Năng lượng tái tạo: Tiềm năng kinh tế to lớn của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Mức tiêu thụ điện tại Việt Nam tăng bình quân khoảng 10% mỗi năm, nhanh hơn đáng kể so với GDP cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu điện và đầu tư khổng lồ.
Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió

Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió

Tuy nhiên, sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu cũng như biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu để vận hành hệ thống điện chính là động lực thúc đẩy chính phủ chuyển hướng phát triển năng lượng tái tạo.

Vào tháng 11/2021, các thành viên Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phải dần loại bỏ các nhà máy than và nâng cấp hệ thống lưới điện quốc gia.

Tình hình thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay

Tính đến cuối năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.

Cụ thể, về điện gió, Việt Nam có 70 dự án với tổng công suất đạt 3.987 MW đã đưa vào vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất đạt 3,34 tỷ kWh trong năm 2021, tương đương 1,3% sản lượng toàn hệ thống. Về điện mặt trời, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021.

Trong những năm gần đây, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI và đầu tư tư nhân trong những. Trong năm 2021, việc thu hút được nhiều dự án mới và quy mô lớn với 5,7 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng vốn đầu tư đăng ký đã giúp ngành sản xuất và phân phối điện xếp thứ 2 trong số các ngành thu hút FDI.

Hàng tỷ USD được rót vào các dự án điện mặt trời và điện gió cho thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

Quang điện mặt trời của Việt Nam gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ và đây chỉ là bước đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước khỏi nhiên liệu than đá. Công suất điện mặt trời cả nước tăng nhanh từ 86 MW vào năm 2018 lên gần 16.500 MW năm 2020. Điện mặt trời áp mái cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng công suất điện mặt trời tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia ASEAN có công suất lắp điện mặt trời lớn nhất.

Lĩnh vực điện gió được xem như “ngôi sao đang lên” của ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam. Với 8,6% diện tích đất và nước phù hợp cho các trang trại điện gió lớn, Việt Nam mang lại tiềm năng và những cơ hội đầu tư khổng lồ. Đến cuối tháng 10/2021, có 84 trong 106 dự án điện gió đã được đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 3.980.265 MW.

Điện gió ngoài khơi có tiềm năng thậm chí còn lớn hơn so với điện gió đất liền. Theo báo cáo “Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi dành cho Việt Nam” của World Bank, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi có thể tăng từ 1 GW lên đến 5 – 19 GW, trong khi công suất điện gió đất liền có thể tăng từ 1,26 GW lên 17,34 GW.

Theo các chuyên gia quốc tế, nếu tiếp tục mở rộng ngành năng lượng tái tạo, thì Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt vị trí cao hơn trên thị trường, thậm chí có thể vượt qua các quốc gia như Úc hay Ý về các giải pháp đổi mới và phát triển năng lượng tái tạo.

Động lực và thách thức đối với ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Có nhiều yếu tố thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Đầu tiên là mức tiêu thụ điện trong nước cao. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Việt Nam là quốc gia sử dụng điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng tại Việt Nam nói chung hay năng lượng tái tạo nói riêng.

Thứ hai, Việt Nam có nhiều tiềm năng địa lý tự nhiên rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Theo các nhà phân tích quốc tế, Việt Nam là một trong những nước có số giờ nắng cao nhất châu Á (trung bình 1.500 đến 1.700 giờ mỗi năm), đặc biệt là ở khu vực miền nam, nơi tập trung phần lớn các khu sản xuất trong nước. Cường độ bức xạ mặt trời cũng không thay đổi đáng kể trong năm.

Ngoài ra, nhờ địa hình dài và hẹp gồm 3.000 km đường bờ biển và hệ thống đồi núi đa dạng, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên gió đáng kể. Theo World Bank, 39% diện tích đất nước có vận tốc gió hơn 6 mét/giây ở độ cao 65 mét, tương đương công suất 512 GW.

Cuối cùng, những hỗ trợ đến từ chính phủ bao gồm các ưu đãi thuế và áp dụng cơ chế giá hỗ trợ mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo (feed-in tariffs – FiTs) cũng góp phần lớn vào sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Các dự án năng lượng tái tạo được miễn thuế nhập khẩu đối với tài sản cố định nhập khẩu và vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được. Doanh nghiệp đầu tư cũng được hưởng các ưu đãi đáng kể về thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm (thay vì thuế suất thông thường là 20%); miễn thuế bốn năm; và chín năm giảm 50% thuế. Ngoài ra, các ưu đãi khác như cho vay tín dụng ưu đãi, miễn hay giảm thuế sử dụng đất và cho thuê đất cũng được áp dụng cho các dự án.

Chính phủ Việt Nam cũng áp dụng cơ chế giá FiTs nhằm hỗ trợ đầu tư năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Giá FiT hấp dẫn là một trong những yếu tố chính tạo ra sự bùng nổ trong việc lắp đặt điện mặt trời. Cơ chế giá FiT dành cho điện gió ít mang lại hiệu quả tức thời như giá FiT điện mặt trời do các dự án năng lượng mặt trời có thể triển khai dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, chính phủ vẫn có những động thái hỗ trợ các nhà đầu tư điện gió. Nhiều dự án điện gió bị trì hoãn trong năm 2021 do đại dịch Covid-19 và không thể hoàn thành trước thời hạn hưởng giá FiT vào cuối tháng 10/2021. Dù chưa có thông báo hay quyết định chính thức nào, chính phủ đã đề xuất và đưa ra dự thảo lùi thời hạn xuống cuối năm 2023.

Tuy nhiên, do năng lượng tái tạo vẫn được coi là một ngành công nghiệp non trẻ tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều gặp phải một số khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực này. Mức giá FiT áp dụng đồng đều trên cả nước dẫn đến hiện tượng tập trung phát triển ở những vùng có tiềm năng kinh tế cao (bức xạ mặt trời cao hay tốc độ gió trung bình cao) và gây quá tải lưới điện ở một số khu vực, hoặc đầu tư vào những khu vực nhu cầu sử dụng năng lượng thấp, đòi hỏi điện được tải từ xa. Việc áp lực đầu tư không đồng đều cũng dẫn đến cạnh tranh về đất đai.

Để khắc phục khó khăn này, Chính phủ phải có các chiến lược và chính sách dài hạn mạnh mẽ hơn để kích thích tăng trưởng hiệu quả cho ngành năng lượng tái tạo theo địa phương.

Tin bài liên quan