Lộ vướng mắc khi triển khai hóa đơn điện tử của công ty bảo hiểm

Lộ vướng mắc khi triển khai hóa đơn điện tử của công ty bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả công ty bảo hiểm và nhà quản lý, nhưng vướng mắc cũng bắt đầu lộ diện.

Theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, phát hành và sử dụng hóa đơn điển tử bán hàng, cung ứng dịch vụ, thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử là ngày 1/11/2020 và tính đến thời điểm này, hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã ở tư thế sẵn sàng, trong đó nhiều công ty thuộc Top đầu thị trường đã áp dụng đồng loạt trên toàn hệ thống.

Chính thức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hình thức hóa đơn giấy từ ngày 1/6/2019 trên tất cả các đơn vị thành viên, tính đến nay, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã áp dụng hóa đơn điện tử cho gần như toàn bộ số hóa đơn phát hành. Chỉ còn một lượng nhỏ hợp đồng chưa thể phát hành hóa đơn điện tử do tính đặc thù của hợp đồng.

Thực tế, việc sử dụng hóa đơn điện tử đem lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan quản lý như giúp giảm thiểu chi phí in ấn, lưu trữ, cũng như hạn chế rủi ro mất hoặc làm hỏng hóa đơn.

Bên cạnh đó, thời gian xuất hóa đơn cũng nhanh hơn đáng kể, chỉ từ 30 giây đến 1 phút, trong khi trước đây khách hàng phải chờ từ 3-5 phút để nhận được hóa đơn giấy.

Tuy nhiên, do kinh doanh bảo hiểm là một ngành nghề đặc thù nên trong quá trình triển khai hóa đơn điện tử, nhiều vướng mắc bắt đầu lộ diện.

Chẳng hạn, đối với việc hủy hóa đơn, khi khách hàng yêu cầu hủy hóa đơn thì cần phải xuất lại một hóa đơn khác, nhưng nhiều khách hàng không thực hiện điều này, khiến doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong việc kiểm soát cũng như báo cáo lên cơ quan quản lý.

Hay như việc thanh toán thủ tục bồi thường, theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện chi trả bồi thường dựa trên hóa đơn đỏ.

Trước đây, hóa đơn này chỉ cấp duy nhất 1 bản và khách hàng chỉ được nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường cho 1 doanh nghiệp bảo hiểm.

Nhưng với hóa đơn điện tử, khách hàng có thể in ra nhiều bản để làm hồ sơ bồi thường tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi kiểm soát để tránh chi trả bồi thường trùng cho khách hàng.

“Việc khó kiểm soát số lượng hóa đơn cũng là vướng mắc mà PJICO gặp phải. Để khắc phục, các doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng một quy chế quản lý hóa đơn, chứng từ…, hoặc một hệ thống cảnh báo việc thanh toán nhiều lần đối với một hóa đơn”, đại diện Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho hay.

Một vướng mắc khác cũng cần đề cập tới là yêu cầu việc xuất hóa đơn cho tất cả các đơn bảo hiểm. Như vậy, đối với những sản phẩm bảo hiểm vi mô như bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe máy, bảo hiểm tai nạn…, việc xuất hóa đơn điện tử sẽ tốn tài nguyên lưu trữ.

Nhằm giúp công tác tra cứu và kiểm tra thông tin bồi thường được thuận tiện, dễ dàng hơn, các công ty bảo hiểm đang phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu khách hàng, cũng như đề xuất cho phép xuất hóa đơn gộp cho nhiều khách hàng cùng một lúc.

“Để việc triển khai hóa đơn điện tử đạt kết quả tốt nhất thì rất cần có sự điều chỉnh chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước sao cho phù hợp với đặc điểm kinh doanh của ngành bảo hiểm, phát huy được thế mạnh mà chính sách mang lại cho người dân”, đại diện PTI nhấn mạnh.      

Tin bài liên quan