Ngân hàng Nhà nước tung chiêu, nhà băng rục rịch hạ lãi vay

0:00 / 0:00
0:00
Một loạt ngân hàng thương mại công bố hạ sâu lãi suất cho vay mua nhà năm đầu, sau khi quy định cho phép vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.
TPBank áp dụng lãi suất cho vay mua bất động sản chỉ từ 6,9%/năm. Ảnh: Đức Thanh

TPBank áp dụng lãi suất cho vay mua bất động sản chỉ từ 6,9%/năm. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng đua giảm lãi vay mua nhà

Vay 6 tỷ đồng tại một ngân hàng để mua chung cư từ năm 2022, sắp kết thúc thời gian ân hạn, chị Nguyễn Thúy (Hà Nội) được Ngân hàng này báo lãi suất cho vay thả nổi sau thời gian ân hạn khoảng 10,5 - 11%/năm. Không hài lòng với mức lãi suất này, chị sang Vietcombank hỏi vay và được báo lãi suất cho vay 7,5%/năm áp dụng năm đầu tiên, các năm sau lãi suất thả nổi.

Thấy lãi suất hợp lý, chị Thúy quyết định tất toán hợp đồng vay của ngân hàng nọ để chuyển sang Vietcombank. Tuy vậy, khi làm thủ tục tất toán, chị được nhân viên của chính ngân hàng này mời chào nếu tất toán hợp đồng cũ và làm lại hợp đồng vay mới, lãi suất khoản vay của chị chỉ còn 7,8%/năm áp dụng năm đầu tiên, sau đó thả nổi. Sau khi cân nhắc, chị chọn vay Vietcombank bởi lãi suất ưu đãi hơn và thủ tục không quá khó khăn như tưởng tượng trước đó.

Tương tự chị Thúy, nhiều khách hàng cũng có nhu cầu chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác có lãi suất ưu đãi hơn. Tuy nhiên, thay vì hướng dẫn khách hàng chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, nhân viên tín dụng nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng xoay nguồn vốn để tất toán, sau đó làm thủ tục vay mới với lãi suất ưu đãi hơn.

Ưu điểm của phương án này là khách hàng được giải ngân nhanh hơn, lãi suất ưu đãi hơn. Tuy vậy, nhược điểm là khách hàng phải tự xoay xở nguồn vốn lớn để tất toán hợp đồng đang vay hoặc phải có tài sản thế chấp khác. Ngoài ra, để làm thủ tục vay mới, khách hàng sẽ phải mất thêm một lần nữa phí thẩm định hồ sơ, chưa kể khoản lãi phạt trả trước hạn.

Với các khoản vay mua nhà thường kéo dài 10-15 năm, lãi vay của ngân hàng rẻ hơn luôn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy, làn sóng dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác dự kiến còn tiếp diễn, nếu các ngân hàng không hạ lãi vay để giữ chân khách hàng.

Xuất phát từ tình trạng trên, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, một loạt ngân hàng tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng mua nhà, vừa giữ chân khách hàng cũ, vừa thu hút thêm khách hàng mới.

Từ ngày 11/9, TPBank áp dụng lãi suất cho vay mua bất động sản chỉ từ 6,9%/năm dành cho với khách hàng vay mới hoặc khách hàng có nhu cầu chuyển khoản vay về TPBank. Mức lãi suất ưu đãi có thể được giảm thêm tối đa 0,4%/năm lãi suất ưu đãi kỳ đầu cho mỗi khế ước nhận nợ giải ngân từ 5 tỷ đồng trở lên trong thời gian diễn ra chương trình. Khi khách hàng tham gia chương trình mua bảo hiểm, khoản vay còn được giảm thêm tới 0,3%/năm vào biên độ lãi suất.

Trước đó, nhiều ngân hàng lớn khác cũng công bố mức lãi suất hấp dẫn cho khách hàng chuyển khoản vay từ ngân hàng khác về ngân hàng mình. MB triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng. Techcombank tung ra chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm.

Tương tự, VietinBank đưa ra mức lãi suất cho vay thấp hơn cả lãi suất huy động, chỉ từ 5,6%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất - kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (mua nhà, mua xe…). BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm với các khoản vay trung, dài hạn và mức cho vay 100% dư nợ gốc còn lại…

Ngân hàng không chịu giảm lãi vay sẽ bị khách hàng “nghỉ chơi”

Theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, từ ngày 1/9/2023, các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Trao đối với phóng viên Báo Đầu tư, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, cơ chế mới này sẽ tạo điều kiện cho người vay có thể lựa chọn ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn, cũng là “chiêu” của Ngân hàng Nhà nước để buộc các ngân hàng thương mại phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn, tích cực hạ lãi suất hơn.

“Cơ chế này mới được triển khai, nên quá trình thực hiện chưa nhuần nhuyễn ngay từ đầu, có thể điều chỉnh để tạo thuận lợi dần dần. Song đây là cơ chế tích cực cho sự cạnh tranh của các tổ chức tín dụng, cũng như tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn. Ngân hàng nào không muốn bị khách hàng “nghỉ chơi” thì phải tích cực giảm lãi suất cho vay”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Thực tế, hiện nay, lãi vay mua nhà năm đầu tiên của nhiều ngân hàng thương mại đã giảm về mức trước đại dịch. Lãi vay trung, dài hạn cũng chỉ còn tương đương thời kỳ dịch bệnh và đang tiếp tục xu hướng giảm.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng bất động sản đến cuối tháng 6 tăng 4,7%, nhưng riêng cho vay người mua nhà ở thực chỉ tăng 0,88%. Thu nhập sút giảm, giá nhà ở vẫn leo thang bất chấp thị trường bất động sản trầm lắng, lãi vay mua nhà ở mức cao… là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Nửa đầu năm nay, theo phản ánh của các ngân hàng, cá nhân vay mua nhà tập trung vào trả nợ ngân hàng, thay vì xin vay mới. Tín dụng bất động sản tăng chủ yếu nhờ cho vay các chủ đầu tư tăng mạnh. Mặc dù vậy, lãi vay giảm được kỳ vọng sẽ kích thích cầu vay mua nhà tăng trưởng trở lại thời gian tới, từ đó lan tỏa hiệu ứng tích cực tới thị trường bất động sản.

Tất nhiên, vốn chỉ là phần nhỏ. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, khó khăn của thị trường bất động sản chủ yếu là pháp lý. Vì vậy, cùng với nỗ lực giảm lãi suất của ngành ngân hàng, thị trường bất động sản chỉ có thể phục hồi nếu doanh nghiệp được gỡ khó về pháp lý.

Phải dựa vào nhau trong lúc khó khăn

- Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN

Các ngân hàng thương mại khá tích cực nỗ lực giảm lãi suất thời gian qua. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã về mức khá thấp, thậm chí lãi vay của nhiều ngân hàng còn thấp hơn thời điểm dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính của các ngân hàng cũng được tiết giảm, linh hoạt hơn, giúp việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân thuận lợi hơn. Bản thân ngân hàng thương mại cũng nhận ra rằng, trong lúc khó khăn, hai bên phải dựa vào nhau, cộng sinh với nhau để cùng tồn tại.

Tin bài liên quan