Lo doanh nghiệp nhà nước “chất” thêm nợ lên nợ công

Lo doanh nghiệp nhà nước “chất” thêm nợ lên nợ công

(ĐTCK) Trong bối cảnh nợ công tăng nhanh gây nên những hệ lụy khó lường, các đại biểu Quốc hội đề xuất cần có cơ chế quản lý rạch ròi nợ của khối doanh nghiệp nhà nước để tránh gây thêm gánh nặng cho nợ công.

Rủi ro khi bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn

Khi thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công, một vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung mổ xẻ là nợ lớn khó có khả năng trả của nhiều doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối ảnh hưởng tiêu cực ra sao đến nợ công?

Theo góc nhìn của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh), phạm vi nợ công như Dự thảo Luật nêu ra gồm 3 loại: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Cơ bản thống nhất với quy định này, song ông Bảo cho rằng, cần tính toán kỹ đối với các khoản nợ khác mà Chính phủ không bảo lãnh, cũng như trách nhiệm của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mất khả năng trả nợ.

“Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước thời gian qua nhận được những khoản hỗ trợ ‘mềm’ của Chính phủ như bổ sung vốn; khoanh, dãn nợ; chuyển, xóa nợ… để xử lý những DN thua lỗ, cũng như hoạt động không có hiệu quả. Nguồn hỗ trợ này cuối cùng cũng góp phần vào tăng chi tiêu ngân sách, ảnh hưởng tới nợ công”, ông Bảo quan ngại.

Ông đưa dẫn chứng về nợ của Vinashin tại các ngân hàng thương mại, Chính phủ vẫn phải bỏ ra một phần tiền để bù đắp, đồng thời đã chuyển một phần nợ sang cho Vinalines và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), bổ sung tiền từ ngân sách nhà nước, tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ đồng lên 14.655 tỷ đồng…

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), khi doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ có thể dẫn đến phá sản và tín nhiệm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí đi vay... Nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia, nên cần phải có quy định trong luật để giám sát, Nhà nước phải có chính sách để quản trị rủi ro này...

Giải trình với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo thông lệ quốc tế, phạm vi nợ công bao gồm nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ (cả Trung ương và địa phương) và nghĩa vụ nợ dự phòng. Các nghĩa vụ nợ trực tiếp là các khoản nợ mà Chính phủ là chủ thể vay và chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Các nghĩa vụ nợ dự phòng là các khoản nợ mà Chính phủ không phải là chủ thể đi vay, nhưng có cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp chủ thể đi vay mất khả năng trả nợ một phần hoặc toàn bộ, tức là bảo lãnh cho vay lại. Phạm vi nợ công đã tính vào khoản doanh nghiệp nhà nước vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

Cần chặt tay với khoản doanh nghiệp đứng tên vay

Chưa đồng tình với quy định của Dự thảo Luật là nợ công không bao gồm nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước..., đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị đưa khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công.

Bởi trong thực tế, đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Nhà nước vẫn có trách nhiệm đối với các khoản nợ của doanh nghiệp. Đã có trường hợp Nhà nước trả nợ thay cho doanh nghiệp nhà nước. Quy định này nhằm kiểm soát hoạt động nợ vay, quản lý, sử dụng vốn vay của doanh nghiệp nhà nước đúng mục đích và có hiệu quả.

Có ý kiến ngược lại, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) phân tích: “Dù doanh nghiệp tự vay, tự trả, nhưng vấn đề ở đây là họ vay của nước ngoài. Khi vay nước ngoài, tôi cho rằng, doanh nghiệp hay tổ chức đó cũng đại diện cho quốc gia.

Do đó, nếu nợ không trả được sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Mặc dù thống nhất không đưa khoản tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, nhưng luật phải có những quy định chặt chẽ về giám sát, quản lý khi doanh nghiệp nhà nước vay vốn của nước ngoài…”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình, theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, sẽ tính nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công nếu thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện: Chính phủ sở hữu 50% vốn của doanh nghiệp; hoạt động thu chi của doanh nghiệp nhà nước được kết cấu trong dự toán ngân sách hàng năm và Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp các doanh nghiệp mất khả năng trả nợ.

Ngoài ra, qua khảo sát tại 40 quốc gia, hầu hết đều không tính nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Do đó, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội không tính các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công.

Tin bài liên quan