Bà Nguyễn Thị Cúc

Bà Nguyễn Thị Cúc

Kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Đề xuất của bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức động viên ngân sách của Việt Nam từ thuế quá cao. Bà có nghĩ như vậy không?

Mức động viên ngân sách thông qua thuế, phí của Việt Nam cao hay thấp là đề tài không chỉ được các chuyên gia kinh tế, mà đại biểu Quốc hội nhiều khoá cũng đem ra thảo luận và đa phần quan điểm đều cho rằng, ngân sách động viên “quá mức” từ DN. Nhưng nếu phân tách, đánh giá một cách cụ thể, khoa học, thì mức động viên ngân sách từ DN của Việt Nam không cao, thậm chí còn thấp hơn nhiều nước. Bởi mức động viên ngân sách của Việt Nam còn bao gồm cả dầu thô, tài nguyên thiên nhiên, thu từ đất đai, nguồn tài trợ và nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

Cụ thể, năm 2012, theo dự toán, tổng thu ngân sách là 740.500 tỷ đồng, nhưng nếu trừ thu từ dầu thô, hoạt động xuất - nhập khẩu và viện trợ, thì nguồn thu nội địa chỉ 494.600 tỷ đồng. Nếu trừ tiếp khoản thu từ đất đai, thu từ quỹ đất công ích, hoa lợi công sản tại cấp xã và thu ngân sách khác, thì thực tế thu từ thuế, phí chỉ còn 448.792 tỷ đồng (tương đương 14% GDP), thấp hơn nhiều so với mức thu thuế, phí/GDP trung bình của các nước trên thế giới (26,4 - 27,8% GDP).

 

Nhưng nếu so sánh với các nước trong khu vực, tỷ lệ động viên từ thuế và phí/GDP của Việt Nam vẫn cao hơn rất nhiều, thưa bà?

Tỷ lệ động viên từ thuế, phí của nước ta tương đương 14% GDP là không cao so với nhiều nước trong khu vực (tỷ lệ này tại Trung Quốc là 17,3% GDP, Thái Lan và Malaysia 15,5% GDP, Philippines 13% GDP, Indonesia 12,1% GDP…)

Hơn nữa, để đánh giá thuế và phí của nước ta là cao hay thấp, phải đưa về cùng mặt bằng để so sánh. Việt Nam thực hiện cơ chế ngân sách thống nhất trong toàn quốc, tất cả mọi khoản thu, thuế suất, chính sách ưu đãi thuế trên cả nước được thực hiện như nhau, địa phương không được đặt thêm các khoản thu hay tăng/giảm thuế suất so với luật thuế. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới lại phân cấp ngân sách cho từng bang, từng tỉnh. Ví dụ, theo luật thuế, DN phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 25%, nhưng ở bang nào đó, tỉnh nào đó có điều kiện kinh tế phát triển hơn, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn, họ có quyền phụ thu thêm 5 - 10%. Nếu cộng tất cả các khoản này và khoản mà DN phải nộp theo luật, thì số thu từ thuế, phí/GDP của nhiều nước còn cao hơn Việt Nam rất nhiều.

 

Cho rằng chi phí về thuế của Việt Nam không cao, nhưng bà lại là người ủng hộ tích cực việc giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% hiện nay xuống còn 20%?

Năm 2013, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật Thuế TNDN. Hiện có 2 quan điểm: hạ thuế TNDN xuống ngay 20% và hạ xuống 22 - 23%, sau đó mới hạ xuống mức 20%. Tôi ủng hộ quan điểm hạ ngay thuế TNDN xuống 20%. Bởi thực tế cho thấy, qua 2 lần giảm thuế TNDN (từ 32% xuống 28% và xuống 25%), thu ngân sách năm sau đều cao hơn năm trước, tốc độ tăng thu đều đạt ở mức trên 10%/năm, do việc giảm thuế tạo điều kiện cho DN tích tụ vốn, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh; khuyến khích tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư và tăng thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay và trước xu hướng cạnh tranh bằng giảm thuế của thế giới, tôi cho rằng, để hỗ trợ DN, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, giảm tình trạng gian lận thuế, góp phần chống chuyển giá, Quốc hội nên xem xét hạ thuế TNDN xuống 20%.

 

Nếu giảm xuống 20%, thuế TNDN của Việt Nam có thực sự hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực?

Với mức thuế 20%, có thể thấy thuế TNDN của Việt Nam hấp dẫn hơn rất nhiều nước, nhưng trên thực tế, chưa hẳn như vậy. Nguyên nhân nằm ở chỗ, DN phải chi phí cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cao hơn rất nhiều so với chi phí được coi là hợp lệ. Vì thế, nếu Luật Thuế TNDN không được sửa đổi cơ bản, toàn diện, thì nghĩa vụ thuế của DN tại Việt Nam chưa chắc đã thấp hơn nhiều nước.