Mong mỏi cấp thiết

Mong mỏi cấp thiết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xem xét chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tương quan với PMI ngành sản xuất ASEAN của S&P Global mới thấy đáng lo hơn hẳn khi nhìn chỉ số này một cách độc lập.

Trong khi PMI tháng 4 của Việt Nam suy giảm mạnh, chỉ đạt 46,7 điểm so với mức 47,7 điểm trong tháng 3/2023 và lùi sâu hơn mức điểm trung bình, thì PMI ngành sản xuất ASEAN tăng từ 51 điểm lên 52,7 điểm. Dữ liệu PMI ghi nhận tăng trưởng ở 5 trong 7 quốc gia trong khu vực và Thái Lan là quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất, đạt 60,4 điểm. Tại Singapore, PMI toàn phần nằm trên ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong 3 tháng với kết quả 51,9 điểm. Các công ty sản xuất tại Philippines báo cáo tăng trưởng tháng thứ 15 liên tiếp trong tháng 4 với 51,4 điểm...

Trong bối cảnh kinh doanh khá tương đồng của khu vực, sự suy giảm PMI và thứ hạng cuối trong bảng xếp hạng chỉ số này của Việt Nam cho thấy cần nghiêm túc nhìn nhận và xử lý những nút thắt của môi trường kinh doanh trong nước, hơn là trông đợi những thay đổi theo hướng tích cực của diễn biến giao thương và kinh tế - tài chính quốc tế.

Nhìn nhận diễn biến hoạt động của doanh nghiệp cũng thấy rất rõ điều này khi theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm có tới 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ doanh nghiệp khác phải "bán mình" để tránh vỡ nợ, hoặc chọn cách co hẹp sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự.

Đó cũng là lo ngại của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi ông nêu một thực tế là nhiều doanh nghiệp lớn phải bán rẻ tài sản, những gì bán được đã bán với giá bằng nửa giá trị thực…

Trong các cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, là người trong cuộc, bản thân các doanh nghiệp rất đau xót với thực tế này, nhưng không còn cách nào khác khi thanh khoản cạn kiệt với áp lực cần có dòng tiền mới để duy trì hoạt động chồng lên áp lực đáo hạn các khoản vay cũ, nhất là các lô trái phiếu đến hạn trả lãi và gốc.

Theo thống kê, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn sẽ dồn mạnh vào giai đoạn từ tháng 6 - 9/2023, với mức đáo hạn từ 25.000 - 35.000 tỷ đồng/tháng. Riêng tháng 5, lượng trái phiếu đáo hạn là hơn 18.000 tỷ đồng.

Một yếu tố khác là chi phí vốn từ nguồn tín dụng ngân hàng còn ở mức cao, như ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận xét là, “mặt bằng lãi suất huy động giảm từ mức rất cao về mức vẫn còn cao, mặt bằng lãi suất cho vay theo thống kê chưa về mức trước khi nhảy vọt từ cuối năm ngoái”. Chưa kể, dù có chấp nhận lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp cũng cũng không dễ được giải ngân khi chất lượng tài sản thế chấp đã xấu hơn nhiều so với trước đây.

Rõ ràng, như chủ đề Tiêu điểm số báo này đề cập, cần gấp rút “bơm o xy” dòng tiền với chi phí hợp lý cho doanh nghiệp để duy trì và phục hồi sản xuất. Và thực tế, chúng ta vẫn còn dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ để làm điều này khi diễn biến lạm phát ổn định, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 9/5/2023 mới chỉ tăng 2,69% so với cuối năm 2022 và một lượng vốn đầu tư công rất lớn có thể đẩy ra thị trường.

Cuối tuần trước, đã xuất hiện thông tin trên thị trường về việc chuẩn bị có một đợt giảm lãi suất điều hành tiếp theo, nhưng theo nhiều chuyên gia, lãi suất cần phải giảm mạnh mẽ hơn và nhanh chóng tác động từ lãi suất huy động sang lãi suất cho vay, thay vì giảm chậm rãi, dè dặt. Bởi sự chờ đợi của doanh nghiệp và nền kinh tế về một dòng vốn dồi dào và giá hợp lý đang vô cùng cấp thiết.

Tin bài liên quan