Cổ phiếu LPB đã chính thức giao dịch trên HOSE từ ngày 9/11/2020

Cổ phiếu LPB đã chính thức giao dịch trên HOSE từ ngày 9/11/2020

Ngân hàng chuyển sàn, mũi tên trúng nhiều đích

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) 4/5 ngân hàng đang giao dịch tại HNX, UPCoM đồng loạt đăng ký chuyển giao dịch cổ phiếu sang HOSE trong những tháng cuối năm. Động thái này được cho là “một mũi tên trúng nhiều đích” của các ngân hàng.

Cơ hội tìm được nhà đầu tư tiềm lực mạnh

Cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế đã chính thức giao dịch trên sàn HOSE vào đầu tuần trước.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, niêm yết cổ phiếu LPB trên HOSE là một trong những động thái góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của LienVietPostBank trên thị trường, đồng thời giúp nâng cao thanh khoản của cổ phiếu cũng như năng lực tài chính để tạo ra sự đột phá trong kinh doanh.

“Đối với LienVietPostBank, việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE đem lại cơ hội tiếp cận với nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh trong và ngoài nước, tăng khả năng huy động vốn cho Ngân hàng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai”, ông Sơn nói.

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB là 20% trong khi theo quy định tỷ lệ này tối đa là 30%, cho nên VIB còn 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài

Theo ông Vũ, hiện có nhiều đề xuất về việc nới room ngoại cho các ngân hàng để vừa tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoài, vừa giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính. Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ tạo thuận lợi, cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 49% vốn điều lệ tại 2 ngân hàng cổ phần của Việt Nam.

Về phía VIB, trước khi công bố kế hoạch chuyển sàn, cổ phiếu VIB đã nhận được nhiều sự quan tâm của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế với mong muốn được đầu tư dài hạn khi đánh giá cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng quản trị rủi ro của Ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư trực tiếp đặt vấn đề với Ban lãnh đạo VIB về việc đầu tư trực tiếp vào Ngân hàng thông qua các đợt tăng vốn.

“Chúng tôi chưa có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn cho các nhà đầu tư mới trong năm nay. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài, chúng tôi sẽ chào đón các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu VIB trong thời gian tới”, ông Vũ nói.

Lọt vào “mắt xanh” quỹ ngoại

Các cổ đông của ACB đã thông qua kế hoạch tăng vốn bằng hình thức trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10:3. Mức vốn hóa cao là một trong những điều kiện để cổ phiếu được đưa vào các rổ chỉ số chứng khoán chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Thực tế, việc có tên trong các chỉ số này mang lại nhiều lợi ích, nổi bật nhất là có thể cải thiện đáng kể tính thanh khoản của cổ phiếu cũng như khả năng hút vốn ngoại, bởi các quỹ ETF sẽ tập trung mua bán chứng chỉ quỹ của họ dựa trên các cổ phiếu nằm trong những rổ chỉ số này.

Bởi vậy, sau khi tăng vốn và chuyển sang HOSE, cổ phiếu ACB được kỳ vọng sẽ lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%), VNFINLEAD (12%)…

Hiện tại, mã ACB chiếm tỷ trọng thứ hai trong danh mục của Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited - VEIL (đạt 9% giá trị tài sản ròng của Quỹ). Theo quỹ này, tỷ lệ premium khi giao dịch thỏa thuận cổ phiếu ACB ngoài sàn giữa các nhà đầu tư ngoại cao hơn 10% so với thị giá trên sàn và đứng thứ ba trên thị trường chứng khoán, sau MWG (45%) và FPT (20%).

Với SHB, 2020 là năm ngân hàng này kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án xử lý các tồn đọng sau nhận sáp nhập Habubank (từ 2016-2020) và mở ra giai đoạn phát triển mới. Đáng chú ý, SHB đã trình cổ đông thông qua việc thoái vốn tại Công ty Tài chính MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài

Do vậy, quyết định “chuyển nhà” sang HOSE trong thời điểm này sẽ giúp SHB “đẩy mạnh hình ảnh” tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và kết nối thị trường quốc tế qua chính nhà đầu tư này.

Đón đầu cơ hội mới

Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được xếp hạng thị trường cận biên, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì sẽ là một “cú hích” lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho các công ty niêm yết nói riêng. Bởi khi nâng hạng, Việt Nam sẽ có chỉ số FTSE Vietnam Index nằm trong hệ thống của chỉ số FTSE Emerging Markets Index và tất nhiên, các quỹ ETF dù muốn hay không cũng sẽ phải phân bổ vốn cho thị trường Việt Nam.

Do đó, Chính phủ đang rất quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc tại Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi (đã được Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) để thị trường sớm được nâng hạng.

Những thay đổi trong các dự luật trên sẽ góp phần gỡ nút thắt về tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại) đã tồn tại bấy lâu nay và là một trong những rào cản chính đối với việc nâng hạng thị trường. Pháp luật hiện hành quy định room ngoại của công ty đại chúng tham gia các ngành kinh doanh không có điều kiện ở mức 49%, nhưng tỷ lệ này có thể tăng lên mức tối đa 100% sau khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua và cơ quan quản lý phê duyệt.

Song song với đó, Việt Nam cũng đang phối hợp với đối tác Hàn Quốc để triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ góp phần triển khai thành công các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về hay các sản phẩm phái sinh mới… nhằm tăng số lượng hàng hóa cũng như tính thanh khoản thông qua việc thu hút nhiều hơn dòng tiền trong và ngoài nước đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một câu chuyện đáng chú ý khác là Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam dựa trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhằm thống nhất lại thị trường chứng khoán Việt Nam đã được phê duyệt.

Lộ trình thực hiện gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2019-2020), tiếp tục duy trì hoạt động như hiện nay tại HNX, HOSE; thống nhất tổ chức hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của HNX, HOSE và hoàn chỉnh dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin; giai đoạn 2 (2021-2023), thực hiện phân đoạn các thị trường. Trong giai đoạn này, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về HOSE quản lý, còn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh.

Ngoài ra, Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019 yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong năm 2020 để đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường.

Bởi vậy, việc niêm yết trên HOSE lúc này không chỉ đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, mà còn giúp các ngân hàng có thêm thời gian chuẩn bị để đón đầu cơ hội mới, như ông Phạm Doãn Sơn đã nói tại lễ niêm yết cổ phiếu LPB: “Chúng tôi hiểu rằng việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE ngày hôm nay chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường mới của LienVietPostBank”.

Tin bài liên quan