Lực bán chốt lời ồ ạt, VN-Index mất gần 13 điểm

Lực bán chốt lời ồ ạt, VN-Index mất gần 13 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau liên tiếp 7 phiên tăng, áp lực bán đã xuất hiện mạnh ở khắp các nhóm ngành với trọng tâm chốt lời ở các mã bất động sản, thép, công ty chứng khoán đã khiến thị trường lao dốc mạnh và để rơi gần 13 điểm.

Sau phiên sáng giảm điểm nhẹ với sắc đỏ lấn át, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không quá lo lắng khi lực cung giá thấp gần như không xuất hiện nhiều.

Bước vào phiên chiều, sự lo ngại dần trở nên lớn hơn, khi VN-Index lùi về dưới 1.130 điểm trước khi được kéo lên khá nhanh nhờ mốc hỗ trợ này. Tuy nhiên, cũng như phiên sáng, đà bật tăng không mạnh mà chỉ giúp chỉ số trở lại vùng 1.135 điểm.

Mặc dù vậy, diễn biến bất ngờ ở những phút cuối, khi VN-Index đột ngột đổ đèo và thêm một lần thủng 1.130 điểm và tiếp tục lùi bước ở những phút cuối do áp lực bán gia tăng ở các bluechip, cũng như nhà đầu tư tăng lệnh bán chốt lời ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Đóng cửa, sàn HOSE có 84 mã tăng và 361 mã giảm, VN-Index giảm 12,96 điểm (-1,14%), xuống 1.125,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 906,8 triệu đơn vị, giá trị 17.347,6 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ gần 2% về khối lượng và giảm 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 67,7 triệu đơn vị, giá trị 1.470 tỷ đồng.

Các bluechip trong nhóm VN30 chỉ còn VNM và VCB nhích lên đỡ chỉ số, với VNM +1,8% lên 71.900 đồng và VCB chỉ còn tăng nhẹ 0,8% lên 101.900 đồng.

Còn lại 28 mã đều giảm, với những cái tên giảm mạnh nhất là SSI -4,1% xuống 25.450 đồng, NVL -3,8% xuống 15.000 đồng, HPG -3% xuống 25.800 đồng, PDR -2,9% xuống 16.500 đồng, MWG -2,7% xuống 42.700 đồng, HDB -2,1% xuống 18.350 đồng, MSN -2,1% xuống 75.400 đồng, TCB -2% xuống 32.650 đồng.

Các cổ phiếu PLX, VPB, POW, ACB, TPB, MBB, BVH, BID mất từ 1,6% đến gần 2%.

Ở các cổ phiếu vừa và nhỏ, gần như chỉ còn lại cặp đôi HAG và HNG ngược dòng thị trường, còn giữ được đà tăng tốt, với HNG tăng trần +6,9% lên 4.160 đồng, khớp hơn 20,7 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị, cổ phiếu HAG +4,4% lên 8.300 đồng, khớp hơn 38,4 triệu đơn vị - mức cao nhất kể từ cuối tháng 9/2022.

Một vài cái tên riêng lẻ khác thu hút lực cầu tốt là HCD +6,9% lên 9.190 đồng, khớp 1,79 triệu đơn vị, BCE +5,3% lên 6.900 đồng, khớp 0,76 triệu đơn vị, ST8 +5,2% lên 26.300 đồng, khớp 0,35 triệu đơn vị…

Ở chiều ngược lại, sức ép lớn dành cho nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng với ba cái tên EVG, QCG và TDC khi đều giảm sàn.

Các cổ phiếu giảm sâu khác còn có VPH -6,7% xuống 6.700 đồng, DIG -5,8% xuống 21.100 đồng, NBB -5,2% xuống 14.600 đồng, TCD -5,1% xuống 8.720 đồng, NTL -4,7% xuống 23.500 đồng, GEX -4,6% xuống 18.600 đồng, NHA -4,6% xuống 18.500 đồng. Các cổ phiếu DXS, TGG, DRH, KHG, LGL, TTB, DXG giảm từ 3% đến hơn 4%. Trong đó, DIG phiên này là cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 48,1 triệu đơn vị khớp lệnh, cũng là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2022.

Các cổ phiếu thép cũng lao dốc, ngoài HPG mất 3% nêu trên thì NKG -5% xuống 17.250 đồng, SMC -4,6% xuống 13.250 đồng, POM -4,6% xuống 6.620 đồng, TLH -4,2% xuống 8.000 đồng, HSG -2,4% xuống 16.400 đồng.

Các công ty chứng khoán bị bán mạnh, ngoài SSI nêu trên thì FTS -5,4% xuống 28.800 đồng, AGR -5,1% xuống 14.000 đồng, VCI -4,5% xuống 36.300 đồng, VIX -4,5% xuống 10.700 đồng, các mã APG, VDS, ORS, TVB, HCM, BSI, VND, CTS, TVS giảm từ gần 3% đến hơn 4%.

Các cổ phiếu tiêu biểu ở các nhóm khác như hóa chất, bán lẻ, nguyên vật liệu, nông nghiệp, dịch vụ, may mặc, dầu khí…cũng giảm khá mạnh có DCM, BMP, PSH, ASM, IDI, DGC, CMX, SJF, AAT, TSC với mức giảm từ 3% đến hơn 6%.

Trên sàn HNX, lực bán gia tăng trong phiên chiều và dồn mạnh ở những phút cuối cũng đã khiến HNX-Index lao dốc về mức thấp nhất ngày khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 50 mã tăng và 148 mã giảm, HNX-Index giảm 2,77 điểm (-1,2%), xuống 227,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 94,1 triệu đơn vị, giá trị 1.585,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,73 triệu đơn vị, giá trị 238 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng kể nhất có lẽ vẫn là VC3 khi giữ được mức tăng mạnh +8,4% lên 25.900 đồng, khớp hơn 0,82 triệu đơn vị.

Phần còn lại chìm trong sắc đỏ, ở khắp các cổ phiếu lớn, nhỏ như SHS, PVS, CEO, HUT, MBS, TAR, IDI, PVC, LIG, TIG, AMV, TNG… với mức giảm từ 3% đến gần 7%. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn và bỏ xa phần còn lại với hơn 33,1 triệu đơn vị, giá cổ phiếu -3,7% xuống 13.000 đồng.

Nhóm cổ phiếu APS, API, IDJ vẫn nằm sàn, với khối lượng dư bán sàn vẫn chất đống, từ hơn 6,2 triệu đến hơn 18,4 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng tìm về các mức thấp hơn trong phiên chiều, trước khi kịp thu hẹp đôi chút đà giảm ở những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,41%), xuống 85,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,2 triệu đơn vị, giá trị 629,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,18 triệu đơn vị, giá trị 40,1 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu nhỏ LMH và AFX là những điểm sáng hiếm hoi khi tăng 5% và 6,3% lên 4.200 đồng và 10.200 đồng.

Các cổ phiếu thanh khoản cao khác đều giảm, với BSR -0,6% xuống 17.400 đồng, khớp lệnh vẫn cao nhất UpCoM khi có hơn 8,9 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2307 giảm 17,4 điểm, tương đương -1,54% xuống 1.115 điểm, khớp lệnh hơn 189.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 54.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế chủ đạo, nhưng mã khớp lệnh cao nhất với hơn 1,41 triệu đơn vị là CHPG2309 lại tăng 6,4% lên 2.000 đồng/cq.

Tin bài liên quan