Đòi hỏi ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động không giảm thêm là khó khả thi.
Khi “cả làng” đòi giảm lãi suất
Covid-19 đang tàn phá sức chống chịu của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp các ngành hàng như vận tải, du lịch, khách sạn… đã đưa ra đề xuất ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay lãi suất 2-3%/năm.
Thế nhưng, vừa qua, không chỉ các doanh nghiệp thua lỗ nặng nề do Covid-19, mà ngay cả doanh nghiệp có lãi cũng đòi ngân hàng giảm lãi suất.
Cập nhật kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quý II/2021 do FiinGroup thực hiện cho thấy, nhiều ngành hàng đang kinh doanh có lãi. Cụ thể, lãi sau thuế quý II/2021 của khối ngân hàng niêm yết tăng 41%; của khối doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu tăng gần 76%; của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tăng 27,3%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ngành may mặc tăng 141%, của doanh nghiệp thủy sản tăng gần 26%, của doanh nghiệp chăn nuôi tăng tới 1.549%, của doanh nghiệp viễn thông tăng 310%, của doanh nghiệp công nghệ thông tin tăng 18,3%...
Mặc dù doanh nghiệp bất động sản đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất cao, song mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vẫn đề xuất ngân hàng giảm 2% lãi suất cho vay với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Một trường hợp cũng gây xôn xao tuần qua là một doanh nghiệp thủy sản “dỗi” ngân hàng vì giảm lãi suất cho vay quá ít. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng lợi nhuận 15% trong nửa đầu năm.
Nói một cách công bằng, hơn một năm qua, tốc độ giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng chậm hơn lãi suất huy động. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất với các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 của các ngân hàng còn khá chậm. Thế nhưng, đòi hỏi ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động không giảm thêm là khó khả thi.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho hay, tổng dư nợ của Sacombank hiện nay khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu giảm lãi suất cho vay 1% trong vòng 5-6 tháng, Ngân hàng sẽ giảm trên 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch. Mức giảm lớn như vậy khó có thể được cổ đông chấp thuận. Chính vì vậy, ông Tuệ cho hay, Sacombank sẽ chỉ giảm đối với những khách hàng thực sự khó khăn.
Tương tự, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB cũng cho rằng, MB có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt trong 6 tháng đầu năm. Vì vậy, ngân hàng sẽ tùy tệp khách hàng của mình, lựa chọn doanh nghiệp gặp khó khăn để có chính sách hỗ trợ phù hợp, không thể giảm lãi suất cào bằng.
Đẹp lòng cổ đông hay trần trụi dự phòng?
Lợi nhuận ngân hàng đang làm đẹp lòng cổ đông và cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp muốn ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, một phần khá lớn lợi nhuận ngân hàng đang là lợi nhuận ảo. Theo chuyên gia này, nếu “trần trụi” nợ xấu, trích lập dự phòng một cách sòng phẳng, thì nhiều ngân hàng sẽ chuyển lãi thành lỗ.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng 6 tháng đầu năm cho thấy, lãi dự thu của nhiều ngân hàng tăng mạnh. Lãi dự thu đã góp một phần làm đẹp lợi nhuận ngân hàng, nhưng Covid-19 đang diễn biến căng thẳng, nhiều khoản “dự thu” có nguy cơ biến thành nợ xấu. Khi đó, ngân hàng vừa hụt dự thu, vừa phải tăng trích lập dự phòng.
Thực tế, nửa đầu năm nay, động lực tăng trưởng của nhiều ngân hàng không phải đến từ kinh doanh, mà nhờ giảm trích lập dự phòng. Chính vì vậy, nếu dự phòng rủi ro đầy đủ, ngân hàng có thể sẽ không lãi lớn như hiện nay.
“Có thể trước mắt, trên bảng cân đối kế toán ngân hàng vẫn thấy lãi, nhưng cuối năm, chắc chắn sẽ rất khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu rất cao. Khi đó, lợi nhuận sẽ giảm mạnh do phải trích dự phòng rủi ro...”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định.
Trong bối cảnh hiện nay, dù ngân hàng lãi khá lớn, song trước mắt, chỉ doanh nghiệp trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 mới có thể trông chờ được ngân hàng giảm lãi suất.
Điều mà cơ quan quản lý có thể giúp doanh nghiệp là giám sát để việc giảm lãi suất này không chỉ diễn ra “cho có”. Những ngân hàng thương mại đã cam kết giảm lãi suất với Ngân hàng Nhà nước là phải giảm thực chất. Đồng thời, cần giám sát để các doanh nghiệp khó khăn thực sự được tiếp cận chính sách giảm lãi suất, cơ cấu nợ, chứ không chỉ doanh nghiệp “sân sau” của ngân hàng mới được hưởng chính sách này.
Còn trên mặt bằng chung, trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn ở mức 3,5-6%/năm như hiện nay, đề xuất của doanh nghiệp về việc cho vay với lãi suất 2-3%/năm hoặc giảm lãi suất 2% áp dụng với tất cả doanh nghiệp là không khả thi.
Với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, bên cạnh giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng như hiện tại, Chính phủ nên nghiên cứu một gói tín dụng hỗ trợ cấp bù lãi suất. Tuy nhiên, gói tín dụng cũng chỉ có quy mô 50.000-60.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm, nhắm vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Điều kiện vay phải khắt khe, đúng đối tượng, không cào bằng, tránh hiện tượng lợi dụng chính sách như đã từng diễn ra trước đây.
Giảm lãi suất điều hành là chưa thích hợp
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung, mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định, tương đối phù hợp với diễn biến thực tế. Việc duy trì lãi suất tiền gửi như hiện nay là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Hơn nữa, trong điều kiện thực tế hiện nay, vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại, hay đúng hơn thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất dồi dào, thể hiện qua lãi suất thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp. Chưa kể, cầu tín dụng của nền kinh tế chưa tăng cao trong thời điểm giãn cách xã hội. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy việc giảm lãi suất điều hành là chưa thích hợp.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước