Nga cắt giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến và cảnh báo về suy thoái kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng trung ương của Nga đã cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự báo và chỉ ra rằng chi phí đi vay có thể còn giảm xuống thấp hơn trong bối cảnh các ưu tiên chuyển sang hỗ trợ một nền kinh tế bị trật bánh bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.
Nga cắt giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến và cảnh báo về suy thoái kinh tế

Theo đó, ngân hàng Trung ương Nga đã hạ lãi suất từ 17% xuống 14%. Hầu hết các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát đều dự đoán mức giảm xuống còn 15%. Trong khi đó các nhà hoạch định chính sách cảnh báo nền kinh tế có thể đối mặt với hai năm suy thoái liên tiếp.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết trong một tuyên bố rằng họ thấy khả năng lãi suất sẽ giảm hơn nữa trong năm nay nếu tình hình nền kinh tế phát triển phù hợp với triển vọng cơ bản của nó.

“Với rủi ro về giá cả và ổn định tài chính không còn gia tăng, các điều kiện đã cho phép giảm lãi suất. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tính đến nhu cầu chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế và sẽ đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu vào năm 2024”, ngân hàng Trung ương Nga cho biết.

Khi quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất thế giới phải đối mặt với một cuộc suy thoái sâu, Ngân hàng Trung ương Nga đang nắm bắt thời điểm khi lạm phát bắt đầu ổn định và đồng rúp đã bù đắp những tổn thất mà nó phải gánh chịu sau khi xung đột leo thang. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết hôm thứ Sáu (29/4) rằng một loại tiền tệ mạnh hơn cùng với hoạt động tiêu dùng yếu đã giúp đưa ra quyết định hạ lãi suất.

“Động thái tỷ giá hối đoái của đồng rúp sẽ vẫn là một yếu tố có ý nghĩa định hình đường đi của lạm phát và kỳ vọng lạm phát. Môi trường bên ngoài đối với nền kinh tế Nga vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế đáng kể hoạt động kinh tế”, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra những dự báo mới vào thứ Sáu (29/4) cho thấy tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nga có thể giảm 8% - 10% trong năm nay trong khi lạm phát dự kiến ​​sẽ đạt 18% - 23% vào cuối năm nay.

Chi phí đi vay rẻ hơn sẽ bổ sung cho một loạt các biện pháp khác của Ngân hàng Trung ương Nga sau khi báo hiệu rằng ngân hàng này sẽ không chống lại lạm phát “bằng bất kỳ giá nào”. Thống đốc Elvira Nabiullina cảnh báo rằng Nga đang bước vào một thời kỳ chuyển đổi vì các biện pháp trừng phạt được áp dụng sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tước đoạt nhiều linh kiện nhập khẩu của các doanh nghiệp.

“Với việc siết chặt thị trường vốn, Ngân hàng Trung ương Nga đang vội vàng để giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế. Tâm lý mong manh và lạm phát cao sẽ hạn chế việc ngân hàng có thể cắt giảm thêm bao nhiêu, nhưng chờ đợi cũng chẳng ích lợi gì”, Scott Johnson, nhà kinh tế học người Nga của Bloomberg Economics cho biết.

Khó khăn kinh tế sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tháng tới và tạo tiền đề cho một trong những cuộc suy thoái sâu sắc nhất trong lịch sử hiện đại của Nga. Mặc dù lạm phát ngắn hạn có giảm nhưng tốc độ tăng giá trên cơ sở hàng năm có thể sẽ đạt mức 20% trong quý này.

Tuy nhiên, các ngân hàng đã trở lại thặng dư thanh khoản và đồng rúp tăng giá, phần lớn nhờ vào giá hàng hóa cao hơn và các biện pháp kiểm soát vốn. Đồng tiền của Nga đã tăng gần 14% so với đồng đô la trong tháng này.

Bên cạnh “niềm tin ngày càng tăng ở ngân hàng trung ương rằng đồng rúp sẽ tương đối ổn định”, quyết định bất ngờ này còn phản ánh triển vọng ảm đạm mà nền kinh tế Nga phải đối mặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt cho đến nay, với nhiều biện pháp hơn đến từ cả Mỹ”, Piotr Matys, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại InTouch Capital Markets cho biết.

Theo ngân hàng trung ương, thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến đạt 145 tỷ USD trong năm nay do nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu và do giá năng lượng cao hơn, điều này đang giúp hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, rủi ro lạm phát “vẫn còn đáng kể” và việc giảm tốc độ tăng giá sẽ phụ thuộc phần lớn vào thành công của Nga trong việc thích ứng với các lệnh trừng phạt và thay thế các sản phẩm nhập khẩu không còn sẵn có.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết: “Các công ty đang gặp khó khăn đáng kể trong sản xuất và hậu cần với khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp chính nhập khẩu bị cắt đứt. Sự chuyển dịch sang các thị trường mới cho xuất khẩu và nhập khẩu sẽ tiến hành dần dần”.

Tin bài liên quan