Lee Myung-bak: “CEO” của Hàn Quốc

Lee Myung-bak: “CEO” của Hàn Quốc

(ĐTCK-online) Đó là sự thực 100% chứ không còn là suy đoán hay dự báo nữa. Tại cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc tổ chức ngày 19/12 vừa qua, ông Lee Myung-bak, 66 tuổi, ứng cử viên của Đảng Đại dân tộc (GNP) đã giành được 48,7% phiếu bầu, vượt xa đối thủ gần nhất là ông Chung Dong-young, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Thống nhất mới (UNDP) với 26,1% phiếu bầu.

Ngày 25/2/2008, ông Lee Myung-bak sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 10 của Hàn Quốc và là Tổng thống đầu tiên của nước này xuất thân từ doanh nhân. Ông đã từng là Chủ tịch Tập đoàn Hyundai, một trong những chaebol (tập đoàn kinh tế) lớn nhất Hàn Quốc.

Ngay sau khi biết chắc mình thắng cử, ông Lee Myung-bak phát biểu: "Ngày 19/12 năm nay có ý nghĩa đặc biệt và trọng đại đối với tôi, bởi cùng lúc tôi có 3 lý do để ăn mừng là đắc cử tổng thống, mừng 66 năm ngày sinh nhật và mừng 37 năm ngày xây dựng gia đình". 

Giới trẻ và doanh nhân Hàn Quốc hết sức hân hoan, vui mừng trước việc ông Lee Myung-bak thắng cử, bởi đã từ lâu họ coi ông là người của mình. Các doanh nhân Hàn Quốc rất ngưỡng mộ ông, coi ông là tấm gương sáng về việc vượt khó và phấn đấu vươn lên không mệt mỏi.

Ông Lee Myung-bak sinh ngày 19/12/1941 trong một gia đình mà bố mẹ đều là lao động nghèo tại TP. Osaka của Nhật Bản trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Sau năm 1945, gia đình ông hồi hương, song thật không may, ngay trong chuyến tàu về nước, tàu bị chìm nên toàn bộ tài sản của gia đình mang từ Nhật Bản về bị mất sạch, may không ai hề hấn gì.

Trong suốt những năm học phổ thông, ông phải vừa học, vừa giúp đỡ bố mẹ bằng cách đi nhặt rác, bán rong bánh kẹo, kem, hàng tạp hoá... Sau đó, ông đã tự lo được cả tiền học phí học đại học tại Trường đại học Tổng hợp Seoul . Tại đây, ông đã từng là thủ lĩnh sinh viên đi biểu tình chống lại việc Hàn Quốc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Nhật Bản và vì tội này ông bị bắt và bị đi tù 4 tháng.

Ra trường, có bằng đại học trong tay, nhưng lại có "vết đen" trên trong lý lịch, nên "gõ cửa" hết công ty này đến công ty khác mà chẳng nơi nào dám nhận ông. Quá tức giận, ông làm đơn gửi thẳng cho Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Chung-hee với lời lẽ mạnh mẽ, quả quyết khiến nhiều người thán phục: "Nếu một đất nước ngăn không cho một thanh niên được quyền đứng trên đôi chân của mình thì đất nước đó mãi mãi mắc nợ anh ta".

Năm 1965, ông đã được nhận vào làm việc tại Hyundai Construction & Engineering, một công ty con chuyên về xây dựng của Hyundai. Chính ở đây, ông có thêm biệt danh là "cỗ xe ủi đất" vì tính quyết đoán và khả năng kiên trì thực hiện thành công các dự án lớn. Năm 1977, ông trở thành Giám đốc điều hành (CEO) Công ty này ở tuổi 35 và là CEO trẻ nhất trong lịch sử Hyundai. Năm 1988, ông trở thành Chủ tịch Tập đoàn Hyundai (khi đó có tới 160.000 nhân viên trên khắp toàn cầu).

Năm 1992, ông chính thức rời thương trường để bước vào chính trường. Năm 1995, ông nếm mùi thất bại đầu tiên trong việc chạy đua vào ghế Thị trưởng Seoul . Năm 2002, ông tiếp tục tranh cử vào chức Thị trưởng Seoul và lần này đã thành công. Trong nhiệm kỳ lãnh đạo TP. Seoul 4 năm (2002 - 2006), ông đã khởi xướng và thực hiện thành công dự án khôi phục và mở rộng Cheonggyecheon, con sông chảy xuyên qua Seoul (có quy mô lớn và bất chấp sự chống đối kịch liệt từ nhiều phía) làm thay đổi bộ mặt thành phố này. Nhờ đó, ông được Tạp chí Time (Mỹ) tôn vinh là "người anh hùng về môi trường".

Trong cương lĩnh tranh cử, ông Lee Myung-bak đưa ra kế hoạch và mục tiêu đầy tham vọng được gói gọn trong 3 chữ số 747. Ông cam kết, trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình (ông tự tin đến mức tính trước luôn cả 2 nhiệm kỳ 10 năm), Hàn Quốc sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân liên tục 7%/năm; vào năm 2017, thu nhập bình quân tính theo đầu người sẽ đạt 40.000 USD/năm (tăng gần gấp đôi so với mức 24.500 USD/năm hiện nay) và Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới (hiện là thứ 13). Có thể nói mục tiêu này là đầy tham vọng và không dễ gì để đạt được. Ông cũng đề xuất ý tưởng xây dựng con kênh đào lớn có tên là Gyeongbu nối Busan đến Seoul nhằm thúc đẩy giao thông - vận tải và phát triển nền kinh tế. Ông phát biểu: "Đối với đất nước, kinh doanh quan trọng chẳng kém gì chính trị. Tôi sẽ là CEO của đất nước, chứ không phải là người nắm quyền lực cao nhất nước".

Có lẽ ông muốn đưa ra một khái niệm mới rằng tổng thống là CEO của đất nước chăng?