Các báo cáo ngoại phân tích về TTCK Việt Nam đang ngày càng ít đi

Các báo cáo ngoại phân tích về TTCK Việt Nam đang ngày càng ít đi

Muôn mặt báo cáo phân tích thị trường

(ĐTCK-online) Tháng 5/2007, các NĐT nội địa đón nhận một báo cáo phân tích chuyên sâu "made in Việt Nam" đầu tiên, nhan đề "Câu chuyện về sự tăng trưởng" do CTCK SSI thực hiện. Kể từ đó, các báo cáo phân tích bắt đầu nở rộ và chưa bao giờ nhiều như hiện nay. Dù nhiều, nhưng chính các chuyên gia và tổ chức công bố báo cáo phân tích luôn nhận được rất nhiều phàn nàn từ phía cộng đồng NĐT. Tại sao?

Kỳ 1: Những nẻo đường chuyên gia phân tích

 

Nhà phân tích, anh là ai?

Xét về nguồn gốc các nhận định thị trường, hiện nay có thể chia nhà phân tích thành 4 nhóm chính, giảm dần theo mức độ ảnh hưởng. Thứ nhất là các chuyên gia, với họ, công việc viết báo cáo là nhiệm vụ thường nhật. Hầu hết số này đang làm việc tại các CTCK, công việc chính là cung cấp cho khách hàng thông tin sâu hơn các nguồn chính thống. Phần lớn báo cáo của CTCK sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật, cập nhật theo sát các diễn biến thị trường mỗi ngày. Không bó hẹp trong phạm vi khách hàng VIP hoặc có trả phí, các báo cáo vẫn được phát tán ra thị trường có chủ ý và nhận lại phản hồi, cả khen lẫn chê. Nhiều trường hợp, người viết nhập nhèm giữa vai trò của một chuyên viên phân tích khách quan với kỳ vọng của một NĐT.

Nhóm thứ hai là những nhà phân tích nước ngoài. Họ đến từ các quỹ đầu tư, định chế tài chính lớn như HSBC, Merrill Lynch, Nomura… Báo cáo thường chỉ phục vụ cho một nhóm khách hàng thân thiết, không chủ ý phát tán rộng, nhưng bằng cách này cách khác vẫn xuất hiện trên thị trường. Phần lớn báo cáo tiếp cận thị trường theo quan điểm mang tính dài hạn, xem xét vấn đề dựa trên các yếu tố cơ bản. Điểm mạnh của các báo cáo là tính phản biện và nhận định độc lập, nhưng lại thường thiếu sót lớn về mức độ cập nhật cũng như sự am tường thị trường địa phương. Gần đây, sự quan tâm của cộng đồng NĐT nội địa với các báo cáo ngoại giảm xuống do nhiều lần các nhận định tỏ ra thiếu cơ sở. Một phần, các báo cáo về TTCK Việt Nam loại này ngày càng thưa dần.

Nhóm thứ ba là nhóm các nhà phân tích độc lập trong nước. Khả năng trục lợi hay hưởng lợi ích trực tiếp từ các khuyến nghị của họ không phải không có nhưng khá thấp. Với cá nhân, thường là các học giả mà môi trường làm việc gắn với lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Các quan điểm của họ đưa ra hầu hết có tính phản biện về một vấn đề "nóng" nào đó trên thị trường. Với các tổ chức độc lập như Vietstock, Stox+, việc xuất bản các ẩn phẩm phân tích thường chỉ là một phần của công việc chính cung cấp dịch vụ dữ liệu chứng khoán. Các ý kiến phân tích của tổ chức độc lập như VAFI cũng khiến thị trường thêm phong phú với nhiều luồng quan điểm.

Và nhóm cuối cùng, các cây viết về kinh tế, chứng khoán. Khi thực hiện vai trò cầu nối thông tin trung gian, báo giới phải dựa vào ý kiến chuyên gia hoặc CTCK. Vô tình xuất hiện các bài viết mang tính định hướng, phân tích thị trường, đôi khi bắt nguồn từ chủ quan cá nhân người viết. Với các "nhà phân tích bất đắc dĩ", thách thức lớn nhất luôn là năng lực nắm bắt vấn đề và khả năng xử lý thông tin cân bằng.

 

Điều khó nói của CTCK

Thực tế, nhóm thứ nhất đang bị phàn nàn nhiều nhất. Trong lúc trà dư tửu hậu, giám đốc môi giới của một CTCK thuộc khối ngân hàng thương mại cổ phần đã hồn nhiên khoe với người viết bài về việc vừa được công ty bổ nhiệm chức danh kinh tế gia trưởng. Đây là một sinh viên kinh tế vừa mới ra trường. Trải nghiệm thực tế chỉ là con số 0, hạn chế trong các mối quan hệ nên phần nhận định vĩ mô của “thuyền trưởng” này y hệt các đầu báo kinh tế uy tín(!) Đầu tháng 6, giới đầu tư còn phát hiện ra báo cáo phân tích của hai CTCK là Ocean Securities và VISecurities có những nét tương đồng đến đáng ngờ, phần bình luận giống nhau cả những lỗi chính tả (?)

Ngoại trừ báo cáo phân tích của một số CTCK lớn, bản tin của các CTCK hiện nay khá đơn điệu, phần lớn các tin tức chỉ mang tính tổng hợp và không có quan điểm hay quan điểm có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Rất ít báo cáo thể hiện một tầm nhìn dài hạn hay xuất hiện các thông tin ngầm cắt nghĩa các cội nguồn biến động của thị trường. Không thể đòi hỏi chất lượng cao ở các sản phẩm miễn phí, nhưng sự nghèo nàn, đơn điệu xuất phát từ lý do khó nói của nhiều CTCK nhỏ: chất lượng chuyên gia phân tích.

Đầu năm nay, sau khi dẫn các NĐT châu Âu viếng thăm CTCP Đầu tư và phát triển KCN Sông Đà- Sudico (SJS), chuyên viên phân tích của CTCK Mê Kông đã khuyến nghị khách hàng bán ra cổ phiếu SJS. Lý do, theo Mê Kông là công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) tại Sudico còn yếu, những người có trách nhiệm không trả lời rõ những câu hỏi liên quan đến vấn đề tài chính. Để đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ này, người viết thú nhận rằng, Mê Kông hoàn toàn không bị áp lực của tự doanh. Nếu lướt qua các diễn đàn chứng khoán, đây đó vẫn xuất hiện sự nghi ngờ về việc CTCK X, Y "vừa đá bóng vừa thổi còi" đẩy giá một vài mã cổ phiếu. Dù cuối các báo cáo luôn có các điều khoản miễn trừ trách nhiệm, nhưng hiện nay dường như đang có quá nhiều nhà thông thái vô trách nhiệm. Quan điểm định hướng đầu tư xuất hiện bừa bãi khiến giới đầu tư có lý do phàn nàn.

Trên thị trường hiện nay không hiếm trường hợp xuất hiện 3 loại báo cáo phân tích của CTCK lớn viết về cùng một công ty. Báo cáo thứ nhất là các thông tin "nóng" xuất hiện ngay sau 1 - 2 ngày các chuyến viếng thăm công ty, chỉ dùng để tham khảo nội bộ. Sau 1 - 2 tuần tin tức được xử lý lại thành báo cáo gửi riêng cho các nhà đầu tư tổ chức, hiếm hoi mới bị phát tán ra bên ngoài. Khi báo cáo công bố rộng rãi ra thị trường, các thông tin nhạy cảm, có giá trị sẽ được lược bỏ. Dù không CTCK lớn nào thừa nhận việc phân biệt đối xử các tầng nấc nhận báo cáo, nhưng "tiền nào của nấy" là câu thành ngữ thích hợp trong hoàn cảnh này.

 

Kỳ 2: Chuyên gia ngoại ở TTCK Việt Nam