Mạch nguồn sự sống

Mạch nguồn sự sống

(ĐTCK) Khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội như lắng lại khi buổi ra mắt cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” của Trần Uyên Phương viết cùng một học giả người Mỹ và một nhà báo người Anh được mở đầu bằng câu chuyện về những giọt sương ban mai nhỏ bé. Giọt sương từ Trời rơi xuống, tưới mát cho những chồi non bung lớn rồi từ từ trôi đi, thấm vào lòng Đất Mẹ. Một ngày, giọt sương ấy lại nhẹ bay lên, thành mây, thong dong ngắm nhìn sự sống… 

Áp lực và niềm hạnh phúc

Hình ảnh của giọt sương mai như nói câu chuyện về vòng đời con người. Ai đó hiểu và chạm vào mạch nguồn sự sống sẽ như được kết nối nguồn sức mạnh vô tận để dám sống hết mình, cháy bỏng với đam mê…

Gặp Uyên Phương vào một ngày cuối năm 2018 khi cô gái ra Hà Nội tham dự một cuộc gặp mặt của Thủ tướng, đồng thời nhận vinh danh Thương hiệu Quốc gia cho các sản phẩm Tân Hiệp Phát. Câu chuyện về cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” và tâm thái của cô gái mang sứ mệnh nâng bước một doanh nghiệp khổng lồ của Việt Nam ra quốc tế tiếp nối dòng cảm xúc về mạch nguồn sự sống mà Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã gieo vào lòng khán giả Hà Nội trong lần ra mắt sách tháng 10 trước đó.

Uyên Phương chia sẻ, ở Mỹ, người ta không thích từ “chia sẻ”. Chia sẻ là chuyện trong nhà, còn ra thương trường, bất kỳ ai muốn tồn tại đều phải trả lời được câu hỏi: Giá trị sản phẩm hàng bán là gì? Người Mỹ không dễ bỏ tiền ra để mua một cuốn sách nếu cuốn sách đó không mang lại cho họ điều gì đó đáng học hỏi. Vì thế, là một cô gái trẻ, một cô gái Việt Nam và lần đầu tiên xuất bản sách tại Mỹ, nhưng Uyên Phương sớm xác định rõ tâm thái của người viết, đó là viết để thể hiện một tầm nhìn, dạy họ một bài học, chứ không phải kể một câu chuyện để tìm sự cảm thông.

Cuộc cách mạng công nghiệp phát triển sớm ở châu Âu, châu Mỹ, khiến người Việt Nam từ lâu luôn nhìn các sản phẩm đến từ bên kia bán cầu với cái nhìn ngưỡng mộ. Họ như cao hơn mình, mình thấp hơn họ, vì thế dường như ai cũng mang tâm lý tự ti trước các “ông tây” cao lớn.

Tuy nhiên, Uyên Phương có một cái nhìn khác. Sức mạnh của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia nằm ở ý chí và khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người. Đó là nguồn sức mạnh vô tận và về điểm này, cô gái Việt Nam cho rằng, người Việt có nhiều người giỏi, rất giỏi, chỉ có điều họ chưa bộc lộ hết khả năng và chưa “kể” ra thế giới.

Khi ra mắt cuốn sách đầu tay “Chuyện nhà Dr. Thanh” và sau đó là cuốn “Vượt lên người khổng lồ”, Phương bảo, sau áp lực, cô nhận được rất nhiều niềm hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ ở việc đã mạnh mẽ chia sẻ, chia sẻ thành công tầm nhìn và thúc đẩy tinh thần vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt. Hạnh phúc hơn hết là cảm nhận mình đang góp sức lan tỏa và thúc đẩy niềm tự hào dân tộc, tự tin cá nhân để mỗi người Việt thêm sức mạnh dám mơ ước, dám vươn tới những khát vọng xa hơn.

Gần 400.000 cuốn Chuyện nhà Dr. Thanh đã đến tay bạn đọc trong nước cùng với hàng vạn cuốn Vượt qua người khổng lồ được bạn đọc quốc tế đón nhận đang góp phần thay đổi cái nhìn về doanh nhân Việt Nam.

Doanh nhân chân chính không phải là con buôn hay trọc phú như những quan niệm cổ hủ. Để tồn tại và phát triển trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, nghề doanh nhân phải là nghề của những người biết lắng nghe nhất, tinh tế nhất mới có thể hiểu khách hàng, thậm chí hiểu hơn cả những gì khách hàng hiểu về chính họ. Nhưng sự tinh tế chỉ là một yếu tố để làm nên thành công.

Doanh nhân còn cần tố chất nhạy cảm trong kinh doanh, khả năng nắm bắt cơ hội, ý chí và bản lĩnh dám ước mơ, dám đặt cược và cả dám hy sinh… Một nhà lãnh đạo, nguyên là Phó thủ tướng Chính phủ ngay khi đọc xong cuốn sách Chuyện nhà Dr. Thanh đã thốt lên: “Bác không ngờ cuộc đời doanh nhân lại vất vả như thế”. Nhưng trong nỗi vất vả ấy là niềm đam mê và có cả sứ mệnh của những con người muốn sống cho đáng nhất, cống hiến và vươn xa để khám phá kiếp người…

Không ra biển lớn sẽ không thấy đại dương

Năm 2018, trong trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, câu chuyện về Tân Hiệp Phát có lẽ được truyền tải đậm đặc nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế.

Thực tế này xuất phát từ cả 2 lý do: sự chủ động ghi những dấu ấn khác biệt trên thương trường của gia đình Tập đoàn và sự tò mò của dư luận. Không chỉ báo chí, đối tác, khách hàng nói về Tân Hiệp Phát, mà các chuyên gia kinh tế cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận, đánh giá câu chuyện về sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam 24 tuổi đời này như một tấm gương, một hình ảnh hé mở cho sức mạnh vươn lên của kinh tế Việt Nam.

Với GDP trên đầu người đạt 2.500 USD, nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong nước có thu nhập trung bình thấp, thấp hơn nhiều so với các nước có nền kinh tế phát triển và cũng thấp hơn đáng kể so với những quốc gia lân cận như Thái Lan (6.600 USD/người), Trung Quốc (9.000 USD/người)…

Trên nhiều diễn đàn chính sách, các nhà quản lý, chuyên gia thường đặt câu hỏi: Chúng ta còn có nguồn động lực nào để tăng trưởng? Câu hỏi thể hiện một trăn trở: Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam ở đâu?

Trong suy nghĩ của người sáng lập Tân Hiệp Phát, sức mạnh của nền kinh tế tiềm ẩn ở 2 nguồn lực: Con người và tài nguyên thiên nhiên. Nếu biết khai thác các nguồn lực này một cách thông minh, cùng với việc xây dựng một quốc gia mang tinh thần của công dân đạo đức, thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn và nền kinh tế Việt Nam sẽ cùng nhịp với toàn cầu.

24 năm qua, ông Trần Quí Thanh - người sáng lập Tân Hiệp Phát đã thành công trong việc từ tay trắng lập ra doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Việt Nam sau khi trải qua rất nhiều cay đắng, thăng trầm và dám từ chối lời mời mua lại với cái giá 2,5 tỷ USD để cạnh tranh song song với CocaCola - tập đoàn lớn nhất thế giới kinh doanh cùng lĩnh vực.

Trên con đường tương lai, người tiếp nối ông - Trần Uyên Phương xác lập mục tiêu xây dựng Tân Hiệp Phát thành một tổ chức của những con người tài năng. Đó là những con người cùng chí hướng, cùng khát vọng theo các giá trị Tập đoàn đặt ra: Chính trực, tài năng, cam kết và không gì là không thể.

Không chỉ ghi danh người Việt Nam đầu tiên viết sách, được Fobes xuất bản tại Mỹ, tư duy “không gì là không thể” đã được cô gái Việt Uyên Phương thể hiện theo một cách rất độc đáo. Trong nỗ lực đưa câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới, Phương đã chiến thắng vòng đánh giá tài năng của Paris Bynight để trở thành doanh nhân duy nhất không phải là nghệ sĩ, biểu diễn đàn đá tại sân khấu nghệ thuật được biết đến trên toàn cầu này.

Tuy nhiên, trong câu chuyện về cuốn sách, về cạnh tranh trên thương trường và vươn lên của Tân Hiệp Phát, Phương bảo, Phương không muốn dùng từ “chiến thắng”. Thương trường là một cuộc đua, mà có lúc mình qua mặt đối thủ, cũng có lúc đối thủ qua mặt mình.

 Trần Uyên Phương.

Sau những dấu ấn đặc biệt của năm 2018, nhiều người băn khoăn, phải chăng sẽ là bước chân vươn ra thị trường Mỹ, thị trường châu Âu của Tập đoàn? Phương bảo, với việc sở hữu dây chuyền công nghệ Aseptics, sản phẩm của Tân Hiệp Phát đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm để vào thị trường Mỹ hay châu Âu.

Thực tế, sản phẩm của Tập đoàn đã có mặt tại gần 20 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, kinh doanh luôn cần sự chân thực nhất trong đánh giá bài toán hiệu quả. Bước vào thị trường Mỹ không khó, nhưng kiếm lãi lại không đơn giản khi khoảng cách địa lý quá xa và văn hóa của hai quốc gia quá khác biệt.

Thị trường tiềm năng hơn cho phát triển kinh doanh hiện nay, không đâu khác chính là châu Á. Với hơn 600 triệu dân và 2/3 số đó có tuổi dưới 35, châu Á đang sở hữu lực lượng dân số vàng với tính chất sẵn sàng tiếp thu cái mới. Đây chính là thị trường còn nhiều dư địa có thể mang lại hiệu quả tốt nhất cho Tập đoàn.

“Vượt qua người khổng lồ” thể hiện khát vọng chinh phục những chủ thể mạnh hơn mình và chinh phục chính mình. Mỗi con người, ai cũng có trong mình người khổng lồ ẩn náu, đó có thể là sức ì, là sự ngạo mạn, là tự ti và vì thế sẽ rất thú vị nếu nhận ra “bạn đường” cũng  đồng thời là đối thủ đáng chinh phục nhất.

Nếu như sự sống là những vòng tròn trải nghiệm thì vòng tròn sẽ càng rộng ra nếu mỗi con người dám khát vọng, dám vượt qua những giới hạn của chính cái vòng tròn đang hiện hữu ấy, để tận hưởng những không gian sống rộng lớn hơn.

Trên hành trình lãnh sứ mệnh vươn xa, hành trang đặc biệt của Uyên Phương là ý chí và tình yêu cuộc sống được trao truyền từ cha mẹ - những người tạo dựng Tập đoàn.

Người đàn ông của “Không gì là không thể” đã dạy cô cách bước đi không sợ hãi, dám sống với trọn vẹn đam mê và nhiệt huyết từ trái tim. Sống như một cuộc chơi, mở rộng tầm trải nghiệm… Sống như giọt sương mai trong câu chuyện mở đầu ra mắt sách. Giọt sương là vẻ đẹp của tạo hóa, tưởng như nhỏ bé, nhưng đó là mạch nguồn của đại dương…

Tin bài liên quan