Kinh tế đêm - “đòn bẩy” cho du lịch hậu Covid-19

“Trong trạng thái bình thường mới, phát triển kinh tế đêm sẽ tạo “đòn bẩy” cho ngành kinh tế xanh. Ngoài lợi nhuận, kinh tế đêm còn tạo sự mới mẻ, nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt”.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), CEO Vân Hải Xanh Travel.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), CEO Vân Hải Xanh Travel.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), CEO Vân Hải Xanh Travel với phóng viên báo Đầu tư.

Thưa ông, bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch, chúng ta cần làm gì để ngành kinh tế xanh nhanh chóng “hồi sức”? 

Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng bị thiệt hại nặng nề. Để “hồi sức” cho ngành kinh tế xanh, chúng ta cần làm mới các sản phẩm du lịch cũng như có nhiều chính sách mở trong kế hoạch đầu tư phát triển du lịch, trong đó, theo tôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm là việc cần phải làm ngay. Bởi, Việt Nam rất giàu tiềm năng du lịch, nhưng lượng khách đến và quay trở lại còn khiêm tốn, đạt tỷ lệ dưới 20%. Một trong những nguyên nhân mà chúng tôi nhận được từ du khách là từ 18 giờ về đêm, tại các điểm du lịch của Việt Nam rất thiếu dịch vụ để trải nghiệm.

Theo ông, nên đầu tư phát triển kinh tế đêm như thế nào cho bài bản, chuyên nghiệp, tránh manh mún, nhỏ lẻ? 

Phát triển kinh tế về đêm cần “hiệu triệu” được mọi thành phần, mọi dịch vụ cần thiết để phục vụ khách hàng vào ban đêm. Để phát triển kinh tế đêm bài bản, chuyên nghiệp, thì phải có kế hoạch cũng như quy chế rõ ràng, cụ thể cho cộng đồng tham gia vào phát triển kinh tế đêm và gắn liền với quyền lợi cũng như trách nhiệm của mỗi cá thể trong đó.

Từng đến nhiều quốc gia, ông nhận thấy những nơi có dịch vụ kinh tế đêm phát triển thường được quy hoạch ở vị trí như thế nào?

Trong vấn đề lựa chọn khu vực để phát triển kinh tế đêm phục vụ du lịch, thì các dịch vụ ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, mua sắm, tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí… gắn với giá trị riêng của điểm tham quan là yếu tố vô cùng quan trọng.

Tôi nhận thấy, đặc điểm chung của tất cả các nước phát triển kinh tế đêm đều đảm bảo vị trí ít ảnh hưởng đến đời sống ban đêm của người dân và thuận tiện cho du khách. Thông thường, những điểm đến mới thì quy hoạch khu kinh tế đêm ở khu vực trung tâm. Với những điểm đến đã tồn tại trong thời gian dài trước đó, thì địa phương sẽ có chính sách giãn dân. Khu kinh tế đêm thường nằm giữa hoặc bên cạnh các trung tâm du lịch.

Theo ông, chính quyền địa phương có vai trò như thế nào đối với phát triển kinh tế đêm?

Chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế đêm từ nghiên cứu ra thực tiễn. Muốn phát triển kinh tế đêm, chính quyền địa phương phải hiểu được giá trị tiềm ẩn cần đẩy mạnh khai thác cũng như giá trị lũy tiến khi kết nối giữa kinh tế và kinh tế ban đêm. Chính quyền địa phương phải là người tiên phong trong phát triển kinh tế về đêm gắn với du lịch, lấy du lịch làm động lực phát triển kinh tế đêm.

Để kinh tế đêm thực sự là “đòn bẩy” cho du lịch hậu Covid-19 và tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần đặt cộng đồng lên hàng đầu. Hãy lấy lợi ích của cộng đồng làm tiêu chí để quy hoạch, xây dựng các quy chế, chế tài cho hoạt động kinh tế đêm.

Tôi đặc biệt lưu ý, sự phát triển bền vững của một nền kinh tế nói chung, kinh tế đêm nói riêng chính là sự phát triển của mỗi cá thể trong nền kinh tế đó. Vì thế, mỗi địa phương hãy lấy cộng đồng làm gốc khi phát triển kinh tế đêm.

Tin bài liên quan