Lãi suất kỳ hạn 12 tháng gửi online tại SCB lên tới 7,55%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 12 tháng gửi online tại SCB lên tới 7,55%/năm.

Lãi suất huy động nhích dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo giới chuyên gia tài chính, có nhiều yếu tố đang tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động VND.

Tăng từ 0,5 - 1,5%/năm

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng có xu hướng tăng liên tục trong nửa đầu năm 2022, với mức tăng phổ biến trong khoảng 0,5 - 1,5%/năm so với cuối năm 2021. Đặc biệt, hàng loạt ngân hàng đã đưa mức lãi suất huy động vượt 7%/năm.

Chẳng hạn, tại SCB, hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại quầy giao dịch ở mức 7,3%/năm. Nếu gửi tiết kiệm online, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 7,55%/năm.

Tại NamA Bank, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm và kỳ hạn 18 - 23 tháng là 6,7%/năm. Với khoản tiền gửi online, mức lãi suất ngân hàng này áp dụng sẽ là 7,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 7,4%/năm với kỳ hạn trên 16 tháng.

Trong khi đó, VietABank áp dụng mức lãi suất 6,95%/năm với khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 7,2%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên cho khách hàng gửi tiết kiệm online. Còn với việc gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất cho các kỳ hạn trên lần lượt là 6,6%/năm và 6,9%/năm.

Kienlongbank đang trả lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 7,3%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi 36 tháng. Ở các kỳ hạn thấp hơn, mức lãi suất 7,2%/năm với kỳ hạn 24 tháng, 7%/năm với 18 tháng, 6,95%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng...

Nhóm ngân hàng cổ phần quy mô lớn như Techcombank, VPBank, ACB, Sacombank, SHB, HDBank… áp dụng mức lãi suất tiền gửi khoảng 6 - 6,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Nhóm 4 ngân hàng thương mại có cổ phần chi phối của Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) áp dụng mức lãi suất tiền gửi tại quầy thấp hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, với mức cao nhất là 5,5 - 5,6%/năm. Nếu gửi online, mức lãi suất tối đa khách hàng nhận được chỉ là 6%/năm. Tuy nhiên, so với giai đoạn năm 2021, mặt bằng lãi suất của nhóm nhà băng này đã nhích lên từ 0,5-1%/năm.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Trung Minh nhận định, lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát ở mức dưới 4% nên người gửi tiền tiết kiệm cho kỳ hạn trung và dài hạn (từ 5,5%/năm trở lên) vẫn được hưởng lãi suất thực dương.

Tuy vậy, theo ông Minh, lạm phát là vấn đề không nên chủ quan, nhất là đối với lạm phát “nhập khẩu”.

Ngoài ra, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành thêm 0,75%/năm vào giữa tháng 6 và có lộ trình nâng lãi suất thêm vài đợt nữa trong năm 2022 nhằm kìm hãm đà tăng phi mã của lạm phát đã có tác động nhất định tới lãi suất tiền đồng.

Thêm một yếu tố nữa ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động của các nhà băng là cầu tín dụng cải thiện mạnh trong nửa đầu năm 2022.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tại ngày 18/6/2022, tín dụng toàn ngành đã tăng trưởng hơn 8,2% so với cuối năm 2021 và dự báo tiếp tục cải thiện trong các quý còn lại của năm.

Vì thế, các nhà băng phải tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút dòng tiền nhàn rỗi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tăng lên trong giai đoạn hồi phục kinh tế hậu đại dịch.

Áp lực dồn vào cuối năm

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đánh giá, nguy cơ lạm phát tăng và việc ngân hàng tăng cường thu hút tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp phần nào đã tạo áp lực lên lãi suất đầu vào cũng như lãi suất cho vay ra.

Còn theo lý giải của TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng chủ yếu là do đã giảm mạnh trong thời gian qua, cùng với đó việc các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sôi động trong năm 2021 đã khiến dòng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng chậm lại. Trong khi đó, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp tăng mạnh trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nên nhà băng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, tăng thanh khoản đáp ứng cầu vốn tăng.

Ảnh tác giả

Đến tháng 10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng sẽ phải giảm xuống 34%. Vì thế, các nhà băng đã tái tăng lãi suất huy động vốn, nhất là đối với kỳ hạn dài ngày để cân đối lại nguồn vốn

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Thêm vào đó, theo Thông tư 08/20222/TT-NHNN, đến tháng 10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng sẽ phải giảm xuống 34%.

Vì thế, các nhà băng đã tái tăng lãi suất huy động vốn, nhất là đối với kỳ hạn dài ngày để cân đối lại nguồn vốn.

Các yếu tố bên ngoài, theo TS. Trần Du Lịch, cũng phần nào tác động đến Việt Nam, nhưng trong bối cảnh hiện nay là không lớn, lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát.

“Lạm phát của chúng ta nếu kiểm soát ở mức 5 - 6% không đáng lo bằng kinh tế suy thoái. Trong điều kiện hiện nay, mức tăng tín dụng khoảng 2,5 lần tăng trưởng GDP, khoảng 14 - 15% vẫn là phù hợp”, TS. Lịch bày tỏ góc nhìn về câu chuyện lạm phát và chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm 2022.

Tín dụng đã tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm, nên từ cuối tháng 5/2022, nhiều nhà băng đã gần chạm trần Ngân hàng Nhà nước giao. Hiện các ngân hàng đang chờ Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng để có dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm.

Vì thế, ở thời điểm này, dù “thừa tiền” nhưng các ngân hàng vẫn phải nâng lãi suất huy động để chuẩn bị tốt thanh khoản cho mùa cao điểm kinh doanh cuối năm, nhất là đón đầu cầu vốn tăng khi gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước được triển khai.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần dự báo, xu hướng lãi suất huy động sẽ nhích dần từ nay đến cuối năm 2022 khi cầu vốn dự báo còn tăng.

Đáng chú ý, trước động thái nâng lãi suất điều hành của Fed và ngân hàng trung ương nhiều quốc gia phát triển, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, dư địa để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang dần bị thu hẹp. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ “phù hợp”, nên chưa vội thắt chặt chính sách ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường.

Trả lời báo chí mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch Covid. Theo đó, cơ quan này sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Tin bài liên quan