Lãi suất tăng cao và rủi ro đảo chiều kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định quyết tâm của ngân hàng trung ương trong việc giảm lạm phát và cho biết các đợt tăng lãi suất có thể xảy ra ngay trong tháng 5.

“Theo quan điểm của tôi, việc tăng lãi suất nhanh hơn một chút là thích hợp”, ông Powell nói và cho biết mức tăng lãi suất 0,5%/năm sẽ được đưa ra tại cuộc họp trong tháng 5 của Fed.

Các tuyên bố của ông Powell đáp ứng kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ hành động nhanh hơn để chế ngự lạm phát đang chạy với tốc độ nhanh nhất trong hơn 40 năm qua.

Kỳ vọng về mức tăng lãi suất 0,5%/năm được đưa ra tại kỳ họp tháng 5 của Fed đã tăng lên 97,6%, theo công cụ FedWatch của CME Group. Lợi suất trái phiếu kho bạc đã tăng cao hơn, với mức chuẩn kỳ hạn 10 năm gần đây nhất là 2,9%/năm.

Tại cuộc họp hồi tháng 3, Fed đã thông qua mức tăng 0,25%/năm, nhưng các quan chức trong những ngày gần đây cho biết họ thấy cần phải hành động nhanh hơn, với lạm phát tiêu dùng đang ở mức 8,5% hàng năm.

Ông Powell cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng các công cụ của mình để lạm phát giảm, nhưng không làm giảm tốc dẫn đến suy thoái kinh tế”.

Dù đây là thách thức lớn nhưng Fed sẽ cố gắng hết sức để đạt được điều đó.

Vài tháng trước, ông Powell và các quan chức Fed đã nhấn mạnh rằng lạm phát là "nhất thời" và sẽ tiêu tan khi các yếu tố liên quan đến đại dịch Covid-19 như chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và nhu cầu hàng hóa quá lớn so với dịch vụ giảm xuống. Tuy nhiên, những kỳ vọng đó đã không trở thành hiện thực và Fed đã phải thay đổi hướng đi.

Cuộc họp ngày 3-4/5 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan ấn định lãi suất sẽ quyết định vấn đề này. Cùng với việc tăng lãi suất, Fed dự kiến sẽ sớm bắt đầu giảm lượng trái phiếu mà họ đang nắm giữ. Bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương hiện đạt gần 9.000 tỷ USD, chủ yếu bao gồm trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp.

Tháng trước, Fed đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 12/2018. Giờ đây, ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương sắp tăng đáng kể quy mô và tốc độ tăng lãi suất để hãm đà tăng giá tiêu dùng. Hiện tại, trong nội bộ cơ quan này, phe diều hâu thậm chí còn cho rằng Fed cần đẩy lãi suất tăng tới 0,75%/năm.

Johan Grahn, Phó Chủ tịch kiêm người đứng đầu ETF tại AllianzIM cũng cho rằng, Fed nên tận dụng cơ hội để tăng lãi suất sớm hơn. Các nhà giao dịch hiện đều nhận định 100% khả năng tăng 0,5% tại cuộc họp vào tháng 5 của Fed, họ cũng tin một đợt tăng khác vào tháng 6.

Hiện chưa có dữ liệu để biết Fed tăng lãi suất mạnh như vậy sẽ là bất thường như thế nào. Lần tăng lãi suất thêm 0,5%/năm gần nhất của Mỹ là vào tháng 5/2000 ngay sau khi bong bóng dot-com đạt đỉnh, còn lần tăng điểm thêm 0,75%/năm gần nhất diễn ra vào tháng 11/1994.

Lãi suất cao gây áp lực tăng lên đối với lãi suất thế chấp, với khoản vay mua nhà cố định trong 30 năm hiện có tỷ lệ trung bình là 5%/năm. Lãi suất cao hơn có thể làm chậm lại đà tăng của thị trường nhà ở vốn đang rất nóng và có thể là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế số 1 thế giới.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra khi Fed mạnh tay tăng lãi suất lên 20%/năm vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 để chống lại lạm phát hai con số. Hệ quả là một cuộc suy thoái kép, sau đó là một đợt suy thoái ngắn vào năm 1980, tiếp theo là một đợt suy thoái khác kéo dài từ giữa năm 1981 đến cuối năm 1982.

Với suy nghĩ đó, Fed phải sẵn sàng xoay trục nhanh chóng để đảo ngược bất kỳ thiệt hại nào đến từ việc lãi suất cao hơn, đó là điều mà Fed đã làm trong lịch sử. Ví dụ, họ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 7/1995. Và vào năm 2001, sau một cuộc khủng hoảng lớn của thị trường chứng khoán, Fed đã đảo ngược hướng đi và hạ lãi suất xuống 11 lần.

Jenny Renton, đối tác của Ruffer - một công ty quản lý đầu tư - lo ngại việc tăng lãi suất của Fed có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Điều đó có nghĩa là Fed có thể cần phải nhanh chóng cắt giảm lãi suất một lần nữa, dẫn đến nhiều biến động hơn.

"Mọi người đang nói về một sai lầm chính sách đến từ Fed, nhưng nó đã xảy ra rồi. Fed đã đi sau đường cong lạm phát. Bây giờ họ sẽ phải phản ứng với áp lực suy thoái", bà nói thêm.

Brad Conger, Phó giám đốc đầu tư tại Hirtle Callaghan & Co., thì nhận xét, áp lực tăng giá hàng hóa từ cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm cho tính toán của Fed trở nên căng thẳng hơn.

Tin bài liên quan