Kinh tế đang phục hồi, xuất khẩu và cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng, đầu tư công “chạy nước rút”...

Kinh tế đang phục hồi, xuất khẩu và cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng, đầu tư công “chạy nước rút”...

Kinh tế tháng 12 sẽ có hai trụ đỡ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần hai tháng triển khai thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19, bình thường mới được thiết lập đã mang đến kết quả khả quan ban đầu, cho thấy dấu hiệu về các trụ đỡ của nền kinh tế trong tháng cuối năm 2021.

Tháng 11 khởi sắc

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2021 của Chính phủ ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau gần hai tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng 10; tính chung 11 tháng tăng 3,6%, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020.

Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh sau khi kinh tế mở cửa trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước, song so với tháng 10 tăng 6,2%, cho thấy tác động của chính sách mở cửa sau nhiều tháng đứt gãy cung ứng.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tác dụng, thể hiện ở con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6%, vốn đăng ký tăng 38% và số lao động tăng 30,2%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10.

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng 10 và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát 1,84% - mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm. Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng đầu năm 2021 tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công nên vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 tăng 14,7% so với tháng 10, nhưng giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nước ta bắt đầu thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế nên khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 đạt trên 15.000 lượt người, tăng 42,4% so với tháng 10. Tuy vậy, tính chung 11 tháng, khách quốc tế chỉ đạt 140.100 lượt người, giảm 96,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 23/11/2021, các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng đã triển khai trên toàn quốc đạt hơn 28.400 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 28 triệu đối tượng.

Tháng 12, trụ đỡ sẽ là xuất khẩu và đầu tư công

Chủ trương của Chính phủ là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021, tạo nền tảng, động lực phục hồi và phát triển vững chắc từ năm 2022. Theo kế hoạch, GDP năm 2021 sẽ tăng 2,5 - 3% và tăng tốc lên 6 - 6,5% trong năm 2022.

Ảnh tác giả

Sự hồi phục về cuối năm là khả quan, đặc biệt hai năm tới sẽ hồi phục tương đối rõ. Chúng ta có điểm tích cực là môi trường vĩ mô ổn định, xuất khẩu khả quan, cam kết FDI tiếp tục tăng…, đây chính là những điểm tựa quan trọng cho nền kinh tế.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và thương hiệu cạnh tranh

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ tiêu này là khả thi nếu dịch bệnh được kiểm soát và vận dụng tốt các công cụ chính sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

“Có ý kiến lo ngại chỉ tiêu GDP năm 2022 tăng 6 - 6,5% liệu có quá lạc quan hay không, tôi cho rằng, cần phải lấy con số đó làm áp lực để phấn đấu, bởi nền kinh tế gần kiệt quệ sau hai năm chống dịch, nếu không phát triển được mức như vậy sẽ dễ dẫn đến khủng hoảng kinh tế”, ông Long nói.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, hai động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý IV là xuất khẩu và đầu tư công.

Giải ngân đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt hơn 40% kế hoạch năm, nhưng sau khi Chính phủ tập trung thúc đẩy đầu tư công, hoạt động này đã chuyển biến rõ rệt, sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công những dự án trọng điểm nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân theo đúng yêu cầu. Ước tính, tháng 11 giải ngân được 3.283 tỷ đồng, lũy kế 11 tháng giải ngân 31.869 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch năm.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, để giải ngân hết kế hoạch vốn cả năm 2021 đạt tối thiểu 96% (tương đương kết quả năm 2020), đáp ứng mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 63 của Chính phủ (giải ngân được 95 - 100% kế hoạch), từ nay tới 31/1/2022, Bộ sẽ giải ngân khoảng 9.932 tỷ đồng.

Về xuất khẩu, ông Thế Anh cho rằng, Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI, từ các chính sách kích cầu, sự hồi phục của kinh tế thế giới, trong đó có các đối tác xuất khẩu lớn.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR nhận định, trong ngắn hạn, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục đến từ xuất khẩu, nhất là xuất khẩu của khối FDI. Ông Việt chỉ ra rằng, ngay cả trong quý III/2021, khi GDP âm 6,17% thì thu hút FDI của Việt Nam vẫn dương và xuất khẩu tăng trưởng 18%. Đây là minh chứng cho những kết quả chống dịch của Việt Nam đang tạo niềm tin rất lớn cho doanh nghiệp nước ngoài.

Cơ hội đầu tư cuối năm

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định với mặt bằng lãi suất thấp vẫn là các yếu tố hỗ trợ đối với thị trường chứng khoán.

Xu hướng giao dịch sôi động ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ mang tính đầu cơ cao nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong tháng cuối năm và thu hút dòng tiền đầu cơ, đặc biệt là của nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ có sự phân hóa rõ ràng hơn giữa các cổ phiếu trong cùng ngành, dựa trên tăng trưởng kết quả kinh doanh cũng như “câu chuyện riêng” của từng doanh nghiệp.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu VCBS nhận định, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ là nhóm hồi phục nhanh nhất khi Việt Nam đạt được độ bao phủ vắc-xin Covid-19 và không còn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Các nhóm doanh nghiệp tiềm năng khác là doanh nghiệp sản xuất hướng tới xuất khẩu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho hoạt động xuất khẩu như vận tải hàng hóa nội địa, cảng biển, logistics; doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cơ bản và hóa chất như phân bón, sản phẩm nông nghiệp, sản xuất điện, khai thác dầu khí; doanh nghiệp có “câu chuyện riêng” liên quan đến hoạt động tăng vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán - sáp nhập, niêm yết mới, chuyển sàn...

Về đầu tư dài hạn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá cao triển vọng phát triển của cổ phiếu ngành dệt may, dựa trên lợi thế đi theo sau sự phục hồi của ngành dệt may Mỹ và EU, các doanh nghiệp sợi nội địa hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester nhập khẩu mà Bộ Công thương áp dụng đối với Trung Quốc và một số nhà sản xuất sợi nước ngoài khác trong thời gian 5 năm, có hiệu lực từ 16/10/2021.

Công ty chứng khoán này cũng đánh giá cao triển vọng của ngành hàng không trong năm 2022, 2023 sau khi du lịch phục hồi, các đường bay được nối lại.

Tin bài liên quan