Khi Quốc hội mạnh mẽ trao quyền - Bài 1: Từ 'thượng phương bảo kiếm' đến cơ chế đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV không chỉ chủ động trao 'thượng phương bảo kiếm' cho Chính phủ để ứng phó với đại dịch, mà còn vô cùng linh hoạt trong những quyết sách mang tính trao quyền mạnh mẽ để nền kinh tế chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn.
Quốc hội biểu quyết thông qua điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2021) bổ sung nội dung trao quyền đặc biệt cho Chính phủ để tăng cường công tác phòng, chống Covid-19

Quốc hội biểu quyết thông qua điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2021) bổ sung nội dung trao quyền đặc biệt cho Chính phủ để tăng cường công tác phòng, chống Covid-19

Lời Tòa soạn: Trao quyền mạnh mẽ đi liền với giám sát chặt chẽ, nửa nhiệm kỳ qua, những quyết sách của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chỉ góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ, mà còn tạo những tiền lệ tốt trong cả lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Bài 1: Từ “thượng phương bảo kiếm” đến cơ chế đặc thù

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV không chỉ chủ động trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ để ứng phó với đại dịch, mà còn vô cùng linh hoạt trong những quyết sách mang tính trao quyền mạnh mẽ để nền kinh tế chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn.

“Chưa bao giờ có bài học quý báu như thế”

Quốc hội khóa XV đã bước vào những ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ sáu. Theo nghị trình, chiều mai (28/11), các vị đại biểu sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Dự thảo Nghị quyết bao gồm 5 chính sách thể hiện sự trao quyền mạnh mẽ của Quốc hội cho Chính phủ và các địa phương, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong các lĩnh vực hạ tầng quan trọng quốc gia.

Đáng chú ý, trong số này có chính sách về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được Quốc hội cho phép thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023 (Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội).

Theo đó, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình.

Chính sách này ngay lập tức được áp dụng tại Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II) mà Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 44/2022/QH15.

Trước thềm Kỳ họp thứ sáu, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ khái quát, việc thực hiện cơ chế đặc thù tại Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II có những bài học đắt giá, cần phải có sự đúc kết trong các giai đoạn phát triển của đất nước. “Bản thân chúng tôi là dân giao thông, mà chưa bao giờ có bài học quý báu như thế, đó là nhận thức, quan điểm thống nhất từ trên xuống dưới, từ Đảng - Quốc hội - Chính phủ - các địa phương cùng vào cuộc”, ông Thọ nói khi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Vị Thứ trưởng nêu ví dụ mà ông được chứng kiến, đó là tỉnh Hà Tĩnh khi giải quyết mỏ vật liệu để làm đường cao tốc, chưa bao giờ cấp ủy, chính quyền vào cuộc đồng bộ với tinh thần quyết liệt như thế. “Nếu bình thường, giải quyết mỏ vật liệu như thế mất hàng năm trời, Hà Tĩnh giải quyết về thủ tục giao mỏ và các thủ tục khác có những mỏ còn chưa đến 1 tháng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhớ lại.

Tuy số dự án thành phần hoàn thành chưa nhiều, song theo lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, việc đưa một số tuyến cao tốc vào khai thác đã tác động xã hội rất ghê gớm, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, mà các địa phương có tư duy mới hoàn toàn khác trước.

“Trước đây, từ Hà Nội đi 5 tiếng mới về đến Nghệ An, bây giờ chỉ cần 3 tiếng, đó chính là nguồn lực. Có lãnh đạo tỉnh tâm sự là có đường rồi phải tính đến phát triển khu công nghiệp, đô thị mới”, ông Lê Đình Thọ chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, quyết sách từ Quốc hội quá trúng, quá đúng và thực sự hiệu quả, đã tạo nên động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Đánh giá tiến độ Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II, Chính phủ nhìn nhận, việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu, đền bù giải phóng mặt bằng và khởi công các dự án thành phần theo các cơ chế đặc thù đã rút ngắn được 1,5 - 2 năm so với các dự án thực hiện theo trình tự thủ tục thông thường. Từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần chỉ gần 1 năm.

Cơ chế đặc thù đã có hiệu quả với dự án đường cao tốc, nếu được áp dụng cho quốc lộ, thì sẽ thúc đẩy liên kết vùng, nên rất cần được nhân rộng, ông Lê Đình Thọ nêu lý do tiếp tục đề xuất Quốc hội cho áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Những điểm tựa vững chắc

Nửa nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, chính sách được coi là “bài học quý báu” nói trên chỉ là một trong nhiều quyết định đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của cuộc sống, được bấm nút tại phòng họp Diên Hồng.

Dựa trên các giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, theo Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam có thể chia làm 3 giai đoạn cơ bản.

Thứ nhất, giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ năm 2020 đến tháng 10/2021, buộc phải triển khai nhiều biện pháp “chưa từng có tiền lệ”, tăng trưởng kinh tế đạt thấp.

Thứ hai, từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, các biện pháp chống dịch đã chuyển từ “phòng ngự sang tấn công”, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thứ ba, giai đoạn phục hồi và thích ứng với bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu mới (tháng 3/2022 đến nay), kinh tế đã có bước phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, sau đó chậm lại trong 9 tháng đầu năm 2023 theo đà suy giảm chung của thế giới, song vẫn là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu.

Cả ba giai đoạn ấy đều có điểm tựa vững vàng là những quyết sách đặc biệt của Quốc hội mang tính trao quyền mạnh mẽ.

Với giai đoạn đầu, ngay ở Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, khi Covid-19 hoành hành dữ dội, không chờ Chính phủ đề xuất, chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thúc giục Chính phủ “xé rào” - trình Dự thảo Nghị quyết số 30/2021/QH15. Với nghị quyết này, Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” để Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương được ban hành và áp dụng những biện pháp đặc thù, đặc biệt chưa từng có tiền lệ, đẩy lùi và kiểm soát đại dịch.

Sang giai đoạn thứ hai, chưa đầy nửa năm, ở 2 kỳ họp (trong đó có Kỳ họp bất thường lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội), các quyết sách mạnh mẽ tiếp tục được ban hành.

Các nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và TP. Hải Phòng được thông qua ở Kỳ họp thứ hai đã cụ thể hóa các kết luận của Bộ Chính trị để Chính phủ có những chính sách tạo động lực phát triển cho các tỉnh có tính liên kết vùng cao, có tốc độ phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Đến Kỳ họp bất thường lần thứ nhất (tháng 1/2022), chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội nằm ngoài khung khổ của các khung kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) được Quốc hội quyết định lên tới gần 350.000 tỷ đồng.

Để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách này, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn khác trong lĩnh vực giao thông và y tế thuộc phạm vi chương trình. Và hiệu quả đã được thực tế chứng minh, mà tiến độ Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II chỉ là một trong nhiều ví dụ cụ thể.

Từ tháng 3/2022 đến nay, ở 4 kỳ họp định kỳ và Kỳ họp bất thường lần thứ hai, các chính sách được Quốc hội quyết định đều nhất quán tinh thần trao quyền đi liền với giám sát. Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua với “nhiều nội dung mới chưa từng có” đang được Thành phố triển khai tích cực.

Tại Kỳ họp thứ sáu đang diễn ra, các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi) đều được đánh giá là những “đạo luật trao quyền” mạnh mẽ, thêm những điểm tựa vững chắc cho đất nước phát triển.

Yêu cầu bức thiết của cuộc sống được Nghị trường phúc đáp kịp thời.

- Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là chủ trương lớn của Đảng, thể hiện từ Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII (Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả), Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XIII (Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới).

Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, để ứng phó với đại dịch Covid-19 và tình hình phức tạp bên ngoài, thì đòi hỏi Quốc hội phải trao quyền (gồm cả phân quyền và đồng ý cho Chính phủ phân cấp) nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, thể hiện rõ nhất qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 (về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV) và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội).

Việc trao quyền ở đây rất mạnh mẽ, nhưng thực tế cho thấy, Nghị trường đã phúc đáp được yêu cầu bức thiết của cuộc sống, đưa đất nước vượt qua những khó khăn chưa từng có.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan