Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Gập ghềnh con đường xuất khẩu gạo, trái cây, đồ gỗ…

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động xuất khẩu nhiều ngành hàng tỷ USD như gạo, trái cây, thủy sản, đồ gỗ… vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2021.

Tắc nghẽn do Covid-19

Đặt mục tiêu xuất bán khoảng 6,3 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD trong năm 2021, nhưng xuất khẩu gạo đang bị tắc nghẽn do Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển trong nước. Trong khi đó, dịch vụ đóng rút gạo xuất khẩu tại nhiều cảng cũng đang bị kẹt hoặc dừng hoạt động, khiến một lượng gạo lớn phải nằm lại tại đây.

Đơn cử, cuối tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần Cảng Tân Cảng Hiệp Phước thông báo tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan của cảng này do có công nhân mắc Covid-19. Dự kiến, sớm nhất đến giữa tháng 9/2021, Cảng mới vận hành trở lại.

Như vậy, hiện chỉ còn Bến 125 Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Nhơn Trạch còn hoạt động để phục vụ việc đóng gạo bằng container. Nhưng, năng lực đóng hàng của 2 cảng này đều thấp hơn so với thời gian trước, gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu gạo, ít nhất là đến hết tháng 9/2021.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tại Cần Thơ, cảng Tân Cảng Thốt Nốt chưa hoạt động trở lại. Lượng hàng đang bị ùn ứ cục bộ tại cảng này tính đến ngày 26/8/2021 là 6.000 tấn, tương đương khoảng 300 container chưa đóng hàng.

Dưới tác động của dịch bệnh căng thẳng ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo đã sụt giảm giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ, chỉ đạt 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỷ USD. Với tình hình này, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới.

Trong khi đó, rau quả, trái cây tươi xuất sang Trung Quốc cũng đang bị cản đường do nước này thay đổi chính sách xuất nhập khẩu để phòng chống dịch. Từ ngày 26/8, Trung Quốc thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài (tương ứng với cửa khẩu phụ Cốc Nam của tỉnh Lạng Sơn).

Trước đó, từ giữa tháng 7, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu biên giới, đến trung tuần tháng 8, cơ bản nhiều trái cây, nông sản Việt không thể xuất sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới giáp tỉnh Vân Nam.

Còn nhiều khó khăn

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 8/2021 đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7 và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều nhà máy lớn thuộc các ngành hàng xuất khẩu tỷ USD như dêt may, đồ gỗ, da giày, thủy sản… đã phải tạm dừng sản xuất, hoặc sản xuất “3 tại chỗ” và chấp nhận sản lượng chỉ đạt khoảng 1/3 công suất.

Sau khi tăng trưởng rất mạnh trong nửa đầu năm 2021, ngành gỗ đã bắt đầu “ngấm đòn” dịch bệnh, các trung tâm chế biến gỗ lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM với sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 8 chỉ đạt 373,8 triệu, giảm 45,5% so với nửa đầu tháng 7.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, với tình hình giãn cách xã hội hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng, kim ngạch xuất khẩu gỗ từ nay cho tới kinh dịch bệnh được kiểm soát tiếp tục giảm sâu. Điều này đồng nghĩa, mục tiêu cán đích 14 - 15 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2021 sẽ xa vời hơn.

Theo Bộ Công thương, xuất nhập khẩu hàng hóa từ nay đến cuối năm có cả yếu tố thuận lợi và thách thức. Thuận lợi là các thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều phục hồi sức mua, doanh nghiệp Việt tiếp tục khẳng định được uy tín trong nhiều lĩnh vực trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đang được thực thi toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu đối với nhiều ngành hàng của nước ta. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Nhưng, khó khăn nhất vẫn là tác động của Covid-19. Thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên cả nước.

Hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực, do Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm của dịch bệnh. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lo ngại, nếu giãn cách kéo dài, nguy cơ cao sẽ khó giữ được khách hàng do áp lực của nhà nhập khẩu về nguồn cung ứng hàng hóa và sẽ chuyển dịch sang nước khác. Nếu điều đó xảy ra, khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh với khách hàng sẽ rất khó khăn.

Đặc biệt, trở ngại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu còn đến từ việc khan hiếm container rỗng, giá vận chuyển tăng cao, thời gian vận chuyển lâu… làm gia tăng mức độ rủi ro trong mỗi đơn hàng.

Tin bài liên quan