Môi giới bảo hiểm: “Sân chơi” của khối ngoại

Môi giới bảo hiểm: “Sân chơi” của khối ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tại, hơn 92% thị phần môi giới bảo hiểm nằm trong tay khối ngoại nhờ sở hữu nhiều lợi thế, từ quy mô vốn, uy tín thương hiệu… đến thói quen tiêu dùng bảo hiểm của khách hàng.

Theo Cục Quản lý và giám bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2022, hoạt động môi giới bảo hiểm được thực hiện trên tất cả các nghiệp vụ, trong đó chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (chiếm 77,46% trong tổng phí thu xếp) và bảo hiểm sức khỏe (22,38%). Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong cơ cấu nghiệp vụ của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (0,16%). Tương tự như các năm trước, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại vẫn là nghiệp vụ chính trong hoạt động của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (chiếm 48,23% tổng phí bảo hiểm thu xếp).

Về thị phần, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm chủ yếu với tỷ lệ 92,3% và riêng 3 doanh nghiệp dẫn đầu là Marsh, Aon và Willis Towers Watson có tổng thị phần đạt 87%. Các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 7,7% thị phần.

Bên cạnh lợi thế về vốn, uy tín thương hiệu…, một nguyên nhân quan trọng khác khiến thị phần môi giới bảo hiểm nằm trong tay các công ty nước ngoài là do hành vi tiêu dùng bảo hiểm của khách hàng. Thực tế, đa phần doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ yêu cầu sử dụng các công ty môi giới trong việc đàm phán các hợp đồng bảo hiểm, trong khi khách hàng là cá nhân hoặc công ty trong nước không muốn sử dụng môi giới nhằm tối ưu chi phí.

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, các khách hàng nước ngoài thường yêu cầu có môi giới tham gia trong quá trình đàm phán hợp đồng vì có chuyên môn sâu về bảo hiểm, am hiểu pháp luật quốc tế cũng như trong nước... nên có thể tư vấn và đưa ra được giải pháp toàn diện với chi phí tối ưu nhất, đặc biệt là trong các nghiệp vụ khó như bảo hiểm tài sản, kỹ thuật, sức khỏe...

Mặt khác, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài cũng khiến các doanh nghiệp gia tăng nhu cầu mua bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên như một chính sách phúc lợi, tạo cơ hội cho các công ty môi giới bảo hiểm tăng thêm thị phần. Với sự am hiểu về sản phẩm, các công ty môi giới bảo hiểm đã tư vấn cho khách hàng giải quyết điều nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình giãn cách xã hội, khám chữa bệnh liên quan đến Covid-19..., qua đó uy tín ngày càng được tăng lên.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới trong năm 2022 ước đạt 15.751 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021, trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới là 8.982 tỷ đồng (tăng 16,15%) và phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới là 6.769 tỷ đồng (giảm 3%).

Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm ước đạt 1.130 tỷ đồng, tăng 11,14% so với năm 2021, trong đó hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc là 881 tỷ đồng (tăng 11,4%) và hoa hồng môi giới tái bảo hiểm là 249 tỷ đồng (tăng 9,96%).

Tiềm năng phát triển cùng với hành lang pháp lý ngày một hoàn thiện giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam hấp dẫn dòng vốn ngoại. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ ngày 1/11/2019) đã cho phép doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm hoạt động tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua như quản lý hợp đồng, quản lý bồi thường, cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro... Năm 2022, Bộ Tài chính đã cấp phép điều chỉnh cho một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như SPE, WTW, Wellbe… được thực hiện hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

“Việc mở rộng phạm vi hoạt động giúp các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, góp phần gia tăng giá trị dịch vụ cũng như tính chuyên nghiệp của thị trường bảo hiểm Việt Nam”, đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.

Tin bài liên quan