Lợi nhuận bị bào mòn, nhà mạng tìm cửa sống mới

0:00 / 0:00
0:00
Ngành viễn thông đã có một năm giông bão với dịch bệnh Covid-19, buộc các nhà mạng phải tìm hướng phát triển mới.
Từ nửa cuối quý II và cả quý III/2021, VNPT đã phải tạm dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 30/63 tỉnh, thành phố

Từ nửa cuối quý II và cả quý III/2021, VNPT đã phải tạm dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 30/63 tỉnh, thành phố

Vượt bão

Những tưởng Covid-19 lan rộng, buộc phải giãn cách, làm việc, học tập trực tuyến thì ngành viễn thông phải “sống khỏe”, nhưng thực tế thì viễn thông là ngành chịu tác động khá lớn. Điển hình như VNPT, từ nửa cuối quý II và cả quý III/2021, đã phải tạm dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 30/63 tỉnh, thành phố, số lượng cán bộ, nhân viên của VNPT bị mắc Covid-19 lên tới 1.300 ca, trong đó có 6 ca tử vong, dẫn đến hoạt động tại một số đơn vị nhiều lần bị gián đoạn. Chưa kể, năm 2021, thị trường viễn thông, CNTT tiếp tục cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống, đồng thời chịu sức ép từ sự gia tăng của các dịch vụ OTT mới tham gia ở mọi lĩnh vực.

Ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc VinaPhone cho biết, đà tăng trưởng của nhà mạng đã bị chặn lại bởi việc bùng phát Covid-19 lần thứ tư. Có những tháng doanh thu của nhà mạng tại những địa phương bị Covid-19 nặng như TP.HCM hay Bình Dương đã bị sụt giảm tới trên 10%. Có những thời điểm, doanh thu từ dịch vụ trả trước (chiếm 70% dịch vụ viễn thông di động) của nhiều nhà mạng rơi vào tình trạng âm.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, do diễn biến phức tạp của Covid-19, trong năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông cũng tập trung triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên phạm vi cả nước. Điều này phần nào tác động đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, giải pháp CNTT và dịch vụ mới đã giúp các nhà mạng duy trì doanh thu, nhờ đó kết quả kinh doanh vẫn đạt mục tiêu.

Năm 2021, Viettel ước đạt tổng doanh thu 271.000 tỷ đồng, tăng 2,1%, lợi nhuận đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 1,6%. Ở trong nước, Viettel giữ vững vị trí số 1 về di động và FTTH với thị phần thuê bao lần lượt là 54% và 40,5%. Các thị trường nước ngoài của Viettel cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, doanh thu dịch vụ tăng 15%, lợi nhuận tăng 42%.

Còn VNPT, năm 2021 cũng đạt tổng doanh thu 56.605 tỷ đồng, bằng 103,4% kế hoạch, lợi nhuận đạt 7.103 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 5.408 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10%, đảm bảo 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động.

Công ty FPT cũng dự kiến cán mốc doanh thu 35.170 tỷ đồng, tăng 18%, lợi nhuận trước thuế 6.260 tỷ đồng, tăng 19%, nộp ngân sách nhà nước 5.950 tỷ đồng, tăng 20%. FPT cũng đã mở rộng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ và quy mô hoạt động bằng việc đầu tư vào Base.vn - nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện, tạo ra xung lực mới thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của 800.000 doanh nghiệp...

Tăng doanh thu từ chuyển đổi số

Trong kế hoạch năm 2022, VNPT chỉ đặt mục tiêu khá dè dặt là tăng trưởng hơn 3%. Còn Viettel cũng đặt ra mục tiêu khiêm tốn là đạt tổng doanh thu hơn 278.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với năm 2021.

Con số này được ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT lý giải là “có tính khả thi”, nhưng cũng rất khó khăn. Theo ông Thái, năm 2021, để thích ứng nhanh, VNPT đã phải triển khai đổi mới toàn diện phương thức tổ chức sản xuất và kinh doanh dịch vụ, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng sáng tạo công nghệ mới. Trong năm 2022, VNPT sẽ tích cực triển khai thực hiện các giải pháp số hóa, thông minh hóa, năng động hóa và hiệu quả hóa chiến lược. Phải khai phá, kiến tạo ra các thị trường và dịch vụ mới nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đại diện Viettel cho biết, năm 2022, Viettel đặt mục tiêu giữ vững vị thế là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Việt Nam, khai trương chính thức mạng 5G, tiếp tục mở rộng vùng phủ, nâng cao chất lượng mạng 4G để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của Chính phủ và người dân.

“Viettel tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số và các giải pháp an toàn thông tin tổng thể cho Chính phủ, bộ, ngành và khách hàng doanh nghiệp lớn. Xúc tiến kinh doanh tại các thị trường nước ngoài, tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ mới như Mobile Money, hệ sinh thái các sản phẩm giao thông thông minh, hệ sinh thái các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI…”, đại diện Viettel nói.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022, ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu phổ cập smartphone 100%, nghĩa là mỗi người dân sẽ có 1 chiếc smartphone. Triển khai 5G tại các khu vực trọng điểm trên toàn quốc, đến năm 2025 cơ bản phủ sóng 5G trên toàn quốc. Thúc đẩy triển khai cloud trong nước, cloud phục vụ Chính phủ, để nắm bắt cơ hội, tạo sự đột phá, mở ra không gian mới.

Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp viễn thông Việt Nam bứt phá, vươn lên, vượt ra khỏi biên giới quốc gia trong kỷ nguyên số toàn cầu.

Các doanh nghiệp viễn thông đã vượt khó bằng việc phát triển, cung cấp những dịch vụ số mới cho người dân và doanh nghiệp, đưa các dịch vụ CNTT mới tới khách hàng. Kết quả là, cả ngành viễn thông vẫn đạt doanh thu 130.768 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Tuy nhiên, dù tăng trưởng về mặt doanh thu, nhưng lợi nhuận năm 2021 của các doanh nghiệp viễn thông lại giảm tới 22,8% so với năm 2020. Cụ thể, lợi nhuận của doanh nghiệp viễn thông năm 2021 chỉ đạt 42.760 tỷ đồng, trong khi năm trước đó đạt 55.400 tỷ đồng.

Tin bài liên quan