Ông Đào Lê Minh.

Ông Đào Lê Minh.

Nâng cao tâm và tầm nhân sự ngành chứng khoán

(ĐTCK) Thực tế TTCK năm 2008 cho thấy yêu cầu cần nâng cao tâm và tầm của nhân sự ngành chứng khoán. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Đào Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC) về việc phát triển TTCK dưới góc độ con người.

Nửa cuối năm 2007 xuất hiện tình trạng thiếu trầm trọng người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán (CCHN), nhưng nửa cuối năm 2008 thì tình hình đã bớt căng thẳng hơn. Thị trường trầm lắng khiến nhu cầu nhân sự giảm sút hay do công tác đào tạo đã được đa dạng hoá, thưa ông?

Quả thực, năm 2007 tình trạng thiếu người có CCHN đã xảy ra, mặc dù SRTC đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho hơn 36.000 học viên trên cả hai miền.

Dù TTCK đã trải qua không ít khó khăn, nhưng tính đến hết năm 2008, Trung  tâm vẫn thu hút được nhiều học viên mới, với tổng số người được cấp chứng chỉ gần 12.100 học viên.

Điều thứ hai là, số lượng học viên người nước ngoài tham gia học tại Trung tâm cũng ngày một nhiều hơn, 44 học viên trong năm 2008 và khoảng 20 học viên năm 2007, các năm trước chỉ có một vài người hoặc không có.

Điều thứ ba là, SRTC đã tăng cường việc phối hợp với các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài như Đại học Monash (Úc), Hãng tin Bloomberg (Mỹ), Viện Chứng khoán và Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (Úc)… trong việc nâng cao chất lượng đào tạo…

Một số ý kiến cho rằng, nội dung giảng dạy vẫn còn sơ sài, vì thực tế, nhiều NĐT sau khi học xong vẫn không thể phân tích dự báo về một cổ phiếu. Liệu điều này có thay đổi trong năm tới?

Thực ra, chứng khoán và TTCK vẫn là một ngành rất mới tại nước ta. Ngay từ lúc xây dựng thị trường, chúng tôi đã xây dựng một bộ giáo trình dành cho cả người quản lý, tác nghiệp, NĐT và cả công chúng, nên trong quá trình giảng dạy đã xảy ra nhiều bất cập. Người cần thì thấy nó quá sơ sài, người không có kiến thức thì lại không hiểu… Do vậy, bộ chứng chỉ mới (7 chương trình học) đã được xây dựng, được áp dụng vào tháng 1/2009 chủ yếu dành cho người hành nghề. Song song đó, Trung tâm cũng đang gấp rút chuẩn bị các loại chương trình giáo dục phổ cập cho công chúng đầu tư (investor education).

Quy chế người hành nghề chứng khoán  có hiệu lực từ tháng 4/2008, vậy công tác chuẩn bị của SRTC cho đào tạo ttheo quy định mới đã được chuẩn bị đến đâu? Khi nào thì chính thức áp dụng, thưa ông?

Thực hiện Quyết định số 15/2008/QĐ-BTC ngày 27/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Quy chế hành nghề chứng khoán và ý kiến chỉ đạo của UBCK, từ tháng 1/2009 này, Trung tâm thực hiện áp dụng 7 chương trình đào tạo mới. 

Thực tiễn TTCK năm 2007, 2008 cho thấy, bên cạnh việc đáp ứng những yêu cầu về đào tạo theo quy định, việc nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ hành nghề chứng khoán, quản trị rủi ro và đạo đức nghề nghiệp là một trong những vấn đề bức thiết. Cải thiện những vấn đề trên có phải là định hướng của Trung tâm?

Trước đây, SRTC đã tổ chức các khóa học, hội thảo ngắn về các các vấn đề lớn mà thị trường quan tâm.

Trong thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh việc đào tạo cho người hành nghề theo bộ chứng chỉ mới. Những người hành nghề, tùy theo nguyện vọng đăng ký mà chọn một loại giấy phép hành nghề cho phù hợp. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang gấp rút và đưa vào giảng dạy bộ giáo trình về quản trị công ty.

Hiện nay, Trung tâm có một bộ phận chuyên về phân tích, nghiên cứu thị trường. Căn cứ và yêu cầu của thị trường và các kết quả phân tích và nghiên cứu của bộ phận này, SRTC sẽ không chỉ tiếp tục tăng cường, cập nhật các kiến thức chuyên môn cho đội ngũ hành nghề chứng khoán mà còn phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường nhận thức về đạo đức của người kinh doanh chứng khoán.

Yêu cầu đại chúng hóa hơn nữa công chúng đầu tư là điều mà gần đây chúng ta nhắc đến như một yếu tố đảm bảo sự thành công cho TTCK. Vậy, SRTC đã và sẽ làm gì để nâng cao tính đại chúng và phổ cập kiến thức cho NĐT?

Công tác tuyên truyền và phổ cập kiến thức cho cho công chúng là một trong các nhiệm vụ UBCK giao cho Trung tâm. Trong thời gian qua, SRTC đã tổ chức rất nhiều hội nghị/lớp (trung bình trên 10 hội nghị, lớp/năm) cho mọi đối tượng... Trong thời gian tới, để công tác này có hiệu quả hơn, chúng tôi cho rằng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các các tổ chức tham gia trên TTCK, các phương tiện truyền thông.