Việc thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công có thể kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Cao tốc Giầu Dây - Phan Thiết. Ảnh: Lê Toàn

Việc thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công có thể kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Cao tốc Giầu Dây - Phan Thiết. Ảnh: Lê Toàn

Không quyết liệt, nhiều bộ, ngành, địa phương có thể không giải ngân hết vốn đầu tư công được giao

0:00 / 0:00
0:00
Dù chưa tới chặng đua nước rút, nhưng nếu không nhanh chóng và quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhiều bộ, ngành, địa phương có thể không giải ngân hết được số vốn được giao từ đầu năm, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Lo “lụt” tiến độ

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương một lần nữa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng công khai trên hệ thống thông tin về đầu tư công. Trong hàng loạt danh sách đó, không khó để nhận ra, vẫn còn rất nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, dưới mức trung bình của cả nước (37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Chẳng hạn, TP.HCM mới giải ngân 26,56%; Đà Nẵng 17,24%, Quảng Nam 17,19%; Hòa Bình 18,92%...

Dù 7 tháng, giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An vẫn đạt hơn 36%, nhưng sốt ruột trước tình trạng chậm tiến độ, mới đây, tỉnh này tổ chức một hội nghị nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Sốt ruột cũng phải, bởi năm ngoái, Nghệ An là một trong những địa phương giải ngân khá tốt. Còn năm nay, hiện vẫn có 35/70 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh, thậm chí có 13 đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Đáng lo hơn là, mới chỉ có 13,76% vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội dành cho 5 dự án, với tổng cộng 748 tỷ đồng, được giải ngân, trong khi thời gian còn lại không nhiều.

Nghệ An lo, TP.HCM càng lo hơn, bởi nếu như tổng nguồn vốn đầu tư công của Nghệ An năm nay chỉ là 7.135 tỷ đồng, trong đó vốn kéo dài từ năm 2022 sang là 1.550 tỷ đồng, thì vốn kế hoạch được giao của TP.HCM lên tới 68.490 tỷ đồng. Hơn nữa, tới thời điểm này, TP.HCM còn có tới 30 dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0%, gần 20 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 10%...

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong bối cảnh sản xuất, xuất nhập khẩu còn nhiều khó khăn, nếu cả giải ngân vốn đầu tư công cũng không đạt kế hoạch, thì tăng trưởng GRDP của TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng. 6 tháng đầu năm, đầu tàu kinh tế này mới tăng trưởng 3,55%, trong khi mục tiêu của năm nay là 7,5-8%. Để đạt được con số này, theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trong hai quý cuối năm, GRDP của Thành phố phải tăng trưởng 10-13%, trong đó đầu tư công là một động lực quan trọng.

Đầu tư công không chỉ là động lực tăng trưởng của riêng TP.HCM, mà là của cả nước. Trong báo cáo được công bố hôm 10/8 với chủ đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công năm 2023 có thể kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.

“Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế”, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nói.

Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ cách đây ít ngày đã ký Công điện số 749/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Không chỉ các bộ, ngành, địa phương lo lắng, Chính phủ càng lo lắng hơn khi giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, dù thực tế, tình hình đã khả quan hơn trong 2 tháng gần đây.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2023 không chỉ cao hơn về tỷ lệ (37,85% so với 34,47%), mà còn cao hơn cả về số tuyệt đối. Con số cao hơn lên tới 81.000 tỷ đồng, một ngân khoản không nhỏ.

Tuy vậy, nỗi lo một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm là có thật. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ cách đây ít ngày đã ký Công điện số 749/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023…

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...

Đồng thời, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện…

“Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp chính quyền. Phải giải ngân với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất và tinh thần trách nhiệm cao nhất”, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo quyết liệt như vậy.

Ngoài Nghệ An, TP.HCM, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Cùng với nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội đã lên kế hoạch về việc giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Theo ông Lê Quang Mạnh, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các dự án quan trọng quốc gia trong diện giám sát là Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; giai đoạn I các dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đây cũng là biện pháp quan trọng để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm nói riêng, vốn đầu tư công nói chung, nhất là đối với các dự án sử dụng nguồn lực từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Tin bài liên quan