Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, một bệnh viện tư thành công tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, một bệnh viện tư thành công tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

“Khúc quanh” với đầu tư tư nhân vào y tế

Y tế cần vốn đầu tư khá lớn, trong khi ngân sách khó có thể đáp ứng. Do đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này, nhưng vẫn còn những “khúc quanh” khiến các nhà đầu tư dè dặt khi rót vốn.

Xu thế tất yếu

Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách quan trọng như chuyển đổi mô hình bao cấp sang thị trường qua chủ trương tự chủ tài chính ở các bệnh viên công trên toàn quốc; xã hội hoá kêu gọi hợp tác, liên doanh, thu hút đầu tư tư nhân vào y tế.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã có 219 bệnh viện tư (chiếm 16%), với 15.781 giường bệnh. Một số cơ sở y tế tư nhân có quy mô được thành lập mới như Bệnh viện Nhi Đức Tâm (Đắk Lắk) với 50 giường bệnh, Bệnh viện mắt Cao Nguyên (Gia Lai) với 100 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng với 180 giường bệnh, Bệnh viện Phương Châu Sa Đéc với 50 giường bệnh...

Là một trong những người đi đầu trong đầu tư y tế tư nhân, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, người sáng lập Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, hệ thống y tế công cộng bị quá tải, dẫn đến thời gian chờ đợi lâu, bởi vậy, phát triển khu vực tư nhân là chủ trương đúng đắn, là xu thế tất yếu giúp bổ sung cơ sở khám chữa bệnh, để người dân có nhiều lựa chọn hơn cho việc chăm sóc sức khỏe.

Là “kẻ ngoại đạo”, nhưng nhìn thấy tiềm năng của y tế tư nhân, ông Nguyễn Danh Khôi (Việt kiều Mỹ) đã thành lập Bệnh viện mắt Cao Thắng (năm 2001). Đây là bệnh viện mắt tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Khi mới thành lập, không ít người cho rằng, bệnh viện của ông Khôi sẽ chết yểu. Nhưng trái với dự đoán, 17 năm qua, Bệnh viện mắt Cao Thắng không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tích được cộng đồng ghi nhận. Năm 2003, Bệnh viện đạt chuẩn chứng nhận hợp quy ISO 9001:2000, hệ thống quản lý chất lượng do Tổ chức quốc tế Det Norske Veritas (DNV) của Na Uy cấp.

Cùng với bệnh viện, một mảng khác trong ngành y tế là lĩnh vực dược phẩm cũng được các nhà đầu tư tư nhân tham gia và có những dấu ấn nhất định. Nhiều chuỗi bán lẻ dược phẩm được quản trị tốt, tạo tiện ích cho người sử dụng như FPT Retail, Pharmacity...

Mong muốn bình đẳng hai khối công - tư

Việt Nam đất nước đang phát triển, dân số đông, nhu cầu khám chữa bệnh lớn. Hiện mỗi năm có hàng trăm ngàn người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, chi phí khoảng 2 tỷ USD. Do đó, cần đẩy mạnh đầu tư cho y tế chất lượng cao để người Việt không phải đi chữa bệnh ở nước ngoài, không bị mất ngoại tệ.

Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào y tế, nhưng trên thực tế, vẫn còn những “khúc quanh” khiến y tế tư nhân chưa thể tăng tốc.

Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, hiện vẫn còn sự bất bình đẳng giữa 2 khối này. Trong khi cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước được thực hiện nhiệm vụ chính trị, được đầu tư về đất đai, cơ sở vật chất, trang bị nhân lực, trả lương, cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, máy móc, thiết bị y tế…, thì cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phải tự trang trải kinh phí cho tất cả các lĩnh vực trên. Không những thế, bệnh viện tư nhân không được thanh toán phí điều trị nội trú bảo hiểm y tế. Điều này vô hình trung đã tạo ra những cản trở không nhỏ, kìm hãm sự phát triển của y tế tư nhân.

Ngoài ra, các vấn đề về đào tạo, đào tạo lại, tài trợ, các bệnh viện công lập đều có lợi thế hơn. Có những chương trình đào tạo có kinh phí của Nhà nước, nhưng chỉ có cơ sở công lập được tham gia, còn các cơ sở tư nhân, bệnh viện tư nhân không được quan tâm.

Việc rộng cửa cho khu vực tư nhân đầu tư vào y tế là con đường buộc phải đi. Việc đầu tư cho các dịch vụ y tế chất lượng cao còn có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư. Do đó, các nhà đầu tư y tế đề nghị, thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách khắc phục những bất cập trên.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị bệnh viện TP.HCM khuyến nghị, một trong các mô hình nên tham khảo là mô hình phân chia nguồn vốn hoạt động. Theo đó, bệnh viện công sẽ nhận ngân sách nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người nghèo, người về hưu và các đối tượng chính sách được ngân sách nhà nước bảo vệ như quân nhân giải ngũ… Bệnh viện tư thực hiện các dịch vụ y tế cho người đang đi làm có đóng bảo hiểm y tế và trong độ tuổi lao động.

Mô hình thứ hai là Nhà nước không sở hữu và điều hành bệnh viện, toàn dân tự thanh toán cho chi phí khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế (bắt buộc hoặc tự nguyện, tùy theo mức đóng mà có mức hưởng). Theo mô hình này, có thể giảm bớt việc người dân chi tiền khám và chữa bệnh ở nước ngoài. Nhà nước thực hiện sự trợ giúp với một số đối tượng như trẻ em, người già, thông qua việc cấp thẻ bảo hiểm miễn phí hoặc giảm giá.

Đầu tư y tế là đầu tư cho phát triển

Tại cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế (tháng 8/2017), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, sức khỏe là vốn quý của từng người và của toàn xã hội. Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển.

Nhà nước không chỉ lo về cơ chế để người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất, mà còn phải hướng người dân cùng với Nhà nước lo cho y tế dự phòng, đào tạo đội ngũ y bác sĩ có tay nghề chuyên môn giỏi, phát triển y tế vùng sâu vùng xa để các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất.

Tin bài liên quan