Các khoản nợ tín dụng quá hạn trong tháng 2/2020 đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Các khoản nợ tín dụng quá hạn trong tháng 2/2020 đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ với doanh nghiệp, lãi vay của cá nhân cũng giảm mạnh

(ĐTCK) Vừa để hỗ trợ khách hàng cá nhân, vừa giảm rủi ro nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay tiêu dùng ở cả khoản nợ cũ và vay mới. 

Giảm mạnh lãi vay cá nhân

Ðơn cử, Kienlongbank thông báo giảm 25% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng vay vốn trả góp ngày kể từ 3/4 đến 30/6/2020.

Chia sẻ về việc áp dụng chính sách thiết thực này với khách hàng, bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày của Kienlongbank là những người có thu nhập thấp như bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn, buôn bán nhỏ lẻ…

Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay, những khách hàng này thực sự gặp nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

“Có những khách hàng đã gắn kết với Kienlongbank trong nhiều năm qua hiện gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống trước tác động của dịch bệnh. Bởi vậy, không có lúc nào cấp thiết hơn lúc này, chúng tôi phải hành động”, lãnh đạo Kienlongbank nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng giám đốc Kienlongbank, trước khi giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân theo chương trình trên, Ngân hàng đã tham khảo ý kiến, tìm hiểu các khó khăn cốt lõi của khách hàng.

Từ đó, thay vì triển khai các chính sách giảm lãi suất cho khách hàng vay mới, Kienlongbank tập trung giảm lãi suất cho khách đã và đang vay.

Bởi trong bối cảnh giãn cách xã hội khiến các cơ sở kinh doanh phải tạm ngưng hoạt động, nhu cầu vay mới sẽ thấp, vấn đề cấp bách chính là giải quyết khó khăn trước mắt.

Tại Viet Capital Bank, ngân hàng này công bố giảm tới 2,5%/năm lãi suất so với lãi suất cho vay thông thường đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tất nhiên, tùy từng khách hàng và mức độ ảnh hưởng, Ngân hàng sẽ có chính sách lãi suất phù hợp.

Theo lãnh đạo Viet Capital Bank, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, chủ trương của Ngân hàng là tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, kể cả vay tiêu dùng.

Thực tế, không chỉ giảm lãi vay các khoản nợ cũ để hỗ trợ khách hàng cá nhân trong mùa dịch, các nhà băng cũng dành hàng nghìn tỷ đồng ưu đãi lãi vay cho người tiêu dùng cần vốn.

Chẳng hạn, HDBank giảm từ 2-4,5%/năm lãi suất đối với những khoản giải ngân mới cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, mà không cần khách hàng đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải, miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng…

ACB triển khai giai đoạn I với chương trình vay 25.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh với lãi suất ưu đãi giảm 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất thương mại của năm 2019.

Trong đó, ACB dành 13.000 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân, lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm.

MSB công bố gói tín dụng 7.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp. Riêng với vay tín chấp, MSB áp dụng lãi suất 12,99%/năm trong 12 tháng đầu.

Bà Nguyễn Ðức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, Ngân hàng áp dụng chính sách cơ cấu nợ, giảm lãi suất vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, khung lãi suất cho vay tại Sacombank đối với tất cả khách hàng đã được điều chỉnh giảm từ 0,5-1%/năm nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng.

Bên cạnh đó là nguồn vốn cho vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm đến 2%/năm đã được triển khai từ ngày 27/2/2020.

Lo ngại nợ xấu tăng

Thực tế, việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cá nhân được các ngân hàng, công ty tài chính thực hiện từ những năm trước. Tính đến cuối năm 2019, riêng các ngân hàng đã cho vay cá nhân vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng.

Trước khó khăn của nền kinh tế do dịch bệnh Covid-19 hoành hành hiện nay, tình trạng thất nghiệp gia tăng khiến nhiều lao động rơi vào khó khăn, đặc biệt với người đang có nợ vay ở ngân hàng sẽ chịu thêm áp lực trả nợ.

Việc nhiều ngân hàng chủ động thực hiện giảm, giãn nợ trong thời gian 3-6 tháng sẽ giúp người đi vay giảm bớt sức ép trả lãi vay.

Tuy nhiên, động thái này chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng, còn các công ty tài chính vẫn “án binh bất động”, trong khi nợ xấu tiêu dùng thường rơi vào nhóm này.

Nhận định dịch Covid-19 sẽ tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực cho vay tiêu dùng Việt Nam, Moody’s đang xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của 3 công ty tài chính và 2 ngân hàng mẹ có sở hữu công ty tài chính tại Việt Nam.

Ðộng thái này phản ánh lo ngại của Moody’s về cú sốc kinh tế do Covid-19, cho rằng dịch bệnh có thể gây tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính tiêu dùng do hồ sơ của người vay đa phần rất rủi ro.

Cụ thể, cả 3 công ty tài chính là FE Credit, Home Credit và SHB Finance có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp, nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp. Ðây là những đối tượng dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế.

Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng này do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định.

Ðồng thời, vị thế tài chính và thanh khoản của các công ty tiêu dùng có thể xấu đi do không còn được các ngân hàng cho vay, hoặc không thể phát hành chứng chỉ tiền gửi. Nguy cơ bị gián đoạn tiền gửi khiến các công ty tài chính này đứng trước rủi ro phải tái cấp vốn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính nhận định, dịch bệnh đang tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khiến người lao động bị giảm thu nhập, từ đó ảnh hưởng tới khả năng trả nợ nếu có nợ vay tiêu dùng.

Tình trạng này có thể kéo dài trên dưới 1 năm do hiện vẫn chưa thể khống chế được dịch, khả năng dẫn đến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng và công ty tài chính tăng nhanh.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình lao động, việc làm trong quý I/2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 2/2020 là 47.164 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Giới chuyên gia dự báo, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì số người thất nghiệp sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ tiêu dùng.

Vì vậy, Việt Nam cũng không loại trừ khả năng đứng trước tình trạng vỡ nợ tín dụng tiêu dùng như tại Trung Quốc, khi các khoản nợ tín dụng quá hạn trong tháng 2/2020 đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Tin bài liên quan