Cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng vẫn gay gắt

Cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng vẫn gay gắt

Khó giảm lãi suất cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên gấp đôi so với 1 năm trước, nhưng huy động vốn vẫn khó khăn, nên khó có thể giảm lãi suất cho vay.

Cạnh tranh huy động vốn gay gắt

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu nghiêm túc thực hiện một số nội dung về công tác tín dụng, lãi suất trong thời gian tới. Trong đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này”, Văn bản số 9064/NHNN-TD nêu rõ.

Một lãnh đạo cao cấp Eximbank cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước có 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, người dân luôn kỳ vọng lãi suất thực tế cao hơn lãi suất chính thức được các ngân hàng niêm yết. Nhiều người gọi điện cho các ngân hàng kiểm tra chéo xem lãi suất ngân hàng nào cao rồi mới quyết định việc gửi tiết kiệm. Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng, bởi cạnh tranh huy động vốn ngày càng trở nên gay gắt và lãi suất huy động tiếp tục tăng nhưng lãi suất cho vay hầu như không tăng.

“Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp bổ sung vốn cho nền kinh tế”, vị lãnh đạo Eximbank nói.

Ông Lê Anh Tú, Phó tổng giám đốc Nam A Bank chia sẻ, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản, lãi suất huy động bình quân 2 tháng gần đây tăng từ 1 - 2%/năm, chủ yếu ở kỳ hạn dài. Để giảm lãi suất đầu ra, phải giảm được lãi suất đầu vào và lãi suất tối đa không quá 9,5%/năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản rất tích cực thời gian qua, cần cố gắng duy trì thêm một thời gian nữa để dòng tiền dần dần ngấm vào thị trường.

Đại diện đến từ Bao Viet Bank nói: “Không muốn có sự cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng, nhưng trong thời điểm hiện nay, việc kêu gọi đồng thuận là khó nên cần có quy định và chế tài cụ thể mới giảm được lãi suất huy động”.

Cùng chung quan điểm huy động vốn khó khăn, ông Lê Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc SHB đề xuất: thứ nhất, thị trường liên ngân hàng hoạt động rất kém, đề nghị các ngân hàng lớn nới việc cho vay để hoạt động cho vay quay trở lại bình thường nhằm có nguồn phục vụ sản xuất - kinh doanh; thứ hai, cần nghiệp vụ thị trường mở (OMO) kỳ hạn dài, không đấu thầu lãi suất mà chỉ đấu thầu khối lượng để ngân hàng có nguồn vốn ổn định cho vay doanh nghiệp sản xuất; thứ ba, xem xét tái cấp vốn cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất được chỉ định.

Thực tế, dưới áp lực về thanh khoản, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 tăng nhanh. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng của khối ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến từ 8,5 - 10%/năm, tăng 4 - 5%/năm so với cuối năm 2021.

Lãi suất tái cấp vốn có thể tăng

Để giảm lãi suất đầu ra, phải giảm được lãi suất đầu vào, nhưng việc này không dễ thực hiện.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV chia sẻ, hoạt động huy động vốn hiện vẫn khó khăn. Tính đến giữa tháng 12/2022, huy động của Ngân hàng chỉ tăng 3,4% so với đầu năm, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Thị trường khan hiếm tiền và đẩy lãi suất huy động lên cao, trong khi BIDV là ngân hàng có vốn nhà nước luôn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để góp phần ổn định thị trường.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, kể từ đầu tháng 12/2022, Agribank đã triển khai hỗ trợ giảm lãi suất tự động trên diện rộng cho 2 nhóm khách hàng chính được xác định theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức giảm là 20% trên lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11/2022. Với dư nợ phát sinh từ ngày 1/12 - 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% trên mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. Đối với những doanh nghiệp tốt, lãi suất cho vay là 6 - 7%/năm.

Bà Phượng cho biết thêm, vừa qua, Agribank đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Agribank đã được bảo đảm. Vì vậy, Agribank sẵn sàng cung ứng vốn cho các ngân hàng thương mại khác trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, qua đó giúp ổn định mặt bằng lãi suất.

“Agribank lên kịch bản thanh khoản cho chính Ngân hàng và phương án hỗ trợ thị trường. Agribank mạo muội nhận là một ngân hàng cung cấp OMO thứ 2 trên thị trường. Cụ thể, Agribank sẵn sàng cung cấp kỳ hạn dài như Ngân hàng Nhà nước là 91 ngày và hiện đã có 8 ngân hàng đăng ký, đồng thời tiến hành hoán đổi ngoại tệ (Swap) kỳ hạn lên đến 6 tháng. Tất cả mọi việc được triển khai với mong mỏi các ngân hàng ổn định, Agribank ổn định”, bà Phượng nói.

Được biết, ngày 21/12/2022, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,03%/năm ở kỳ hạn qua đêm, đi ngang ở kỳ hạn 1 tuần, trong khi tăng 0,10 - 0,13%/năm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng so với phiên trước đó. Cụ thể, lãi suất qua đêm là 3,94%/năm, 1 tuần là 5,4%/năm, 2 tuần là 6,57%/năm và 1 tháng là 7,79%/năm.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá, động thái tăng lãi suất vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đầu tiên và quan trọng nhất là gây áp lực lên các loại tiền tệ so với USD. Đồng USD trở nên mạnh hơn, bao gồm cả đối với VND. Nhưng Việt Nam có mức nợ công tương đối thấp (43% GDP) nên mức độ tổn thương sẽ ít hơn so với những quốc gia mắc nợ cao.

Theo ông Andrew Jeffries, tác động tăng lãi suất của Fed buộc nhiều ngân hàng trung ương khác, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng phải tăng lãi suất. Có những dấu hiệu cho thấy, lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, có thể khiến Fed không tiếp tục tăng lãi suất như họ đã làm trong năm 2022, nhưng đó là điều khó dự đoán.

“Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tăng lãi suất một lần nữa. Điều đó làm cho chi phí đi vay của các doanh nghiệp trong nước cao hơn và sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản, gây ra một số thách thức trong nền kinh tế hiện tại”, ông Andrew Jeffries nhận định.

Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, Khối Nghiên cứu toàn cầu của HSBC dự báo: “Các yếu tố bên ngoài đã trở nên thuận lợi hơn trong những tuần gần đây, với việc Fed nhiều khả năng giảm tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất và áp lực tỷ giá ngoại tệ dịu bớt. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tăng chứng minh chu kỳ tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang trên đà diễn ra. Dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5% trong quý I/2023 và quý II/2023, đạt 7%/năm vào giữa năm 2023”.

Tin bài liên quan