Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đòi hỏi về dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, quản lý tài sản ngày một lớn.

Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đòi hỏi về dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, quản lý tài sản ngày một lớn.

Khoảng trống của tư vấn tài chính cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tư vấn tài chính cá nhân là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh phát triển tài chính toàn diện. Tuy nhiên, đây lại là khoảng trống lớn của thị trường Việt Nam, bởi không chỉ thiếu mà còn yếu về cung cấp dịch vụ.

Nhu cầu lớn từ thị trường

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự quan tâm của người dân tới tự do tài chính, hoạch định tài chính ngày càng gia tăng. Để đánh giá nhu cầu sử dụng dịch vụ hoạch định tài chính cá nhân, tư vấn tài chính cá nhân, các quốc gia xét trên 4 yếu tố: mặt bằng thu nhập, quy mô dân số và sự phát triển của tầng lớp trung lưu, tốc độ già hoá dân số, quỹ bảo hiểm xã hội.

Tại Việt Nam, mặt bằng thu nhập đang gia tăng mạnh mẽ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, quy mô GDP của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 413,8 tỷ USD, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 35 thế giới. Đến năm 2024, GDP bình quân của Việt Nam vượt mốc 5.000 USD/người.

Dân số Việt Nam đã chạm mốc 100 triệu dân từ tháng 4 năm nay. Tầng lớp trung lưu hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 10,1% trong giai đoạn 2016 - 2021, cao nhất trong khu vực. Với việc tăng thêm 23 triệu người, dự kiến đến 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức gần 50 triệu người.

Đáng chú ý, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Quỹ Bảo hiểm Xã hội đang đứng trước sức ép lớn.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, Quỹ Bảo hiểm Xã hội đứng trước nguy cơ mất cân đối thu chi trong tương lai gần, cụ thể là năm 2035. Có thể thấy, nhu cầu được tư vấn tài chính, xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân và gia đình một cách bền vững là hiện hữu, nhưng thị trường còn khoảng trống lớn với lĩnh vực này.

Khoảng trống dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân

Theo Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), tư vấn tài chính là mảnh ghép vô cùng quan trọng trong bức tranh phát triển tài chính toàn diện của mỗi quốc gia, là xu thế phát triển tất yếu của dịch vụ tư vấn tài chính trong nền kinh tế thị trường. Những năm qua, tại Việt Nam, hoạch định tài chính cá nhân đang là khoảng trống nguy hiểm mà “4 nhà” - Nhà nước, nhà khoa học, nhà tư vấn và nhà dân - đều chưa nhận thức đầy đủ và có hành động phù hợp.

“Đã đến lúc cả 4 nhà phải chung tay hoàn thiện bức tranh tài chính toàn diện của Việt Nam, chuyển hoạch định tài chính cá nhân từ hoạt động tự phát sang tự giác, từ bị động sang chủ động”, VFCA đề xuất.

Phân tích rõ hơn hiện trạng tư vấn tài chính cá nhân tại thị trường Việt Nam, VFCA cho rằng, hiện tại, dẫn đầu trong việc phát triển dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân (xét về sự đầu tư chỉn chu về mặt quy trình, hệ thống và đào tạo nội bộ) là nhóm ngân hàng thương mại. Với lợi thế tiền đề về các sản phẩm tiết kiệm, tín dụng truyền thống cùng tệp khách hàng cá nhân lớn, mạng lưới chi nhánh phục vụ rộng khắp, các ngân hàng đang tích cực hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm tài chính bằng việc liên kết với các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, công ty bất động sản có dự án đang được tài trợ để khai thác và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Tiếp đến là các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và quỹ đầu tư. Nhóm các công ty này trong vòng 5 năm trở lại đây đã cho ra đời dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân để kết nối nhu cầu của khách hàng với các sản phẩm đang chào bán của mình. Chẳng hạn, các công ty chứng khoán bắt đầu phát triển nghiệp vụ tư vấn quản lý tài sản, tuy nhiên rổ tài sản của khách hàng sẽ được hình thành bằng việc mua sản phẩm của công ty chứng khoán hoặc các đối tác của công ty.

Với sự phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại và sàn thương mại điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng và công ty công nghệ tài chính dễ dàng tiếp cận với số lượng lớn khách hàng vay. Các công ty này ngày càng đẩy mạnh hoạt động tư vấn nhằm giới thiệu nhiều sản phẩm đa dạng, gồm bán hàng trả góp, mua trước trả sau và cho vay tiền mặt tiêu dùng, cạnh tranh với các ngân hàng.

Như vậy, trong nhiều trường hợp, cụm từ “tư vấn tài chính cá nhân” chỉ mang tính danh nghĩa. Nói một cách chính xác hơn, các công ty và tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ này trên thị trường chỉ đơn thuần tư vấn giúp các cá nhân lựa chọn sản phẩm sẵn có của đơn vị mình hoặc sản phẩm bán chéo khác nhằm thu về lợi nhuận cho mình.

Điều này đi ngược với tinh thần của ngành tư vấn tài chính cá nhân, khi mọi sản phẩm và giải pháp tài chính khuyến nghị phải dựa trên quá trình xem xét toàn bộ, khách quan và có chiều sâu tình hình tài chính hiện tại và mục tiêu khách hàng trong tương lai.

Phải nhìn nhận rằng dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam hiện mới đáp ứng được một phần yêu cầu của dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, bởi mới tập trung vào sản phẩm hơn là tư vấn một kế hoạch tổng thể về quản lý tài chính cá nhân từ thu nhập, tiêu dùng tới tiết kiệm, đầu tư tương ứng với các mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, hay các kế hoạch mang tính dài hạn hơn như hưu trí, di sản và mang tính chuyên môn như thuế và thừa kế.

Để hình thành chuẩn mực ngành hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam, cần xây dựng và chuẩn hoá các chuẩn mực theo khung chuẩn hoá của thế giới. Hiện tại, chuẩn mực cao nhất của ngành hoạch định tài chính cá nhân được quy định bởi Financial Planning Standard Board (FPSB).

Ra đời từ năm 1973, FPSB là tổ chức thiết lập các tiêu chuẩn chuyên nghiệp của nghề hoạch định tài chính cá nhân được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. FPSB cấp chứng chỉ cho các chuyên gia đạt 4 tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn của FPSB bao gồm: tiêu chuẩn năng lực, tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn đào tạo, tiêu chuẩn hành nghề.

Hoạch định tài chính cá nhân giúp từng cá nhân, từng hộ gia đình có được một bản kế hoạch tài chính của riêng mình. Các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới đã xây dựng và ứng dụng hoạch định tài chính cá nhân vào đời sống của người dân một cách phổ biến: 33% người dân Mỹ, 34% người Anh, 48% người Canada, 59% người Singapore, 76% người Malaysia… có một kế hoạch tài chính (số liệu từ VFCA). Đó cũng là điều mà người dân Việt Nam cũng có thể được thụ hưởng từ chính sách, định hướng phát triển tài chính toàn diện của Chính phủ.

Ngày 8/8/2023, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 - Vietnam Wealth Advisor Summit (VWAS) diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của các diễn giả uy tín trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện về lĩnh vực quản lý tài sản đầu tiên do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy/Swimming in the vortex”, diễn đàn sẽ thảo luận về bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, chiến lược đầu tư hiệu quả trong môi trường biến động khó lường; về các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ đầu tư được ưa thích trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vàng, ngoại tệ, bất động sản…

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra lễ vinh danh “Các sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2023”, “Các doanh nghiệp vì sự phát triển của dịch vụ tài chính”.

Tin bài liên quan