Eximbank được xem là ngân hàng có biến động mạnh về nhân sự cấp cao trong những năm gần đây

Eximbank được xem là ngân hàng có biến động mạnh về nhân sự cấp cao trong những năm gần đây

“Làn gió mới” nhân sự cấp cao ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt ngân hàng “thay tướng” trong thời gian gần đây, điều này kỳ vọng sẽ tạo “làn gió mới” cho ngành.

Sức bật của lãnh đạo trẻ

Ngày 16/1/2023, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị và bàn về một số nội dung thuộc thẩm quyền của đại hội. Cơ cấu cổ đông của Eximbank được cho là có nhiều thay đổi khi lượng lớn cổ phần được trao tay trong thời gian qua. Nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công đã thoái vốn khỏi Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận hồi tháng 10/2022. Theo thông tin công bố, nhóm này đã thoái khoảng 10,5% vốn cổ phần Ngân hàng.

Eximbank được xem là ngân hàng có biến động mạnh về nhân sự cấp cao trong những năm gần đây, nhưng cuộc chiến “vương quyền” đã chấm dứt. Kết quả kinh doanh của Ngân hàng khởi sắc kể từ khi bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2021 lần 2 vào ngày 15/2/2022).

Sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông Eximbank ngày càng tăng khi hầu hết các tờ trình của Ban lãnh đạo Ngân hàng đều được đại hội cổ đông thường niên 2022 lần 2 thông qua. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Lương Thị Cẩm Tú cho biết, tình trạng “đấu đá nội bộ” tại Eximbank đã kết thúc. Ở nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội đồng quản trị Eximbank đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển Ngân hàng lên hàng đầu.

Với tuổi đời còn khá trẻ (sinh năm 1980), những bà Tú đã có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từng làm việc ở các ngân hàng Sacombank, MHB, NamABank và Eximbank. Bà từng là một trong những lãnh đạo ngân hàng trẻ tuổi nhất hệ thống khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Nam A Bank vào năm 2015, khi mới bước qua tuổi 35.

Tại LienVietPostBank, Hội đồng quản trị Ngân hàng vừa thống nhất bầu ông Nguyễn Đức Thụy, Phó chủ tịch giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 9/12/2022.

Không chỉ 2 ngân hàng trên, NamABank cũng có biến động ở vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Cụ thể, đại hội bất thường NamABank cuối năm 2022 đã bầu ông Trần Ngô Phúc Vũ, Phó chủ tịch thường trực làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Vũ sinh năm 1972, tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Griggs (Hoa Kỳ) và có gần 30 năm kinh nghiệm tại các tổ chức tài chính, ngân hàng uy tín ở Việt Nam. Năm 1997, ông gia nhập Ngân hàng TMCP Phương Đông với vị trí Phó giám đốc rồi Giám đốc trong giai đoạn 1999 - 2001. Từ năm 2001 đến năm 2013, ông Vũ giữ các cương vị Giám đốc chi nhánh, Giám đốc khu vực của Sacombank. Từ tháng 2/2013, ông Vũ làm việc tại NamABank với vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, sau đó đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc rồi Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị từ năm 2019.

Tại NamABank, ông Vũ được đánh giá có nhiều đóng góp thiết thực, kịp thời cho sự phát triển bền vững của Ngân hàng, nhất là trong thời gian gần đây, khi hệ thống ngân hàng gặp không ít thách thức từ thị trường, tác động của biến đổi khí hậu, đại dịch... Ông được biết đến với phương thức quản lý tập trung vào con người, kích thích tinh thần làm việc cống hiến của người lao động cho Ngân hàng.

Biến động qua các kỳ họp cổ đông

ACB mới đây đã thông báo chốt ngày đăng ký cuối cùng là 30/12/2022 để cổ đông thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến bầu vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028. Thời gian nhận hồ sơ ứng cử, đề cử dự kiến là ngày 20/2/2023. Hiện Hội đồng quản trị ACB có 7 người, gồm ông Trần Hùng Huy, ông Nguyễn Thành Long, bà Đặng Thu Thuỷ, ông Đàm Văn Tuấn, bà Đinh Thị Hoa, ông Võ Văn Hiệp, ông Huang Yuan Chiang, trong đó ông Trần Hùng Huy là Chủ tịch.

SHB cũng chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, Hội đồng quản trị HDBank nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã bầu ông Kim Byoungho, thành viên độc lập giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 29/4/2022, với kế hoạch đưa Ngân hàng vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập mạnh mẽ hơn. Ông Kim Byoungho từng là Chủ tịch và Tổng giám đốc Hana Bank (Hàn Quốc). Tân Chủ tịch HDBank đã chia sẻ thông điệp khẳng định quyết tâm đưa HDBank trở thành ngân hàng dẫn đầu, được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Tại HDBank, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiều năm liền do bà Nguyễn Thị Băng Tâm đảm nhiệm cho tới kỳ đại hội thường niên 2022.

Thực tế, với lĩnh vực ngân hàng, chiếc ghế chủ tịch hội đồng quản trị luôn rất “nóng”. Tất nhiên, không phải chủ tịch nào cũng là cổ đông lớn của nhà băng, song vị trí này luôn được coi trọng. Đặc biệt, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 đã giới hạn chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng không được đồng thời là chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của doanh nghiệp khác. Quy định này khiến hàng loạt lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn hoặc là “đứng” ở ngân hàng, hoặc chuyển qua doanh nghiệp. Vì thế, nhiều nhà băng đã thay đổi chủ tịch bằng “người làm thuê”.

Đơn cử, ông Vũ Văn Tiền đã rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank để đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị tại một loạt doanh nghiệp như Tập đoàn Geleximco, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long… Tương tự, doanh nhân Nguyễn Thị Nga cũng rời ghế Chủ tịch SeABank, bởi ngoài trọng trách tại ngân hàng này, bà Nga còn tham gia điều hành tại hàng loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái BRG Group. Tuy vậy, bà Nga vẫn tham gia Hội đồng quản trị SeABank với cương vị Phó chủ tịch thường trực. Ngày 3/1/2023, SeABank chính thức bổ nhiệm ông Loic Faussier làm Tổng giám đốc.

Năm qua, tại một số ngân hàng đang tái cấu trúc cũng có sự thay đổi nhân sự cấp cao. Cụ thể, DongA Bank có tân Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ đầu tháng 8/2022. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc DongA Bank được Ngân hàng Nhà nước chỉ định vào vị trí Chủ tịch thay ông Võ Minh Tuấn - người vừa được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM. Ông Tùng có 33 năm làm việc trong ngành ngân hàng, từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc DongA Bank, Giám đốc VietinBank Chi nhánh TP.HCM.

Từ cuối tháng 11/2022, Ocean Bank có Tổng giám đốc mới là ông Trần Trung Dũng, “người cũ” của VietinBank. Trước đó, vào tháng 5/2015, ông Dũng được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Ocean Bank sau khi ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Trước đó, ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ocean Bank đã chuyển sang làm Phó tổng giám đốc trong thời hạn 5 năm. Thay thế ông Sơn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch là ông Ngô Anh Tuấn, thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng.

SCB có Chủ tịch Hội đồng quản mới kể từ ngày 15/10/2022, sau khi bị kiểm soát đặc biệt. Theo đó, ông Vũ Anh Đức trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật của SCB. Ngoài ra, Hội đồng quản trị SCB còn có 4 thành viên mới, gồm ông Phạm Quang Tiến, ông Võ Văn Bửu, ông Trang Nhân Hậu và ông Lý Thành Phương.

Tin bài liên quan