Không còn ưu đãi về thuế, TP.HCM nên tập trung cải thiện môi trường đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp FDI và chuyên gia khuyến nghị TP.HCM nên tập trung cải thiện môi trường đầu tư để tăng thu hút FDI vì hiện nay các lợi thế ưu đãi về thuế không còn.
Dây chuyền sản xuất vật liệu tổng hợp composite của Công ty NIKKISO (Nhật Bản) tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Dây chuyền sản xuất vật liệu tổng hợp composite của Công ty NIKKISO (Nhật Bản) tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Khuyến nghị này được các doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo tăng cường thu hút đầu tư và đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư diễn ra ngày 7/7 tại TP.HCM

Theo số liệu báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023 vốn FDI “rót” vào Thành phố đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI vào TP.HCM “bật tăng” trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy tình hình kinh tế của TP.HCM có sự khởi sắc trong quý II sau khi giảm sâu ở quý I/2023.

Đó là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia ngày một gia tăng. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là Thành phố cần làm gì để tiếp tục giữ vững sức hút đối với dòng vốn FDI nhất là khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), sẽ áp dụng cho 141 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, bắt đầu từ năm 2024.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, nếu không tính đến ưu đãi về thuế nữa thì vấn đề còn lại trong thu hút FDI tại TP.HCM chính là tập trung cải thiện môi trường đầu tư.

Bà cho rằng, Thành phố cần có một chính sách mang tính chiến lược, lâu dài để các nhà đầu tư cũ yên tâm mở rộng quy mô, đồng thời tạo được lực hút cho các nhà đầu tư mới. Và một trong những mục tiêu trọng tâm cần quan tâm trong thời gian tới là đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại Thành phố, nhằm tạo một môi trường pháp lý lành mạnh và trong sạch, để nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm ổn định đầu tư và kinh doanh lâu dài.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) phản ánh, hiện nay thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nói chung và TP.HCM của nhà đầu tư Italia còn phức tạp cần được hỗ trợ.

Ông cho rằng các quy trình thủ tục đầu tư cần được minh bạch hơn, TP.HCM nên quan tâm đến các chính sách hỗ trợ về pháp lý khi doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường đầu tư.

Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch ICHAM nêu ý kiến tại hội thảo.

Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch ICHAM nêu ý kiến tại hội thảo.

Cũng gặp vướng mắc về pháp lý, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, hiện có đến 80% doanh nghiệp châu Âu gặp vướng mắc về các thủ tục liên quan đến visa, giấy phép lao động khi đầu tư tại Việt Nam.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng và năng lượng tại Việt Nam và đang có xu hướng đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị.

Vì vậy, TP.HCM cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ thương mại và tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến tính minh bạch trong chính sách thuế, đơn giản hóa việc cấp giấy phép lao động... để nhà đầu tư yên tâm "rót" vốn.

Đề xuất giải pháp để TP.HCM tiếp tục thu hút nhà đầu tư FDI, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, Thành phố cần tập trung vào một số điểm mấu chốt gồm thể chế, nhân lực, vấn đề pháp lý...

"Sắp tới, khi thực hiện Nghị quyết 98, có thể sẽ có những xung đột hoặc chưa phù hợp giữa cơ chế chính sách đặc thù với cơ chế chung, cần có hướng xử lý" ông Lộc đề xuất.

Đối với vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp FDI nêu ý kiến hỗ trợ, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần triển khai một diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư thường niên giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài cập nhật các thông tin mới về thủ tục, quy định pháp luật.

Từ đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược hoạt động phù hợp với sự thay đổi của pháp luật để nắm bắt và kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch, giảm thiểu tối đa rủi ro và các tranh chấp.

Tin bài liên quan