR thì cả sales và khách hàng có thể cùng nhau đi vào căn hộ mẫu, thậm chí cùng nói chuyện hay tương tác với các vật dụng trong đó”, ông Tuấn thông tin thêm.

Số hóa dự án bất động sản là xu hướng không thể cưỡng lại.

Số hóa dự án bất động sản là xu hướng không thể cưỡng lại.

Covid-19 “thúc” số hóa ngành xây dựng

Ngay trong đại dịch, công tác chuyển đổi số cho thấy sự hiệu quả rõ rệt. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch CTCP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) cho biết, Công ty đang triển khai nhiều dự án tại nhiều tỉnh, thành phố, nhưng công tác quản lý dự án vẫn được thực hiện tốt bởi đều đã được số hóa và đưa vào phần mềm quản lý, ứng dụng và thực hiện trên không gian mạng.

“Tuy dịch bệnh tác động tiêu cực tới công tác bán hàng, nhưng điều tích cực là Xuân Mai Corp đã vận hành trơn tru các phần việc trên hệ thống phần mềm quản lý, từ phê duyệt các hạng mục tới công tác điều hành đều được thực hiện trên môi trường trực tuyến. Việc sớm chuyển đối số đã cho thấy hiệu quả ngay trong lúc dịch bệnh diễn ra căng thẳng nhất”, ông Sơn nói.

Thiết thực là vậy, nhưng mở rộng ra toàn ngành xây dựng, việc chuyển đổi số còn manh mún, đơn lẻ. Ông Chu Quang Thái, chuyên gia phát triển dự án tài sản số, phụ trách văn phòng phía Nam - Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, so với các ngành, lĩnh vực khác, chuyển đổi số trong ngành xây dựng còn khá chậm, chưa đồng bộ và mức độ sẵn sàng chưa cao, nguyên nhân có thể đến từ việc lĩnh vực xây dựng mang tính đa ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo ông Thái, sự phức tạp về pháp lý, quá trình xây dựng, vận hành chưa minh bạch cùng tính duy nhất của vị trí địa lý được xem là ba trong nhiều yếu tố đặc thù khiến lĩnh vực xây dựng vừa khó lại vừa cần phải chuyển đổi số.

Ông Thái cho biết, ông từng chứng kiến có những dự án giá trị chưa tới 10 tỷ đồng nhưng cần cả một xe ba gác để chở tài liệu. Mỗi hồ sơ xin thầu có tới 100 chữ ký, nếu có sai sót thì riêng việc xin lại chữ ký có thể mất tới cả tháng trời. Còn theo thống kê của Global Property Guide, chỉ riêng chi phí hồ sơ, giấy tờ, pháp lý của lĩnh vực xây dựng, bất động sản và công nghiệp đã chiếm tới 25-30% tổng chi phí đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Trần Huy Tưởng, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư kinh doanh An Phú Hưng cho rằng, khi chuyển đổi số, một trong những công tác quan trọng nhất là số hóa việc lưu trữ hồ sơ kỹ thuật. Nhiều quốc gia trên thế giới đã làm được điều này từ lâu, nhưng ở Việt Nam còn rất hạn chế. Đơn cử, giải pháp BIM (một phương pháp tối ưu hóa thiết kế quá trình thi công và vận hành của công trình xây dựng) trong bất động sản rất phổ biến trên thế giới, nhưng tại Việt Nam còn khá xa lạ với không ít chủ đầu tư, những người trong ngành.

“Có dự án bên tư vấn thiết kế cho chúng tôi, chúng tôi dùng, nhưng nhà thầu phụ nhất quyết không dùng, trong khi hiệu quả BIM mang lại rất lớn. Với việc mô hình hóa và áp dụng cách tính từ BIM, có thể dễ dàng tính ra khối lượng vật liệu/khối lượng thi công, nhưng nhiều chủ đầu tư hay nhà thầu phụ vẫn muốn ‘tính tay’”, ông Tưởng nói.

Theo ông Trương Thành, Tổng giám đốc CTCP Số hóa xây dựng và công nghiệp XIXO, ngành bất động sản - xây dựng cần một nền tảng chung để kết nối giữa tổ đội với tổng thầu, giữa doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư, thiết bị, sản phẩm, tư vấn với doanh nghiệp bất động sản, xây dựng công nghiệp, giữa việc kết nối người cần mua và người cần bán... Do đó, việc có một nền tảng làm việc mà mọi thành phần của hệ sinh thái tài sản gắn liền với đất đều có thể kết nối, giao dịch và truyền giá trị cho nhau thông qua hợp đồng thông minh là rất cần thiết.

“Với một dự án, các chủ đầu tư bất động sản, doanh nghiệp xây dựng sẽ phải thực hiện nhiều giao dịch như lựa chọn nhà thầu, tư vấn mua bán vật liệu,… tốn kém tiền bạc, thời gian. Giải pháp đưa ra là số hóa các hoạt động này thông qua platform cung cấp các gian hàng trực tuyến. Ứng dụng giải pháp từ XIXO có thể giảm tổng thành chi phí lên đến 20-25% so với phương án truyền thống”, ông Thành nói và cho biết thêm, tín hiệu ban đầu khá khả quan khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp bất động sản - xây dựng quan tâm đến giải pháp này.

Ông Thành kỳ vọng, việc số hóa hoạt động xây dựng sẽ góp phần tích cực vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung, hướng tới việc đấu nối vào hệ thống quản lý dữ liệu của các cơ quan, ban ngành liên quan, qua đó thúc đẩy mạnh hơn nữa quá trình này trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tin bài liên quan