Lãi suất giảm mạnh, tiền gửi vào ngân hàng vẫn lập kỷ lục lên mức 12,68 triệu tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng.
Lãi suất giảm mạnh, tiền gửi vào ngân hàng vẫn lập kỷ lục lên mức 12,68 triệu tỷ đồng

Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 - tăng 6.707 tỷ đồng). Còn nếu so với đầu năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.

Không chỉ tiền gửi của dân cư tăng mạnh, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng ghi nhận mức tăng 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022 và tháng tăng mạnh thứ hai trong 9 tháng đầu năm 2023 (chỉ thấp hơn tháng 6 – tăng 235.438 tỷ đồng).

So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.

Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Trong khi đó, lãi suất huy động tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đang giảm rất mạnh. Cụ thể, lãi suất tiền gửi cao nhất mà Vietcombank đang áp dụng chỉ là 5%. Các ngân hàng lớn khác như BIDV, VietinBank, Agribank cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Với ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Sacombank, Techcombank, lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 5,4 – 5,9%/năm. Đáng chú ý, ACB hiện chỉ niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,9% - thấp hơn cả nhóm Big4.

Tính đến ngày 27/11, lãi suất huy động của NHTM nhà nước kỳ hạn 12 tháng đang là 5,23%/năm, trong khi tại các NHTM lớn là 5,05%, còn nhóm NHTM nhỏ ghi nhận lãi suất tiền gửi 5,33%.

Như vậy, dù lãi suất ở mức rất thấp nhưng nguồn tiền gửi vẫn đổ mạnh vào ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin vào thị trường vốn bị sụt giảm.

Mặt khác, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh rất khó khăn, lựa chọn quay về gửi tiết kiệm ngân hàng của người dân và doanh nghiệp là dễ hiểu nhằm đảm bảo nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai.

Các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu gửi tiết kiệm là luôn có bất chấp lãi suất huy động giảm, và chỉ có một phần nhỏ dòng tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm dịch chuyển sang chứng khoán, bất động sản… bởi khẩu vị rủi ro là khác nhau. Bên cạnh đó, dù lãi suất huy động giảm nhưng với mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện khoảng 5- 6%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì người gửi tiền vẫn có mức lãi suất thực dương.

Trong khi tiền gửi tiết kiệm tăng cao thì tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế vẫn chậm. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 10/2023, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,39%, chỉ đạt hơn một nửa con số mục tiêu cả năm và thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Chính việc tiền gửi tăng lên trong khi tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ đã gây ra tình trạng "thừa tiền" trong hệ thống ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát kết quả cấp tín dụng, từ đó có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả; tuyệt đối không để tắc nghẽn, chậm trễ.

Tin bài liên quan