Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều trong để các chỉ số về môi trường kinh doanh có thể thăng hạng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều trong để các chỉ số về môi trường kinh doanh có thể thăng hạng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Môi trường kinh doanh năm 2017: Cuộc đua với ASEAN 4

Dự thảo Nghị quyết 19 của năm 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh đang được các thành viên Chính phủ xem xét lần cuối trước khi ban hành. Cuộc đua môi trường kinh doanh với ASEAN 4 của Việt Nam tiếp tục. 

Vượt bậc, nhưng chưa bằng mức trung bình của ASEAN 4

Cú bứt phá 9 bậc của Việt Nam trên Bảng tổng sắp Môi trường kinh doanh năm 2016 được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là mạnh nhất kể từ năm 2008 của Việt Nam. Nếu so với các nước ASEAN, đây cũng là bước cải thiện ngoạn mục về thứ hạng trong năm 2016.

Xét cụ thể, Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư tăng hạng nhiều nhất, với 31 bậc, nhờ những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014; Giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc nhờ thực hiện hải quan điện tử và những cải cách về quản lý chuyên ngành…

Chúng ta đã có khá nhiều cải thiện so với năm 2015, nhưng phải thẳng thắn, một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện nhiều cải cách và tiến nhanh hơn Việt Nam.

- bà Nguyễn Minh Thảo CIEM.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí 91/189 nền kinh tế được xếp hạng. Hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4, thậm chí là mức trung bình của ASEAN 6.

Mọi việc đáng lo hơn khi nhìn vào xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2016. Theo đó, Việt Nam đã giảm 4 bậc so với năm trước đó (từ vị trí 56 xuống thứ 60), thấp hơn hầu hết các nước ASEAN, chỉ đứng trên Lào và Campuchia. Sáu nền kinh tế ASEAN xếp hạng trên Việt Nam gồm Singapore (thứ 2), Malaysia (vị trí 25), Thái Lan (vị trí 34), Indonesia (vị trí 41), Philippines (vị trí 57) và Brunei (vị trí 58).

Theo báo cáo về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam giảm 7 bậc so với năm 2015 (từ thứ 52/141 xuống 59/128 quốc gia, với số điểm chỉ đạt 38,3/100 điểm), thấp hơn nhiều nước ASEAN.

“Chúng ta đã có khá nhiều cải thiện so với năm 2015, nhưng phải thẳng thắn, một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện nhiều cải cách và tiến nhanh hơn Việt Nam. Năm 2016, Indonesia tăng 15 bậc và Brunei tăng 25 bậc”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phân tích.

Chìa khóa trong tay các bộ, ngành

Không khó lý giải sự chậm trễ của môi trường kinh doanh Việt Nam trong cuộc đua này. Cách đặt mục tiêu chi tiết của các phiên bản Nghị quyết 19 trong 3 năm qua, kể từ năm 2014 đến nay, khiến những đầu việc làm được, chưa làm được đều hiện rõ.

Nghị quyết 19-2016 xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 83 nhiệm vụ riêng cho các bộ, cơ quan, địa phương. Đến tháng 12/2016, có 35 giải pháp được thực hiện và có kết quả (chiếm tỷ lệ 42,2%); 19 giải pháp đã được thực hiện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng (chiếm 22,9%) và 29 giải pháp chưa được thực hiện (chiếm 34,9%).

Tính chung, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành mới đạt 42%. Nhưng ngay trong số những chỉ tiêu đã đạt, như Chỉ số Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan của Việt Nam đã có thứ hạng tốt trong khu vực (vị trí 24/190), chỉ sau Malaysia (thứ 13) và Singapore (thứ 10), song thời gian thực hiện lại rất dài, tới 166 ngày, cao hơn nhiều so với mức trung bình ASEAN 4 (82 ngày).

Đặc biệt, trong phân tích về những điều chưa thực hiện, bà Thảo cũng nhắc tới tình trạng chung chung trong việc triển khai thực hiện.

“So với những năm trước, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương bám theo các nội dung yêu cầu. Tuy vậy, nhiều nơi báo cáo vẫn còn chung chung, các giải pháp triển khai còn mang tính hình thức, thiếu tính cụ thể, nhắc lại mục tiêu, thay vì thể hiện kết quả thực hiện. Một số địa phương chưa bám sát công việc, như Thanh Hóa, Quảng Bình, Lào Cai, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Trị…”, bà Thảo nói.

Đáng chú ý là, Nghị quyết 19-2016 được ban hành từ ngày 28/4/2016, nhưng phải đến tháng 8/2016, các bản kế hoạch hành động ở nhiều địa phương mới được hoàn tất.

“Trong Dự thảo Nghị quyết 19 năm nay, chúng tôi đề nghị thời điểm ban hành kế hoạch hành động thực hiện phải hoàn thành trước ngày 28/2/2017, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ trong thực hiện cải thiện với từng chỉ số, chỉ tiêu cụ thể được phân công tại các phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết”, bà Thảo nói.

Tin bài liên quan