Gạo Việt Nam đang có giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây

Gạo Việt Nam đang có giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây

Lúa gạo và phân bón đồng pha

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành lúa gạo tiếp tục có diễn biến khả quan, trong khi thị trường phân bón bắt đầu vào mùa thấp điểm, còn giá xuất khẩu vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ.

Ngành lúa gạo tăng tốc

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, mang về 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt từ mức 515 - 525 USD/tấn lên 593 USD/tấn; gạo 25% tấm đạt 572 USD/tấn. Đây là mặt bằng giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây của ngành gạo Việt Nam, nhờ nhu cầu trên thế giới tăng cao, trong khi nguồn cung tại các nước xuất khẩu gạo lớn bị thu hẹp.

Thị trường lương thực thế giới chịu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, sự biến động của nguồn cung lúa mì và giá tăng khiến người dân tại nhiều nước trên thế giới chuyển từ lúa mì sang tiêu thụ gạo, đặc biệt là khu vực Trung Đông. Trong khi đó, ảnh hưởng của El Nino làm giảm sản lượng nông nghiệp trên quy mô toàn cầu, bao gồm lúa gạo.

Đặc biệt, ngày 20/7/2023, Ấn Độ - quốc gia chiếm hơn 40% nguồn cung gạo toàn cầu đã ban lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo, ngoại trừ gạo basmati được sản xuất tập trung cho xuất khẩu, nhằm bình ổn giá gạo và ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trong nước do khí hậu khắc nghiệt.

Khi thế giới chưa rõ thời hạn áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ thì Nga chính thức rút khỏi Thoả thuận ngũ cốc Biển Đen (khiến giá lúa mì thế giới tăng 10% chỉ trong 10 ngày sau đó) và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng tạm dừng xuất khẩu gạo.

Đánh giá ngành hàng lúa gạo đang có điều kiện thuận lợi để tăng tốc xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha theo kế hoạch ban đầu lên 700.000 ha.

Người nông dân cũng chú trọng hơn đến việc trồng các giống lúa chất lượng cao và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trong tháng 7 vừa qua, công ty con tại Kiên Giang thuộc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An, mã chứng khoán TAR) đã xuất khẩu hơn 16.600 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc, với giá 674 USD/tấn, sau khi doanh nghiệp liên tiếp xuất khẩu nhiều đơn hàng sang nước này trong những tháng trước.

Trung An cho biết, Công ty sẽ tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các nước phát triển như EU, Mỹ, Australia…, tuy khó thâm nhập nhưng có tỷ suất lợi nhuận cao.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG), doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu từ nay đến hết tháng 11/2023. Hiện Lộc Trời có khoảng 22.000 tấn gạo trong kho.

Cuối năm ngoái, Lộc Trời đã thực hiện sáp nhập Công ty Lương thực Lộc Nhân với 3 nhà máy sản xuất vào hệ sinh thái của doanh nghiệp, giúp tăng công suất, nâng cao sản lượng ở mảng lương thực.

Tính đến trung tuần tháng 7/2023, các địa phương trên cả nước đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha lúa, năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha, sản lượng lúa thu hoạch hơn 24,1 triệu tấn, tăng 0,4% so cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, cả năm 2023, cả nước sẽ sản xuất được 43,2 - 43,4 triệu tấn lúa, tăng 1,8 - 2% so với năm 2022, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phân bón kỳ vọng hồi phục

Gạo tăng giá kỳ vọng sẽ kéo theo diện tích trồng lúa tăng và mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đồng thời thúc đẩy thị trường phân bón.

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá gạo có xu hướng tăng cao, người nông dân có động lực mở rộng diện tích trồng lúa. Tuy nhiên, do yếu tố mùa vụ, thị trường phân bón từ tháng 7 đến tháng 10 là mùa thấp điểm. Đến tháng 11/2023, miền Nam bắt đầu vào vụ lúa mới. Tháng 12/2023 và tháng 1/2024, miền Bắc bắt đầu gieo cấy vụ Đông Xuân. Khi đó, nhu cầu sử dụng phân bón mới cao.

Trong mùa thấp điểm, các doanh nghiệp phân bón thường đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp.

Theo các công ty dự báo, phân tích thị trường quốc tế như Argus và Fertecon, tại thị trường Đông Nam Á, nguồn cung phân bón giao ngay đang eo hẹp do một số nhà sản xuất ở Malaysia, Brunei, Indonesia tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng nhà máy. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Tại châu Phi, các nhà sản xuất Bắc Phi điều chỉnh giá bán lên các vùng cao mới, với lượng bán vừa phải trong bối cảnh nguồn cung từ Nigeria giảm.

Tại Mỹ, giá urê tăng do nguồn cung tại thành phố New Orleans thắt chặt hơn, buộc người mua có nhu cầu mua ngay phải trả giá cao hơn.

Trước đó, giá urê trên thị trường thế giới đạt đỉnh 50 năm vào quý I/2022, sau đó duy trì ở mức cao cho đến quý III/2023, do chi phí đầu vào gia tăng vì ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine, trong khi Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu.

Kể từ quý IV/2022, giá các loại phân bón đi xuống do chi phí sản xuất giảm. Đặc biệt, nguồn cung toàn cầu bắt đầu tăng lên khi Trung Quốc mở cửa trở lại, khiến giá phân bón điều chỉnh sâu, thiết lập mặt bằng giá ngày càng thấp. Urê là mặt hàng giảm giá mạnh nhất.

Dữ liệu của Investing cho thấy, sau nửa đầu năm 2023 sụt giảm và duy trì ở mức thấp, giá phân urê bắt đầu hồi phục. Đến nay, hợp đồng tương lai phân urê đạt trên 400 USD/tấn, hồi phục hơn 40% so với thời điểm thấp nhất vào giữa tháng 6/2023 và là mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2023, song vẫn thấp hơn hơn 37% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM) cho biết, giá urê xuất khẩu trung bình của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 là hơn 8.000 đồng/kg, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022, kỳ vọng sẽ phục hồi lên 8.700 - 9.200 đồng/kg trong nửa cuối năm 2023.

Trong quý II/2023, kết quả kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp phân bón niêm yết sụt giảm so với cùng kỳ, do giá phân bón giảm sâu và giá khí tăng.

Cụ thể, Đạm Phú Mỹ lãi sau thuế hợp nhất 105,2 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 92% so với cùng kỳ và giảm 60% so với quý I. Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón và Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán DCM) lãi 289,8 tỷ đồng trong quý II năm nay, giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái; Công ty cổ phần DAP Vinachem (mã chứng khoán DDV) lãi vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, giảm tới 99,4%. Thậm chí, Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Bắc Hà (mã chứng khoán DHB) kinh doanh dưới giá vốn nên báo lỗ 350 tỷ đồng trong quý II vừa qua, trong khi cùng kỳ lãi 478 tỷ đồng, còn Công ty cổ phần Phân bón miền Nam (mã chứng khoán SFG) lỗ 8,3 tỷ đồng.

Kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong những tháng tới cùng với giá phân bón đang phục hồi, kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2023 của các doanh nghiệp phân bón sẽ khởi sắc hơn.

Tin bài liên quan