Kinh tế 2015: tăng trưởng bền vững và có chất lượng

Kinh tế 2015: tăng trưởng bền vững và có chất lượng

(ĐTCK) Trước thềm Xuân mới, chia sẻ với ĐTCK, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để nền kinh tế tăng trưởng bền vững và có chất lượng cũng còn rất nhiều việc cần làm.

“Tăng trưởng phải dựa vào nâng cao năng suất và tăng hiệu quả đầu tư”

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
 

Đánh giá về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm qua, theo tôi, Chính phủ đã thực sự thành công về mặt điều hành, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả tăng ít. Nhiều người cho rằng lạm phát thấp là không tốt, nhưng tôi thấy, điều quan trọng là giá cả đã thuận theo thị trường, đừng làm gì không thuận theo thị trường trừ khi nó có những biến động quá lớn. Hiện xăng dầu đã giảm theo giá thị trường, nông nghiệp được mùa thì  chỉ số giá không tăng cao… Đó là điều có lợi cho dân và cho nền kinh tế.

Đối với tín dụng tăng trưởng thấp, muốn đẩy lên cũng khó bởi thị trường không chấp nhận, nếu cố ép bằng những can thiệp hành chính mạnh thì thị trường sẽ quất lại mạnh hơn. Vậy nên dứt khoát không làm trái thị trường.

Về xu hướng thị trường, theo tôi, khi cầu yếu như hiện nay thì nên nhìn tác động từ phía cung. Cần thay đổi cung để hàng hóa có chất lượng tốt hơn, giá cả tốt hơn, sẽ thúc đẩy nhu cầu mua nhiều hơn. Nhìn rộng ra là nên tăng tác động từ tổng cung để qua đó tăng cầu một cách chất lượng hơn. Lúc đó, sản xuất tăng trưởng và nền kinh tế mới phát triển một cách bền vững và có chất lượng.

Tôi cho rằng nhiệm vụ hàng đầu đặt ra trong năm 2015 là cải cách thể chế để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng phải đi theo hướng tăng trưởng không dựa vào mở rộng tài khóa và mở rộng quy mô đầu tư, mà thay vào đó là dựa vào nâng cao năng suất và tăng hiệu quả đầu tư. Muốn vậy thì môi trường kinh doanh phải được tạo điều kiện thuận lợi, sáng tạo cá nhân, đặc biệt là sáng tạo trong kinh doanh, trong đổi mới công nghệ phải được khuyến khích và ủng hộ.

Hiện Hiến pháp 2013 và Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới ban hành tinh thần đã rất cởi mở. Như vậy, các Nghị định của các bộ, ngành cũng phải thay đổi căn bản về tư tưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo và đổi mới trong kinh doanh, cao hơn nữa là khuyến khích, nuôi dưỡng, hỗ trợ và vinh danh sáng tạo, chứ không phải đặt điều kiện và quản lý nhà nước theo kiểu hạn chế sự phát triển. 

“Ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề quan trọng cho tái cấu trúc”

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
 

Một trong những trụ cột lớn của tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 và những năm tới là quá trình hội nhập sâu rộng và thực chất với việc hoàn thành ký kết nhiều Hiệp định thương mại song phương tự do, như TPP, ASEAN+6, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakstan, Việt Nam - EU, Việt Nam với các nước Đông Âu… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, sự tương tác giữa cơ hội và thách thức mới của quá trình hội nhập với thể chế, với tiến trình cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế có vẻ vẫn chưa được ăn khớp, nhịp nhàng theo ý nghĩa thúc đẩy lẫn nhau, đặc biệt là các cải cách trong nước. Chính vì vậy, bài học gia nhập WTO thực sự là một kinh nghiệm quý báu giúp Việt Nam có cái nhìn với thái độ thận trọng về các cơ hội và thách thức sẽ đón nhận, đồng thời thúc đẩy các cải cách nội tại của đất nước trong điều kiện thời gian gần sát với thời điểm ký các Hiệp định, bởi hầu hết các hiệp định này đều được thực thi ngay sau khi ký kết, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích kinh doanh và nền kinh tế cả vĩ mô và vi mô. Bài học đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải xử lý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với hồi phục kinh tế, tái cấu trúc và hội nhập. Câu chuyên giá dầu giảm đột ngột và liên tục thời gian gần đây dẫn tới cuộc khủng hoảng về giá năng lượng và lạm phát, chậm phục hồi kinh tế trở thành vấn đề chung của toàn thế giới là ví dụ điển hình.

Thứ hai, những vấn đề về địa chính trị có thể làm sai lệch đi rất nhiều những điều kiện của thị trường trong điều kiện kinh doanh bình thường, bên cạnh đó là hệ thống tài chính ngân hàng vẫn chưa thực sự ổn định. Trong bối cảnh phức tạp như vậy, chúng ta lại đang trong quá trình tái cơ cấu, nên sẽ có rất nhiều cú sốc từ bên ngoài lẫn bên trong tác động đến, do đó đòi hỏi phải có quản trị rủi ro tốt để hạn chế được mức thấp nhất các tác động tiêu cực.

Thứ ba là về kinh tế vĩ mô, Việt Nam bước đầu đã gây dựng được một chút ít lòng tin, nên không thể lơi là. Nhìn ở góc độ vĩ mô tổng thể như kiểm soát lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, nợ công, thông điệp phải nhất quán là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bởi đây là tiền đề rất quan trọng cho tái cấu trúc.

“Từng bước chủ động trong nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất”

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị TP. Hà Nội
 

Theo tôi, trong năm 2015, lạm phát tuy không còn là mối lo quá lớn song cũng không loại trừ khả năng lạm phát sẽ quay trở lại. Bởi từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và TPP. Khi đó, quan hệ thương mại của Việt Nam sẽ mở rộng với hàng trăm quốc gia trong khu vực và thế giới trong bối cảnh chúng ta còn phụ thuộc khá lớn vào các nước về nguồn nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng cho sự phát triển. Do đó, nếu kinh tế thế giới hồi phục, giá các loại hàng hóa mà ta phụ thuộc bị đẩy lên cao, khả năng lạm phát sẽ quay trở lại. Vì vậy, cần tăng cường dự trữ chiến lược các mặt hàng thiết yếu, để giảm bớt các tác động tiêu cực khi kinh tế thế giới có biến động gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.

Song song với đó, cần tổ chức tốt hệ thống phân phối thị trường nội địa, nhằm khuyến khích sản xuất và kích cầu tiêu dùng xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh thông qua việc giảm thiểu tối đa các khâu trung gian không cần thiết trong chuỗi sản xuất phân phối.

Ngoài ra, tình hình nợ nước ngoài đang ở mức khá cao, đầu tư công còn nhiều bất cập, cân đối thu chi ngân sách chưa được vững vàng…, do đó năm 2015 cần tập trung quyết liệt việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

“Cổ phần hóa DNNN cần đi vào chất”

 Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế

Năm 2014, cái mà chúng ta đã làm được nhiều nhất là những cải cách về thủ tục hành chính như giảm giờ nộp thuế, cắt giảm thủ tục xây dựng đất đai, hải quan… Đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có cải cách về mặt chính sách, phải làm sao để doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đầu tư vào nguồn nhân lực cao thì mới có thể tăng trưởng được. Đó là bài toán cần xem xét, cần thay đổi về chính sách, thể chế chứ không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính.

Năm 2014, hàng loạt luật mới được ban hành có thể nói là mang tính bước ngoặt với tính thần cởi mở như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Đây sẽ là những nền tảng thể chế cơ bản để thực hiện tốt hơn việc cải cách thể chế vốn là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015.

Đối với công tác tái cơ cấu DNNN, mà cụ thể là cổ phần hóa các DNNN, tôi cho rằng, mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN giai đoạn 2014 – 2015 mà Chính phủ đưa ra vẫn chưa đạt tiến độ cả về lượng và chất. Về lượng, tính đến 25/12/2015, mới cổ phần hóa được 143 DNNN. Còn về chất, vấn đề đặt ra là cổ phần hóa có thu hút được nhà đầu tư chiến lược không?

Lấy ví dụ việc cổ phần hóa của Vietnam Airlines vừa qua, có 2 ngân hàng tham gia mua cổ phần, nhưng ngân hàng không có chuyên môn, thị phần về hàng không, do đó không thay đổi được chất. Để thay đổi được chất, cần có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ cổ phần đủ lớn để họ có được tiếng nói nhất định trong việc điều hành, quản trị tại DN.

Tin bài liên quan