Các nhà cung cấp dịch vụ OTT tại Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ cạnh tranh

Các nhà cung cấp dịch vụ OTT tại Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ cạnh tranh

Thị trường OTT, sau màn khởi động nhanh là cuộc chiến

Thị trường OTT tại Việt Nam sẽ có cuộc cạnh tranh gay cấn và hấp dẫn trong  thời gian tới, với song mã là Viber và Zalo

Tại Việt Nam, các dịch vụ OTT (dịch vụ miễn phí gửi tin nhắn chữ, hình ảnh, hội thoại, video… qua ứng dụng trên smartphone, hay các thiết bị có kết nối Internet) phổ biến là Viber, Zalo, Line, KakaoTalk, Wechat. Tuy nhiên, thực chất, thị trường chỉ là cuộc đua song mã giữa Viber và Zalo, bởi Line (Nhật Bản) và KakaoTalk (Hàn Quốc) đều đã tuyên bố rút khỏi thị trường, còn Wechat (Trung Quốc) đang dần biến mất sau scandal tích hợp bản đồ “Đường lưỡi bò” vào sản phẩm hồi tháng 1/2013.

Mới đây, Zalo của Công ty VNG chính thức tuyên bố dịch vụ nhắn tin Zalo đạt 10 triệu người dùng cùng 120 triệu tin nhắn trao đổi qua hệ thống mỗi ngày. Điều đáng nói là, trước đó không lâu, vào đầu năm 2013, Zalo mới chỉ có khoảng 1 triệu người dùng. Nhưng bằng các chiến dịch quảng cáo, truyền thông không tiếc tiền, giờ đây Zalo đã tuyên bố “phủ sóng 50% thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam”.

Ngay sau đó, đối thủ nặng ký của Zalo là Viber (Israel) cũng lập tức cho hay, Viber đã chạm mốc 12 triệu người dùng tại Việt Nam trong tháng 3/2014, tăng hơn 4 triệu người dùng so với hồi tháng 11/2013. Điều này không khiến nhiều người ngạc nhiên vì Viber đã bắt đầu chi mạnh cho marketing tại thị trường Việt Nam từ cuối năm 2013.

Thời gian gần đây, OTT trở thành chủ đề nóng trong ngành viễn thông Việt Nam, cũng như trên toàn thế giới, khi Facebook bỏ ra 19 tỷ USD để mua lại WhatsApp; còn Rakuten, một đại gia Internet của Nhật Bản, phải tốn 900 triệu USD để thâu tóm Viber. Trong nước, thông tin Viettel có ý định mua KakaoTalk (Hàn Quốc) được định giá 2-3 tỷ USD là chủ đề nóng hổi suốt thời gian qua.

“Chúng tôi cho rằng, mặc dù chậm, nhưng các ứng dụng OTT chắc chắn sẽ phát sinh doanh thu từ những dịch vụ như bán sticker, game, video... Điều này hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển và ra đời của các ứng dụng OTT mới trong năm 2014”, Neha Dharia, nhà phân tích mảng viễn thông tiêu dùng và là tác giả của Báo cáo Xu hướng OTT năm 2014 của Ovum nhận định.

Những yếu tố trên khiến các nhà cung cấp dịch vụ OTT tại Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ cạnh tranh. Không chỉ cạnh tranh với nhau, họ còn phải dè chừng với các đối thủ mới cũng nặng ký không kém là các nhà mạng.

Ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam đánh giá, năm 2014 sẽ xuất hiện sự nở rộ không ngừng của các nhà cung cấp dịch vụ OTT, buộc các nhà mạng phải tìm cách thay đổi. Trong đó, cách phổ biến nhất hiện nay là các nhà mạng hợp tác, mua lại các doanh nghiệp OTT để có thể cung cấp dịch vụ hấp dẫn hơn tới các thuê bao. Ngoài ra, vẫn còn một cách mà các nhà mạng chưa dám cân nhắc nghiêm túc, đó là tự phát triển.

Viettel, như đã nói ở trên, đang nhăm nhe mua lại ứng dụng OTT để bước chân vào lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, việc mua một công ty OTT không chỉ giúp tập đoàn này đẩy nhanh quá trình đổi mới, mà còn tạo cơ hội để Viettel đi ra nước ngoài mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, phần doanh thu tăng thêm từ OTT sẽ giúp Viettel bù đắp nguồn thu truyền thống có thể bị giảm hoặc không tăng mạnh như mong muốn.

Năm 2013, MobiFone cũng ngấp nghé nhảy vào lĩnh vực này khi tiến hành đàm phán với Viber và Zalo. Tuy nhiên, do các bên chưa tìm được tiếng nói chung, nên ý định hợp tác không thành. Mới đây, MobiFone đã gửi công văn lên Bộ Thông tin và Truyền thông về dự kiến cung cấp dịch vụ OTT. Nhưng nhà mạng này chưa tiết lộ các kế hoạch chi tiết và từ chối trả lời sẽ mua OTT hay tự phát triển một ứng dụng riêng.

Trong cuộc trao đổi với báo giới gần đây, một lãnh đạo của VinaPhone cho biết, nhà mạng này đang dự kiến triển khai dịch vụ OTT. Khi được hỏi về việc VinaPhone sẽ tự phát triển hay mua lại ứng dụng OTT, vị lãnh đạo VinaPhone cho hay, các khả năng trên đều đang được tính toán.

Tin bài liên quan