Mỹ đánh giá thỏa thuận hạt nhân đã “ở gần”, Iran bày tỏ thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
Thư ký báo chí Nhà Trắng nhấn mạnh các bên đã “gần” đạt được thỏa thuận, trong khi đó Lãnh tụ Tối cao Iran tuyên bố sẽ không từ bỏ sự hiện diện tại khu vực và chương trình hạt nhân vì hòa bình.
Quang cảnh vòng đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 27/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quang cảnh vòng đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 27/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/3, Nhà Trắng khẳng định rằng Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận ngoại giao với Iran nhằm đạt được thỏa thuận về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân - tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh quan điểm của Mỹ là các bên đã “gần” đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên bà Psaki cũng cảnh báo: “Phần cuối của các cuộc đàm phán bao giờ cũng là lúc diễn ra các giai đoạn thảo luận khó khăn và thách thức nhất.”

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết một thỏa thuận hạt nhân "tốt và bền vững" đang ở trong tầm với "nếu Mỹ hành động thực tế và nhất quán."

Trên Twitter, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian viết: "Không bên nào có thể hủy hoại chấm dứt kết quả, cần một nỗ lực chung."

Trong khi đó, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 10/3 tuyên bố nước Cộng hoà Hồi giáo sẽ không từ bỏ sự hiện diện tại khu vực và chương trình hạt nhân vì hoà bình.

Phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Chuyên gia, ông Khamenei cho biết sự hiện diện tại khu vực giúp Iran nâng cao sức mạnh quốc gia và chiều sâu chiến lược của đất nước, trong khi tiến bộ khoa học hạt nhân gắn liền với khả năng đáp ứng nhu cầu trong tương lai gần.

Do vậy, để duy trì độc lập dân tộc trong tương lai thì không được từ bỏ bất cứ yếu tố nào trong đó.

Ông Khamenei nhấn mạnh việc chấp nhận các đòi hỏi quá đáng của Mỹ hoặc bất cứ nước nào khác nhằm hy vọng không bị cấm vận là một sai lầm lớn và là một đòn giáng vào sức mạnh chính trị của quốc gia.

Tin bài liên quan