“Không thể bắt nguyên hệ thống ngân hàng làm con tin”

“Không thể bắt nguyên hệ thống ngân hàng làm con tin”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chính sách để có thể hỗ trợ được cho ngành bất động sản cần phải đi vào các phân khúc có nhu cầu cao, ví dụ như những phân khúc dành cho người có thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình.

Ngày 8/2, khoảng 20 doanh nghiệp tham gia Hội nghị tín dụng bất động sản dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó, các doanh nghiệp bất động sản như Vinhomes, Novaland, Sungroup, Hưng Thịnh, Him Lam cũng tham gia. Các kiến nghị của doanh nghiệp xoay quanh vấn đề tiếp cận vốn, lãi suất vay, vướng mắc pháp lý...

Trong chương trình Bí mật đồng tiền số 58, khi được hỏi về quan điểm đối với những vấn đề mà doanh nghiệp bất động sản đề xuất trong cuộc họp ngày 8/2 với NHNN, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI, CTCP Chứng khoán SSI, cho rằng quan điểm chung của chính phủ về ngành bất động sản vẫn là các doanh nghiệp phải tự xử lý vấn đề của mình trước. Đối với một số doanh nghiệp là do tự tạo vấn đề. Vậy thì hay tự giải quyết vấn đề, giống như vay thì phải tìm cách để trả.

Ông Hưng cho biết, giải pháp có thể các doanh nghiệp bất động sản đem bán dự án, giá bán cao quá thì hạ giá xuống mà bán. Nói chung, là tìm mọi cách để có thể bán được và trả nợ. Do vậy, không thể bắt nguyên hệ thống ngân hàng làm con tin. Những tuyên bố từ phía NHNN trong cuộc họp đã rất hợp lý.

Còn các chính sách để có thể hỗ trợ được cho ngành bất động sản thì phải đi vào các phân khúc có nhu cầu cao, ví dụ như những phân khúc dành cho người có thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình. Đó là phân khúc mà thị trường cần hơn. Biện pháp hỗ trợ nên đi theo hướng đấy, không nên theo hướng gói hỗ trợ “mù quáng” cho các doanh nghiệp, để rồi tạo ra nợ xấu tiếp theo cho hệ thống ngân hàng.

Có ý kiến cho rằng tác động của chính sách đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ làm giảm vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ông Hưng cho rằng, kế hoạch của tờ trình về thuế bất động sản là 2024, vậy thì để triển khai thực tế cũng phải đến 2025 trở đi, do vậy chưa thể đánh giá ngay ảnh hưởng thực tế.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, về mặt chính sách, Chính phủ nhìn nhận phần đầu cơ tương đối nhiều, do vậy sẽ có nhiều chính sách được xây dựng dựa trên việc “chống đầu cơ”. Ngoài loại thuế kể trên, thì còn có những thuế khác như thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản trong thời gian nắm giữ thấp. Các chính sách trên là cần thiết, nếu không hoạt động đầu cơ vẫn sẽ tiếp diễn, giá nhà tiếp tục ở mức cao và khó tiếp cận với người dân bình thường.

Một cách “dã man” để cho lạm phát giảm đó là tạo ra một cuộc suy thoái lớn

Trước câu hỏi về việc, liệu cuối 2023, lạm phát của Mỹ có về 2% hay không, ông Hưng cũng đưa ra những phân tích - con số 2% đấy là tiêu chuẩn thế giới, và để xuống 2% là khó.

Bởi, lạm phát có hai thứ, một là lạm phát tổng thể, dựa theo CPI, thì xu hướng giảm là có khả năng, do giá xăng dầu hay lương thực thực phẩm cũng có xu hướng xuống. Không chỉ riêng Mỹ, châu Âu hay châu Á, mà cả Việt Nam, lạm phát cơ bản (core inflation) mới là vấn đề, xu hướng giảm của con số này lại rất là thấp. Ở một số quốc gia, sau khi giảm vài tháng thì đang tăng trở lại.

Cuối tháng 1, lạm phát cơ bản là 5,2% ở Việt Nam. Tại Mỹ, thì con số cũng loanh quanh con số đó. Vậy nên việc quay trở lại lạm phát 2% vào đầu 2024, là rất khó, trừ khi có những sự kiện rất là mạnh mẽ xảy ra, theo một cách “dã man” để cho lạm phát giảm đó là tạo ra một cuộc suy thoái lớn, giá cả sẽ giảm và lập tức “đâu sẽ về đúng vị trí” đó. Nhưng thường thì cách hạ cánh cứng đó, các ngân hàng trung ương lại “không thích thú” lắm. Nên theo quan điểm ông Hưng, lạm phát sẽ giảm một cách từ từ, không thể tránh khỏi những thời điểm nó sẽ tăng trở lại.

Số liệu thị trường lao động của Mỹ trong tháng 1 có thể nói là khá tốt, khiến nhiều người lo lắng chính sách tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục thắt chặt. Tuy nhiên, có một yếu tố khác đi ngược lại, đó là làn sóng sa thải ở Mỹ đang khá nhiều.

Ông Hưng đánh giá, số tháng 1 tại Mỹ thường sẽ có sự điều chỉnh theo tính chất mùa vụ. Cho nên, nhìn vào số liệu việc làm tại Mỹ tại tháng 1/2022, hay tháng 1/2023 thường sẽ khá là cao. Mặc dù số liệu đó có thể xem là khửng khiếp với ngày ra tin nhưng sự ảnh hưởng của nó lại khá là ít. Phát biểu của ông Powell cũng không đề cập nhiều đến số tháng 1.

Vậy nên, xảy ra một nghịch lý là mỗi ngày chúng ta xem tin tức, tiếp cận những thông tin về sa thải tại công ty lớn như Apple, Amazone,… ít thì khoảng 10.000 nhân viên, còn cao hơn thì con số này cũng lên đến vài chục nghìn, thế nhưng số liệu việc làm lại cao. Có thể hiểu là do con số đấy mang tính “technical” và có thể các hành động sa thải chưa xảy ra hoặc là họ đang cố giữ việc đấy thêm một thời gian nữa.

Tin bài liên quan