Lợi thế của Gia Lai có không gian hùng vĩ, tiếng Cồng chiêng và con người Gia Lai mộc mạc, sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, giai đoạn phát triển mới mở ra cho Gia Lai những cơ hội phát triển đầy triển vọng; những tiềm năng, lợi thế của tỉnh cần được đánh thức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai

Tối ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 - 24/5/2022).

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã chúc mừng lịch sử đáng tự hào và những thành quả mà Gia Lai đã đạt được.

Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử với những lần sáp nhập, chia tách, mảnh đất Gia Lai đã có hàng chục năm thuộc quyền cai trị của chế độ thực dân - phong kiến và đế quốc nên vô cùng nghèo nàn, lạc hậu.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, của Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Gia Lai đã có niềm tin, anh dũng vượt qua biết bao khó khăn, thử thách.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, quân và dân Gia Lai đã đã tạo nên những chiến công hiển hách. Để rồi khi nước nhà thống nhất, với tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên. Gia Lai đã từng bước hồi sinh, phát triển mạnh mẽ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì bình quân gần 8%/năm giai đoạn 2015-2020. Năm 2021, GRDP đạt hơn 88.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 56 triệu đồng, năm sau cao hơn năm trước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh. Đây là những con số đáng ghi nhận.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ đáng; quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm.

Thủ tướng khẳng định, những thành tựu mà tỉnh Gia Lai đã đạt được là rất cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục, nhất là cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh, môi trường đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực cũng như việc phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp đặc thù, thiếu các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch...

“Giai đoạn phát triển mới mở ra cho Gia Lai những cơ hội phát triển đầy triển vọng. Những tiềm năng, lợi thế của Gia Lai cần được đánh thức có cả bầu trời trong xanh, không gian hùng vĩ, trong trẻo; cả màu xanh của núi rừng, của nương cà phê, vườn hồ tiêu; cả tiếng Cồng chiêng ngân vang và cả những nét văn hóa bản sắc độc đáo và những giá trị cao đẹp của con người Gia Lai đôn hậu, mộc mạc, sáng tạo”, Thủ tướng nhắn nhủ.

Gia Lai đã có sự phát triển bứt phá trong những năm qua.

Gia Lai đã có sự phát triển bứt phá trong những năm qua.

Để những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực to lớn đó được phát huy, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai trở thành một tỉnh giàu mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đắp cho khối đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận giữa các dân tộc.

Thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”

Tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển KTXH; hoàn thành việc tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy; Phát huy tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng cũng yêu cầu Gia Lai làm tốt công tác quy hoạch theo hướng phát triển bền vững. Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối vùng và vươn ra thế giới.

UNESCO trao bảng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai.

UNESCO trao bảng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai.

Đặc biệt tập trung đầu tư phát triển du lịch, năng lượng tái tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ cao theo chuỗi chế biến, bảo quản, tiêu thụ, liên kết, giảm thiểu tình trạng dư thừa sản phẩm khi được mùa, rớt giá…ảnh hưởng đến đời sống đồng bào.

Song song với đó phải quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc vào tháng 11/2021. Củng cố quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia…

“Gia Lai của chúng ta có một lịch sử đáng tự hào, một tương lai đầy triển vọng. Với những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm đã tích lũy được suốt mấy chục năm xây dựng, trưởng thành, nhất là với những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Tôi tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ từng bước vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng là một trong những địa phương phát triển bền vững, toàn diện ở Tây Nguyên và cả nước”, Thủ tướng kỳ vọng.

Ngày 24 tháng 5 năm 1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12 tháng 12 năm 1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai.

Tháng 6 năm 1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền Cách mạng gọi là Gia Lai cho đến năm 1975.

Ngày 20 tháng 9 năm 1975, theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá VIII, Gia Lai - Kon Tum được chia tách thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum.

Từ sau khi chia tỉnh, Gia Lai tiếp tục chia tách để lập thêm một số huyện mới. Đến nay, toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố, 220 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 1,55 triệu người, với 44 dân tộc cùng sinh sống.

Tin bài liên quan