Luật Đầu tư công: Cần làm rõ giám sát cộng đồng

Luật Đầu tư công: Cần làm rõ giám sát cộng đồng

(ĐTCK) Chiều 18/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư công.

Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động đầu tư công. Đồng thời, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu. Định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Dự án Luật quy định thống nhất việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công từ khâu xác định chủ trương đầu tư đến đánh giá, giám sát chương trình, dự án đầu tư công, cũng như quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư công.

Góp ý vào dự án luật này, nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh đánh giá cao Dự thảo Luật, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với tình hình và có tính khả thi cao hơn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) nhận xét, nhìn chung, Luật có nhiều ý tưởng tốt, đã nêu được trách nhiệm các cấp liên quan hoạt động đầu tư công, nhưng chưa nêu được chế tài hoặc nếu có thì chế tài đơn giản, chung chung. Luật cần quy định chế tài cụ thể từng giai đoạn, từng công đoạn. Ví dụ như người quyết định chủ trương đầu tư mà có vi phạm thì phải xem xét bãi miễn chức vụ… Nhiều điều còn quy định chưa rõ ràng, ví dụ như nguyên tắc quản lý đầu tư công, công khai minh bạch trong đầu tư công...

Đại biểu Nghĩa dẫn ví dụ về Điều 55 quy định về sự giám sát của cộng đồng, cho rằng, quy định này là cần thiết và là ý tưởng rất hay, nhưng cần quy định cụ thể hơn, nếu không sẽ khó thực hiện được. “Ai là cộng đồng? Cộng đồng giám sát như thế nào? Người dân mà vào công trường thì chưa giám sát gì đã bị đuổi ra”, đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu Võ Thị Dung lại đề xuất nên có một chương riêng quy định về giám sát cộng đồng. Giám sát đầu tư cộng đồng là rất cần thiết bên cạnh giám sát của Quốc hội, cơ quan chức năng.

Cũng theo đại biểu Dung, Luật cần điều chỉnh toàn diện các dòng vốn của quốc gia, chứ không chỉ với phạm vi như luật quy định. Đồng thời, nguyên tắc đầu tư nêu ra 6 nguyên tắc, nhưng không thể hiện mạnh mẽ, thể hiện  rõ mục đích khi xây dựng luật này.

“Chúng ta thấy đầu tư công quá lãng phí và nhiều tham nhũng nên khi xây dựng các nguyên tắc đầu tư công phải đảm bảo đúng mục đích, công khai, minh bạch, hiệu quả và chống tham nhũng”, đại biểu Võ Thị Dung nói.

Ngày 27/11 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công. 

>> Siết đầu tư công bằng “má phanh” mới

>> Bàn cách nâng cao hiệu quả đầu tư công

>> Mấu chốt là phải cải thiện hiệu quả đầu tư

>> Kỳ họp Quốc hội thứ 6 - Nóng bỏng các vấn đề kinh tế