
Các quy định chồng chéo, phức tạp và không cần thiết cần được cắt bỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển (Ảnh: Dũng Minh)
Có phải quy định thừa thãi?
“Xét về tính cần thiết, quy định này là thừa thãi”. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thẳng thắn đưa nhận định này vào văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm vừa gửi Bộ Y tế.
“Điều 63.9 của Dự thảo quy định doanh nghiệp phải kiểm nghiệm sản phẩm tối thiểu 6 tháng một lần tại hệ thống kiểm nghiệm nhà nước. Nghĩa vụ này vừa không cần thiết, vừa gây ra nhiều hệ lụy bất cập”, ông Phạm Văn Hùng, chuyên gia pháp chế, Ban Pháp chế (VCCI) nêu rõ.
Ngay trong công văn gửi Bộ Y tế, lý do cũng được VCCI đề cập rất cụ thể. Theo đó, xét về tính cần thiết, quy định “doanh nghiệp phải kiểm nghiệm sản phẩm tối thiểu 6 tháng một lần tại hệ thống kiểm nghiệm nhà nước” là thừa thãi, vì mục tiêu bảo đảm chất lượng sản phẩm đã được đáp ứng hiệu quả thông qua công cụ chính sách khác là Giấy chứng nhận Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP-ASEAN). Toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm phải được sản xuất theo tiêu chuẩn CGMP-ASEAN và có đánh giá độ ổn định nhằm đảm bảo sản phẩm đồng đều về chất lượng và an toàn trong suốt thời hạn sử dụng.
Cùng với đó, VCCI cho rằng, cơ chế xử lý vi phạm “đã đủ nghiêm khắc” để bảo đảm tính tuân thủ, cụ thể là bị thu hồi Phiếu công bố.
“Yêu cầu kiểm nghiệm sau lưu thông không những không cần thiết, mà xét về tính hiệu quả, quy định này không mang lại nhiều giá trị thực tiễn”, ông Hùng giải thích về đề xuất bỏ quy định nói trên.
Theo ông Hùng, việc kiểm nghiệm thực hiện trên mẫu do doanh nghiệp tự gửi có thể không phản ánh đúng chất lượng của sản phẩm lưu hành thực tế trên thị trường và quan trọng hơn là, cách tiếp cận này đi ngược với xu hướng quản lý hiện đại.
“Các quốc gia tại Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN đều chuyển sang hậu kiểm khách quan để nâng cao hiệu quả giám sát thực chất. Cách quản lý này tập trung vào lấy mẫu thực tế trên thị trường và ‘khoanh vùng’ các sản phẩm có rủi ro cao dựa trên hệ thống tiêu chí rủi ro. So với việc yêu cầu kiểm nghiệm sau lưu thông, đây là hướng tiếp cận nâng cao hiệu quả hậu kiểm hơn, cần được cân nhắc áp dụng”, ông Hùng làm rõ.
Đáng nói là, VCCI cho rằng, quy định về kiểm nghiệm sau lưu thông tạo ra sự phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước, khi chỉ công nhận kết quả từ hệ thống kiểm nghiệm nhà nước.
Không thể lơi là tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW
Yêu cầu điện tử hóa thủ tục hành chính là điều mà đại diện cộng đồng doanh nghiệp luôn nhắc đến. Dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm của Bộ Y tế đã quy định về thủ tục công bố Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, tuy nhiên, chưa đề cập hình thức nộp hồ sơ trực tuyến. Cũng có nghĩa, quy định này sẽ không “chạy” cùng với mục tiêu số hóa 100% thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trong năm 2025 của Chính phủ…
Còn nhiều quy định khác trong Dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm được VCCI nhắc đến cùng với đề xuất xem xét sửa đổi, quy định rõ… Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia pháp chế của VCCI lo ngại hơn cả là những quy định không rõ mục tiêu chính sách, gia tăng đáng kể thủ tục hành chính so với hiện tại.
Khi xem xét để góp ý cho Dự thảo, VCCI đã bày tỏ quan điểm, việc sửa đổi toàn diện quy định lần này phải là cơ hội phù hợp để cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm.
“Đảng và Nhà nước đang xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những ưu tiên để thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng cho doanh nghiệp. Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh”, VCCI gửi thông điệp tới Bộ Y tế ngay trong phần đầu công văn.
Trong nhiều cuộc làm việc, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI đã nhấn mạnh, tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW và hành động quyết liệt của Chính phủ là cơ sở để VCCI có các kiến nghị mạnh mẽ. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện quyền giám sát của mình.
“Thực tế, việc đổi mới quản lý nhà nước, từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ hành chính quản lý sang hành chính phục vụ không dễ, có thể cần thời gian để các cơ quan quản lý thay đổi tư duy. Song, đây là lúc cần vai trò giám sát của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là từ các dự thảo văn bản trong quá trình xây dựng”, ông Tuấn chia sẻ.
Bởi vậy, rất nhiều văn bản góp ý của VCCI đi vào chi tiết, yêu cầu làm rõ nội hàm các quy định. Thậm chí, góp ý vào Dự thảo Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công thương gửi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, VCCI đề nghị xác định lại rủi ro của các hoạt động thương mại điện tử để cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh sang hoạt động hậu kiểm.
Qua hơn thập kỷ phát triển, tính từ thời điểm Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được ban hành, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng tất yếu với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh. Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), 44% doanh nghiệp sở hữu website, trong đó, 42% website có tính năng đặt hàng trực tuyến. Số lượng hồ sơ thực hiện thông báo cũng rất lớn (năm 2023 có 105.103 hồ sơ thông báo). Tuy vậy, cho đến nay, cũng chưa hề có phản ánh tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội từ việc các doanh nghiệp không đăng ký website thương mại điện tử.
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, các biện pháp và phương thức kiểm tra, giám sát ngày càng hoàn thiện, đồng thời, kiến thức và kỹ năng của người tiêu dùng cũng tốt hơn trước rất nhiều. Như vậy, có thể thấy, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử không mang lại lợi ích quản lý nhà nước nào rõ ràng, thậm chí còn đang trở thành rào cản với thương nhân khi tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử.
Chính vì vậy, VCCI cho rằng, nhiều thủ tục hành chính ban hành năm 2013 cần được rà soát lại, vì nguyên tắc ban hành khi đó có thể suy đoán là nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn đầu, khi chưa thể lường hết tác động của hoạt động này. Đây cũng là lý do VCCI đề nghị bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website thương mại điện tử bán hàng, chuyển việc kiểm soát hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng sang phương pháp hậu kiểm.
Trong Dự thảo mà Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính đang gửi lấy ý kiến, thủ tục nói trên đã được Bộ Công thương điều chỉnh phân cấp so với quy định hiện hành.
Cũng theo tinh thần này, VCCI đề nghị không bãi bỏ thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa của Dự thảo Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lý do là, Điều 34, Luật Du lịch quy định thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trong trường hợp giấy phép bị hư hỏng hoặc bị mất. Nếu đề xuất bỏ thủ tục này, trong trường hợp giấy phép bị hư hỏng, bị mất, doanh nghiệp sẽ không thể được cấp lại. Trong khi đó, kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, yêu cầu phải có giấy phép.
Vấn đề đặt ra, tại thời điểm bị kiểm tra, nếu doanh nghiệp không xuất trình được giấy phép (vì bị mất, bị hư hỏng), cơ quan kiểm tra có chấp nhận việc tìm trong hệ thống thông tin quản lý về việc doanh nghiệp đã được cấp phép, mà không cần xuất trình giấy phép hay không? Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp có nhu cầu xuất trình giấy phép cho đối tác, nếu không được cấp lại, thì doanh nghiệp làm thế nào để có lại giấy phép?
“Trong trường hợp vẫn xác định kinh doanh dịch vụ lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải có giấy phép kinh doanh, thì việc bỏ thủ tục cấp lại giấy phép có thể sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp”, VCCI kiến nghị với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính khi gửi góp ý Dự thảo Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.