Cabin bảo quản mát trái cây được IPEI xây dựng tại đồng bằng sông Cửu Long.

Cabin bảo quản mát trái cây được IPEI xây dựng tại đồng bằng sông Cửu Long.

Mở đường cho trái cây Việt sang châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Ông Marc Stordiau, Chủ tịch Công ty Kỹ thuật xây dựng và đầu tư cảng quốc tế IPEI, doanh nghiệp đến từ Bỉ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực logistics và kho mát bảo quản trái cây tươi và ông Nguyễn Thanh Dương, Trưởng văn phòng đại diện của Công ty tại Việt Nam khẳng định, tham vọng của IPEI là trở thành đối tác đồng hành tin cậy của nông dân Việt Nam, hỗ trợ họ tiếp cận giải pháp bảo quản bền vững, tiết kiệm năng lượng, mở ra hành trình thuận lợi hơn cho trái cây Việt sang châu Âu. 

Với kinh nghiệm nhiều năm cung cấp giải pháp về logistics và bảo quản tiên tiến cho các đối tác trên toàn cầu, IPEI có ý tưởng và giải pháp gì hỗ trợ Việt Nam thiết lập, phát triển chuỗi cung ứng hiện đại, bền vững cho nông sản xuất khẩu?

Được sự hỗ trợ từ Liên minh Châu Âu (EU), IPEI đã thành lập Liên doanh Euro – Việt Nam và tích cực tìm kiếm đối tác là các doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam trên nguyên tắc: “Trái cây tươi tốt, thân thiện với môi trường hơn trái cây đông lạnh và mang lại giá trị thị trường tốt hơn. Hệ thống cabin mát bảo quản trái cây nằm gần các vùng trồng sẽ tiết kiệm nhiều năng lượng”.

Hiện IPEI đã hoàn thành nghiên cứu phát triển chuỗi logistics và cabin mát thông minh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Kết quả nghiên cứu hướng tới việc thiết lập hành lang bảo quản mát trái cây đầu tiên dọc khu vực sông Hậu. Hành lang sẽ bao gồm nhiều trạm bảo quản mát nhỏ đặt ở trung tâm vùng trồng để khi thu hoạch xong, nông dân có thể đưa trái cây vào thẳng kho mát, đảm bảo tối đa chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian di chuyển.

Các trạm bảo quản mát sau đó sẽ được đưa về tập kết tại cảng Cần Thơ, cửa ngõ xuất khẩu của toàn bộ vùng trồng đồng bằng sông Cửu Long. Quy trình này đảm bảo trái cây sau khi thu hoạch luôn duy trì nhiệt độ bảo quản từ 2 - 8 độ C cho tới khi đến tay người tiêu dùng cuối tại Châu Âu.

Dự án tới nay đã được thực hiện đến đâu?

Chúng tôi đã thiết lập cabin đầu tiên tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh từ năm 2021, dưới sự tài trợ của Quỹ FinExpo thuộc Vương quốc Bỉ.

Trạm bảo quản mát đã được đưa vào vận hành và đạt kết quả khá khả quan. Đây cũng là nơi thử nghiệm vận hành quy trình, thời gian, chất lượng để có thông số tốt nhất cho việc phát triển mở rộng dự án sau này.

Vì sao IPEI chọn khu vực đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng chuỗi kho mát đầu tiên? Tiêu chí của Công ty khi lựa chọn địa điểm phát triển là gì?

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn trái lớn nhất Việt Nam với diện tích khoảng 300.000 ha và năng suất đạt gần 4 triệu tấn/năm. Khu vực này còn có mạng lưới sông ngòi dày đặc, hỗ trợ tốt việc vận chuyển trái cây bằng đường thủy với chi phí thấp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sở hữu một vùng trồng trái cây khác rất tiềm năng là khu vực Tây Nguyên. Nhưng để xuất khẩu được, trái cây từ Tây Nguyên phải qua điểm trung chuyển mới đến được cảng chính nằm ở đồng bằng sông Cửu Long. Công đoạn logistics phức tạp chắc chắn ảnh hưởng đến bài toán kinh tế và làm tăng tỷ lệ phát thải, ngược với tiêu chí tiết kiệm năng lượng mà dự án đã đặt ra.

Trong khi đó, việc vận chuyển trái cây tươi ở khu vực đồng bằng sông Hồng cũng sẽ mất thêm từ 1-2 ngày mới đến được cảng chính xuất khẩu. Chưa kể khu vực này cũng không phải là vùng trái cây có đủ sản lượng để triển khai dự án.

Bởi vậy, IPEI xác định đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm để Công ty tập trung phát triển mạng lưới bảo quản trái cây mát phục vụ mục đích xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ hoặc Trung Đông.

Vậy, cơ chế hoạt động của hệ thống cabin mát IPEI có gì khác biệt so với phương pháp bảo quản lạnh hay cấp đông đang được sử dụng tại Việt Nam?

Phương pháp bảo quản trái cây phổ biến nhất hiện nay là cấp đông dưới -45 độ C, sau đó duy trì bảo quản lạnh từ -20 đến -25 độ C và tiến hành rã đông sau khi tới thị trường tiêu thụ.

Phương pháp này giúp bảo quản trái cây trong thời gian dài, nhưng sau khi rã đông, trái cây sẽ hỏng rất nhanh, đặc biệt là tốn kém năng lượng do các container phải thường xuyên tiêu thụ lượng điện lớn để duy trì nhiệt độ thấp. Có nhiều công nghệ mới ra đời khắc phục được hạn chế của phương pháp cấp đông truyền thống, nhưng chi phí lại đắt hơn gấp 5 - 6 lần.

Chuỗi cabin mát thông minh do IPEI phát triển hoạt động theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng, một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất tại châu Âu giai đoạn này. Cabin được xây dựng gần vùng trồng giúp bảo quản trái cây mát từ 2-8 độ C ngay sau khi thu hoạch, giảm đáng kể thời gian vận chuyển.

Các cabin này cũng được đặt gần các tuyến đường vận chuyển, gần các cảng có hạ tầng phục vụ container bảo quản mát, kết nối đường thủy và đường bộ đến các cảng chính trong vùng.

Phương pháp bảo quản mát không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn giúp đối tác mua hàng (công ty nhập khẩu trái cây ở châu Âu) lẫn người bán hàng (công ty xuất khẩu trái cây tại Việt Nam) có thể theo dõi hành trình và kiểm soát điều kiện môi trường bên trong lô hàng từ xa thông qua cảm biến kiểm soát thông minh. Tuy nhiên, phương pháp này có điểm yếu là thời gian bảo quản trái cây không dài bằng bảo quản lạnh và không phải loại trái cây nào cũng có thể bảo quản mát, chẳng hạn nhãn, bơ, măng cụt…

Công nghệ cabin bảo quản trái cây mát hiện có phổ biến ở Việt Nam không? Theo ông, đâu là điểm cộng khiến dự án của IPEI trở nên hấp dẫn hơn so với những dự án cabin bảo quản mát khác?

Hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp như Nafoods Group, Vina T&T Group, Hoàng Anh Gia Lai Group đều có hệ thống kho mát của riêng họ, nhưng công nghệ thì có thể đầu tư, trong khi vấn đề chính của tất cả các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, vẫn là cần một đầu ra ổn định.

Nếu tham gia vào dự án của IPEI ngay từ đầu, các doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã sẽ có lợi thế lớn để xây dựng và phảt triển thương hiệu. Đương nhiên, họ hoàn toàn có thể chọn kết hợp với những hệ thống bảo quản mát khác, nhưng chắc chắn sẽ không có nhiều lợi thế giống như các doanh nghiệp đã tham gia vào dự án của chúng tôi.

Chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã thành viên kết nối với những đối tác nhập khẩu trái cây từ Châu Âu. Người nông dân chỉ cần trồng và bảo quản trái cây đúng tiêu chuẩn, họ sẽ không còn lo bị thương lái ép giá.

Kết thúc hành trình 1 năm thử nghiệm, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của hệ thống cabin bảo quản mát đối với các đối tượng thụ hưởng?

Chúng tôi đánh giá mô hình khả quan vì chỉ cần có nguồn mua ổn định thì chủ sở hữu của những trạm bảo quản mát hoàn toàn có thể tự kinh doanh hoặc cho thuê dịch vụ. Khi vấn đề năng lượng đang đặc biệt được quan tâm tại châu Âu, các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đồng hành cùng IPEI hoàn toàn có thể tận dụng ưu thế tiết kiệm năng lượng của hệ thống để phát triển thương hiệu.

Trái cây Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn được xuất khẩu thô sang thị trường Trung Quốc, sau đó sẽ được chế biến, gắn mác Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ hay châu Âu. Trong khi đó, châu Âu lại là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới và Việt Nam với lượng sản phẩm đa dạng theo mùa hoàn toàn có thể phát triển tại thị trường này.

Những dự án như IPEI chính là bước đệm để lan tỏa thương hiệu trái cây Việt Nam đến tay người tiêu dùng châu Âu, đồng thời mở ra một hành trình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn, góp phần nâng tầm nông sản Việt.

Tin bài liên quan