Khai tử truyền hình OTT không phép

0:00 / 0:00
0:00
Việc siết quản lý bằng quy định phải thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với truyền hình trả tiền Internet (OTT TV) xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho OTT TV Việt bứt phá.
Doanh nghiệp OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải đăng ký cấp giấy phép hoạt động kinh doanh và tuân thủ nghĩa vụ thuế

Doanh nghiệp OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải đăng ký cấp giấy phép hoạt động kinh doanh và tuân thủ nghĩa vụ thuế

Ngoại lấn át nội

Theo Báo cáo mới nhất của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường dịch vụ truyền hình truyền thống đang bão hòa, trong khi OTT TV đang có sự tăng trưởng mạnh, doanh thu và người dùng tăng nhanh.

Nếu như doanh thu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cả năm 2022 đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, thì doanh thu từ truyền hình OTT đạt 1.550 tỷ đồng. Số thuê bao OTT đạt 5,5 triệu đơn vị, tăng 26,2% so với cách đây 5 năm. Việt Nam đang có tổng cộng 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có các dịch vụ xuyên biên giới như Netflix (Mỹ), iFlix (Malaysia), WeTV, iQiYi (Trung Quốc)…

Trước năm 2023, các OTT TV xuyên biên giới hoạt động tại thị trường Việt Nam nhưng không có giấy phép, không có văn phòng đại diện, không kiểm duyệt - biên tập, không đóng thuế, vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam… Đặc biệt, cạnh tranh bằng giá thấp đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam lao đao. Theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, các nền tảng xuyên biên giới chiếm tới 80% thị phần tại Việt Nam.

“Các OTT ngoại vừa không bị kiểm duyệt nội dung, bán với mức giá thấp nên thu hút được nhiều người xem. Nếu như năm 2016, thị phần của OTT ngoại chỉ là 10%, thì nay đã lên hơn 50%", ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho biết.

Còn theo ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV, không phải tự nhiên, Việt Nam có sẵn hạ tầng mạng viễn thông để các ông lớn OTT trên thế giới vào khai thác. Một mặt họ cung cấp dịch vụ, mặt khác cũng thu hút lượng lớn quảng cáo, nhưng không tuân thủ quy định pháp luật. Như vậy không công bằng với doanh nghiệp OTT trong nước.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Nghị định này khẳng định, quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới bình đẳng như doanh nghiệp trong nước. Theo đó, doanh nghiệp OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép và hoạt động như các doanh nghiệp Việt Nam.

Với quy định mới này, kỳ vọng tình trạng “bảo hộ ngược”, “loạn giá” trong OTT TV sẽ được dẹp bỏ. Các OTT TV nội và ngoại cạnh tranh bình đẳng, công bằng, tạo sự phát triển lành mạnh cho thị trường.

OTT TV không phép hết đất sống

Từ năm 2023, theo quy định của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP, OTT TV xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký cấp giấy phép hoạt động kinh doanh, tuân thủ các nghĩa vụ tài chính và quy định hành chính của Việt Nam. Đồng thời, nội dung phải được kiểm duyệt, bao gồm cả các nội dung quảng cáo tương tự các dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam với loại hình dịch vụ OTT mà không có kênh, chỉ có nội dung theo yêu cầu thì phải được cấp giấy phép như doanh nghiệp trong nước. Muốn được cấp giấy phép, doanh nghiệp nước ngoài phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân tại Việt Nam. Pháp nhân có tỷ lệ vốn nước ngoài như thế nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quá trình hình thành hồ sơ thành lập doanh nghiệp.

“Hiện có 3 doanh nghiệp Trung Quốc và 2 doanh nghiệp Mỹ có nhu cầu tham gia thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang được Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục để kinh doanh theo quy định. Nếu thời gian tới, các doanh nghiệp OTT TV xuyên biên giới vẫn hoạt động không phép và không tuân thủ quy định pháp luật thì cơ quan nhà nước sẽ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và chặn truy cập”, ông Yên cho biết.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ tổ chức ngăn chặn những dịch vụ bất hợp pháp, tức các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng những biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn doanh nghiệp kinh doanh không phép.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Úy cho rằng, dịch vụ OTT nếu không được quản lý sẽ có nguy cơ vi phạm về thuần phong mỹ tục, lối sống và chính trị, pháp luật. Điển hình, nhiều phim không được chiếu qua OTT trong nước do vi phạm kiểm duyệt, nhưng vẫn được Netflix phát sóng. Vì vậy, cần chế tài quản lý trên cả thiết bị phần cứng và ứng dụng. Nhiều nhà sản xuất TV bán ra tại Việt Nam đã tích hợp sẵn Netflix trong hệ điều hành, chỉ cần một nút bấm trên điều khiển là có thể sử dụng dịch vụ. Về lâu dài, đây là rủi ro tiềm ẩn cho các kênh truyền hình chính thống trong nước.

Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Theo đó, từ ngày 15/2/2023, thời điểm Nghị định số 128/2022/NĐ-CP có hiệu lực, các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng sẽ bị xử phạt từ 20 đến 100 triệu đồng.

Xử phạt nặng nhất là hành vi không bảo đảm một trong các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định và hành vi không thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm theo quy định (phạt từ 80 đến 100 triệu đồng).

Biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là buộc gỡ bỏ phim trên không gian mạng.

Tin bài liên quan