Phóng viên Báo Đầu tư luôn có mặt ở các “điểm nóng” của thị trường bất động sản để mang đến các thông tin trung thực và kịp thời cho độc giả

Phóng viên Báo Đầu tư luôn có mặt ở các “điểm nóng” của thị trường bất động sản để mang đến các thông tin trung thực và kịp thời cho độc giả

Lắng nghe “nhịp thở” thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Viết về kinh tế, nhất là mảng bất động sản mà chỉ chép báo cáo, hay đi thực tế thấy gì viết nấy, bỏ qua “nhịp thở” của thị trường, không có sự thẩm định, phân tích từ góc nhìn cá nhân là một nguy hại rất lớn.

Chắt lọc giữa rừng thông tin

Bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, có ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng tới nhiều ngành, nghề khác trong nền kinh tế. Vì thế, các báo chí về kinh tế, mảng bất động sản thường được tòa soạn ưu ái dành dung lượng lớn và nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc.

Với phóng viên kinh tế nói chung và viết về mảng bất động sản nói riêng, để tạo dấu ấn riêng với bạn đọc rất khó, ngoài kiến thức, kỹ năng, còn phải có sự kiên trì.

Bởi để có được một bài viết là một quá trình rất kỳ công, qua nhiều công đoạn, từ lên ý tưởng đề tài, tiếp cận cơ sở, đến khai thác thông tin, xử lý thông tin… Trong quá trình này, nếu phóng viên không có sự kiên trì, theo đuổi và hiểu về thị trường thì rất khó thực hiện bài viết.

Hiện nay, thông tin về thị trường bất động sản rất phong phú, đến từ báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, từ Bộ Xây dựng hay các hiệp hội, thậm chí cả các công ty môi giới.

Nguồn thông tin phong phú này một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên khi tác nghiệp, nhưng mặt khác cũng là thách thức với các phóng viên. Bởi các báo cáo có sự lệch nhau khá nhiều và đa số không đầy đủ.

Một số báo cáo “đóng mác” số liệu đại diện cho thị trường TP.HCM, TP. Hà Nội, thậm chí cả nước, trong khi chỉ dựa trên hoạt động giao dịch của các đơn vị ấy.

Cũng có một số công ty tổng hợp thêm nhiều nguồn tin nhưng không mang tính đại diện cho cả thị trường bất động sản. Thậm chí, có những báo cáo được đưa ra chỉ nhằm mục đích truyền thông, tạo sóng hay PR cho một dự án nào đó sắp được mở bán.

Do đó, nếu phóng viên không tỉnh táo, thiếu kinh nghiệm trong tác nghiệp, hoặc “lười nhác”, chỉ chép báo cáo thì vô hình trung, phóng viên không chỉ PR miễn phí cho chủ đầu tư hay dự án nào đó, mà còn làm người đọc, nhà đầu tư hiểu sai lệch về thị trường, đánh mất lòng tin của bạn đọc, làm giảm uy tín của tờ báo.

Vì vậy, trong thời điểm hiện nay, phóng viên viết bất động sản không chỉ biết xem báo cáo thị trường, phân khúc này tăng, phân khúc kia giảm, hay phân khúc này là xu hướng, mà phải biết chắt lọc thông tin, sau đó đưa ra những phân tích dựa trên kinh nghiệm thực tế, dựa trên những trao đổi với nhiều thành viên khác nhau, khi đó, bài viết mới có thể đi vào sâu những ngóc ngách của thị trường.

“Mùi mồ hôi” trong từng bài viết

Trình độ của độc giả nói chung và các nhà đầu tư bất động sản nói riêng giờ đã tăng lên, nên “trình” của nhà báo cũng phải được nâng lên, thậm chí phải sâu và rộng hơn. Có như vậy, mới có thể tìm ra những chiêu trò lừa đảo, những điểm khuất tất của thị trường, từ đó cảnh báo cho nhà đầu tư cá nhân biết để tránh được thiệt thòi, góp phần làm minh bạch, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Còn nhớ những tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản một số khu vực tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Hà Tĩnh, Bình Phước... tăng “nóng”, giá tăng theo chiều dựng đứng và thay đổi từng giờ.

Thậm chí, đất nông nghiệp, đất nằm trong diện quy hoạch cũng được rao bán với giá “trên trời”. Nguyên nhân chính vẫn là do các chiêu trò cũ của các đầu nậu và cò đất là lợi dụng thông tin các địa phương điều chỉnh quy hoạch, dự án hạ tầng lớn sắp triển khai…

Điều đáng nói, đây toàn là những chiêu trò cũ được các đầu nậu và cò đất sử dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, nhưng lúc nào cũng phát huy tác dụng, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư đến sau và bất ổn cho thị trường bất động sản, cũng như đời sống xã hội địa phương.

Để có những bài viết phản ánh sinh động, phân tích sắc bén, giúp độc giả, nhà đầu tư tiếp cận thông tin chính xác, tránh rơi vào bẫy, tiền mất tật mang, đồng thời giúp chính quyền địa phương nắm bắt thông tin kịp thời để có biện pháp can thiệp, phóng viên bất động sản phải đi thực địa, biến mình thành “diễn viên tài năng”, nhập các loại vai để vào thâm nhập vào từng ngóc ngách, thu thập thông tin, nắm bắt các chiêu trò của đầu nậu, cò đất để phản ánh tới độc giả. Hay nói cách khác, để tạo dấu ấn với người đọc, có tính thuyết phục cao, ít nhất bài viết phải “có mùi mồ hôi”.

Từng “thực chiến” tại nhiều tâm điểm sốt đất phía Nam, một điều mà người viết có thể khẳng định chắc nịch, là giá đất tăng chủ yếu do “cò” và các đầu nậu đẩy, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu thực của người dân. Ở nhiều địa phương, các cò đất, đầu nậu liên tục tạo chiêu trò cung - cầu, giao dịch ảo đẩy giá đất lên cao, nhưng thực tế thì người bán rất ít, người mua thật cũng không nhiều.

Chẳng hạn, tại các điểm nóng như Bình Phước, Bình Ba (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào năm 2020 - 2021, nhiều miếng đất sang tay qua cả 6 - 7 người, nhưng mới chỉ đặt cọc, chứ chưa làm công chứng sang tên, chủ yếu là khách mua đất với mục đích lướt sóng. Môi giới dẫn khách vào đặt cọc, nhưng ngay sau đó lại đưa khách mới vào đặt cọc cao hơn với mục đích thổi giá thị trường, đánh vào lòng tham của người mua.

Kết cục sau vài tuần, khi đầu nậu và "cò" đất đạt được mục đích và rời đi, để lại sự hỗn độn cho địa phương, cùng với những nhà đầu tư vào sau khóc nghẹn vì bị kẹt hàng, chôn vốn.

Không riêng nhà đầu tư nhỏ lẻ chạy theo sóng và địa phương, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng “than trời” vì hành động đẩy giá của các cò đất và đầu nậu. Bởi việc giá đất cao ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải phóng mặt bằng và đền bù, từ đó làm tăng chi phí đầu vào và làm chậm tiến độ dự án.

Các dự án nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cũng vì thế mà không dễ triển khai. Do đó, rất cần sự nhạy bén của những phóng viên mảng bất động sản sớm phát hiện những đốm lửa nhỏ để lên tiếng cảnh báo, dập tắt trước khi để nó bùng cháy, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.

Tin bài liên quan