Long An đề xuất cơ chế mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Long An đề xuất tổ chức đấu thầu quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 1, để tạo nguồn vốn cho phần vốn góp từ ngân sách nhà nước tham gia giai đoạn 2 theo phương thức PPP.
Một đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Một đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Đây là một trong những kiến nghị tại công văn số 6731/UBND – KTTC của UBND tỉnh Long An gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc đầu tư giai đoạn 2 Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Theo đó, UBND tỉnh Long An kiến nghị Thủ tướng xem xét đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2, trong đó đoạn qua Long An được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp (đầu tư thêm 4 làn xe cao tốc).

Bên cạnh đó, địa phương này còn đề xuất đầu tư nút giao tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức để đảm bảo tính kết nối, phát huy hiệu quả với đường vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Bến Lức – Long Thành; nghiên cứu cho kết nối đường địa phương với đường cao tốc tại vị trí trạm dừng chân trên địa bàn huyện Thủ Thừa; đầu tư, chỉnh trang phạm vi nút giao thông của đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương rẽ vào TP. Tân An.

Về quỹ đất thực hiện giai đoạn 2, UBND tỉnh Long An cho biết, khi triển khai giai đoạn 1, Bộ GTVT và UBND tỉnh Long An đã phối hợp, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp hoàn chỉnh. Phần công địa này trên thực tế có rào chắn bảo vệ và công tác quản lý quỹ đất đã được quan tâm, thực hiện tốt, sẵn sàng về mặt bằng để thi công dự án theo quy hoạch được duyệt.

Tại công văn số 6731, UBND tỉnh Long An cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương thực hiện Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2 bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác, để hoàn thành trước năm 2025.

“Trong trường hợp đầu tư dự án theo phương thức PPP) để phát huy nguồn vốn xã hội hóa, UBND tỉnh Long An đề xuất cơ chế cho phép đấu thầu quyền thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 1, để tạo nguồn vốn cho phần vốn góp từ Ngân sách nhà nước tham gia giai đoạn 2 đảm bảo tỷ lệ theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP”, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiến nghị.

Địa phương này cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét đầu tư Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, để đảm bảo khai thác đồng bộ với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương do hiện nay tuyến chỉ mới đầu tư 4 làn xe cao tốc, không có 2 làn dừng khẩn cấp; tạo nút thắt cổ chai trong kết nối từ TP.HCM đến TP.Cần Thơ.

Dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) có chiều dài 61,9km; bao gồm 39,75km đường cao tốc (qua TP. HCM 1,15km; Long An 28,5km; Tiền Giang 10,1km) và các tuyến đường nối dài 22,1km.

Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư 9.844 tỷ đồng được thực hiện bằng vốn Ngân sách nhà nước.

Đến nay tuyến cao tốc này đã quá tải với lưu lượng xe tăng mạnh (hơn 50.000 lượt xe/ngày đêm). Sau khi dừng thu phí (năm 2019), tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đang dần xuống cấp, năng lực thông hành không còn đảm bảo do nhu cầu vận tải lớn, tốc độ lưu thông hạn chế (60-70Km/h), thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông, không đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống cao tốc trong khu vực. Ngoài ra chủ trương của Chính phủ đẩy nhanh việc đầu tư hoàn thành các tuyến cao tốc như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh…trong giai đoạn 2021-2025 khiến áp lực giao thông đoạn đường này ngày càng lớn.

Vào giữa tháng 9/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có công văn số 10344/BGTVT – KHĐT gửi Ban quản lý dự án 7 về việc nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ban quản lý dự án 7 chính là đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương hồi tháng 4/2023.

Trong công văn số 10344, Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án 7 khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và đề xuất phương án triển khai đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP. HCM - Trung Lương quy mô 8 làn xe và đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe theo phương thức PPP toàn tuyến theo chỉ đạo mới đây của lãnh đạo Chính phủ.

Ban quản lý dự án 7 cũng sẽ phải làm việc với các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện Dự án mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.

“Trên cơ sở đó tiến hành đề xuất, báo cáo Bộ GTVT phương án triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bảo đảm tuân thủ Luật Đầu tư theo phương thức PPP và các quy định khác có liên quan trong tháng 9/2023”, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Trước đó, vào ngày 31/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6727/VPCP – CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu và đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương quy mô 8 làn xe, đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe theo phương thức đầu tư PPP toàn tuyến.

Bộ GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và địa phương có tuyến đường đi qua thống nhất loại hợp đồng phù hợp, trường hợp cần thiết báo cáo Quốc hội về việc áp dụng loại hợp đồng PPP và việc giao cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc đầu tư mở rộng được triển khai thuận lợi nhất có thể.

Được biết, tính đến đầu tháng 9/2023 đã có 3 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư gửi đề xuất xin tham gia đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận hoặc đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM – Trung Lương.

Tin bài liên quan