Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank và ông Bùi Văn Quyển tại trang trại ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank và ông Bùi Văn Quyển tại trang trại ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Lựa chọn cho chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ? Câu hỏi này đang được đặt ra không chỉ ở Việt Nam, mà hầu như trên toàn thế giới.

Mong muốn lãi suất cho vay giảm

Chỉ tay vào vườn riêng cây sầu riêng 3.000 gốc, chưa kể cây cao su, mít, café, tiêu, cùng với ao cá, chuồng lợn, anh Bùi Văn Quyển, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nói: “Có sức để làm mà không vay được vốn của ngân hàng thì chịu. Nhưng may mắn tôi được vay vốn Agribank và được Ngân hàng đồng hành thời gian qua, không bị phụ thuộc vào chủ buôn, nên gia đình yên tâm nuôi trồng”.

Anh Quyển cho biết, lãi suất vay tại Agribank từng giai đoạn có khác nhau, từ 6,5%/năm, 7,5%/năm, đến 8,5%/năm. Những lúc khó khăn, khi chuyển đổi cây trồng lâu năm sang cây ăn trái, thịt lợn xuống giá, Agribank đều hỗ trợ. Tuy nhiên, anh vẫn mong lãi suất cho vay giảm hơn nữa.

Chị Nguyễn Thị Nga, xã IAO, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho hay, chị vay Agribank 500 triệu đồng từ năm 2016 để trồng mít, sầu riêng, na, ổi… Sau này, chị đầu tư nuôi và thu mua mật ong xuất khẩu, lãi suất vay dao động trong khoảng 9 - 11%/năm.

“Mức lãi suất vay vừa đầu tư nuôi trồng, vừa kinh doanh trong phạm vi chấp nhận được nên đã giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Tôi mong muốn được hỗ trợ lãi suất để đầu tư thêm, phát triển hơn nữa kinh tế hộ gia đình”, chị Nga nói.

Ông Phan Thanh Thiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh chia sẻ, vốn là một công ty sản xuất đa ngành, nhưng thời gian qua, doanh nghiệp phát triển thêm các sản phẩm y - dược học cổ truyền và các loại nước uống thảo dược. Theo đó, từ năm 2017, Công ty xây dựng cơ sở hạ tầng và làm hồ sơ vay vốn tại Agribank gần 200 tỷ đồng, năm 2018 ký hợp đồng tín dụng vay vốn, bắt đầu giải ngân khoản đầu tiên và đến nay dư nợ còn khoảng 100 tỷ đồng, lãi suất bình quân 6,5%/năm.

“Năm nay, tôi dự kiến mở rộng quy mô sản xuất nên sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng và vay Agribank tiếp 50 tỷ đồng”, ông Thiên nói.

Câu chuyện với các hộ dân làm kinh tế và doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cho thấy, mong muốn lãi suất cho vay hợp lý để phát triển là phổ biến. Nhưng lãnh đạo các ngân hàng cho biết, để có được lãi suất cho vay thấp hơn rất khó trong điều kiện thị trường tiền tệ hiện nay.

Trong diễn biến có liên quan, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 15/3/2023. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong vòng 2 năm qua. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Đáng chú ý, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Đánh giá về động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, việc này sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong quý tới, khi trong 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt mức tăng 0,77%.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có những tín hiệu hỗ trợ thanh khoản thị trường tốt hơn. Bên cạnh việc điều tiết nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng đang chờ được hỗ trợ thanh khoản.Việc cắt giảm lãi suất (thêm nữa) sẽ giảm bớt căng thẳng trên thị trường bất động sản và hỗ trợ nền kinh tế, song ở phạm vi toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tiếp tục tăng lãi suất, việc đó có thể trở nên khó khăn”.

Cần cách tiếp cận thận trọng hơn

Điều quan trọng đối với các ngân hàng trung ương là phải tính xem, liệu có cần một cách tiếp cận thận trọng hơn trong cuộc chiến chống lại lạm phát trong tương lai hay không.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về mong mỏi hạ lãi suất cho vay của các doanh nghiệp, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam cần sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nói: “Tôi không khuyến khích Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trong thời gian này. Tôi chỉ muốn đưa ra một thực tế là hiện đang có những bất ổn và rủi ro đối với cả thị trường nội địa và thế giới. Việc Mỹ tăng lãi suất và mức lạm phát cao sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước đang phát triển và cả thế giới. Điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do đó, một trong những hướng giải quyết, nhưng không phải là cách duy nhất, đó là tăng lãi suất”.

Theo bà Dorsati Madani, trong trường hợp rủi ro lạm phát tiếp tục kéo dài ở Việt Nam, tăng lãi suất là một công cụ để kiềm chế. Nhưng một lần nữa, bà Dorsati Madani nhấn mạnh, điều này không nhất thiết phải xảy ra. Lạm phát là rủi ro mà WB đề cập để thảo luận và nhằm giúp mọi người nhận thức được điều gì đang xảy ra.

“Tháng 2/2023, lạm phát đã bắt đầu có dấu hiệu giảm. Vì vậy, việc tăng lãi suất là điều có thể không diễn ra”, bà Dorsati Madani nói.

Về vấn đề nới lỏng hay tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, ông Andrea Coppla, Kinh tế trưởng WB nhận xét: “Tôi nghĩ, đây là một câu hỏi mà tất cả mọi người đang đặt ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ở Mỹ hay trên toàn thế giới. Các ngân hàng và doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc thắt chặt tiền tệ, làm trầm trọng thêm vấn đề thanh khoản, cho cả hai phía. Việc huy động vốn khó khăn hơn nhiều và bảng cân đối kế toán cũng bị ảnh hưởng. Cách giải quyết nào là một câu hỏi mà tất cả các ngân hàng trung ương đang cố gắng trả lời”.

Ông Andrea Coppla cho rằng, điều quan trọng đối với các ngân hàng trung ương là phải tính xem, liệu có cần một cách tiếp cận thận trọng hơn trong cuộc chiến chống lại lạm phát trong tương lai hay không. Trên thực tế, một câu hỏi mang tính cốt lõi khác cũng cần được trả lời là liệu có khả thi để quay trở lại mức lạm phát (thấp) đã có trước năm 2022 hay không, trong bối cảnh lãi suất của Việt Nam hiện ở mức cao.

Bà Trần Khánh Hiền nhận định: “Động thái của Ngân hàng Nhà nước đánh dấu những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định mặt bằng của lãi suất. Trước sự bất ổn của môi trường vĩ mô hiện tại, chúng tôi tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao biến động của thị trường và môi trường kinh tế trong nước để đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp”.

Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5%, lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, các ngân hàng trung ương lớn có thể tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21 - 22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ.

Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.

“Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Tin bài liên quan