HDBank đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 1.000 người, làm việc tại 52 tỉnh, thành phố.

HDBank đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 1.000 người, làm việc tại 52 tỉnh, thành phố.

Ngân hàng ồ ạt tuyển dụng nhân sự

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh doanh năm 2022.

Ồ ạt tuyển dụng

Chị Nguyễn Hồng Loan, chuyên viên tuyển dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, do nhiễm Covid-19 nên chị phải ở nhà, nhưng không được nghỉ ngơi, bởi công việc liên tục được gửi qua mail với yêu cầu phải giải quyết gấp. Các cuộc hẹn phỏng vấn trực tuyến ứng viên vẫn được sắp xếp theo kế hoạch, dù chị bị ho, đau họng, có lúc không nói nên lời.

“Ngày thứ bảy bị bệnh, tôi test nhanh vẫn còn virus nên báo cáo lãnh đạo để ở nhà tiếp. Do 2/3 nhân viên trong phòng là F0 và F1, hoạt động ngân hàng bị ảnh hưởng, nên 3 ngày sau, lãnh đạo gọi điện thoại bảo tôi đi làm trực tiếp, lên cơ quan đeo 2 khẩu trang, hạn chế tối đa tiếp xúc với mọi người xung quanh, đồng thời sát khuẩn liên tục”, chị Loan nói.

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng trên phố Thái Hà (Hà Nội) cho hay, trước kia, quầy giao dịch có định biên 2 - 3 nhân viên tập sự, sẵn sàng làm thay công việc của những người nghỉ phép, nghỉ ốm. Tuy nhiên, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và đặc biệt là trong năm 2021, khi mức độ giãn cách xã hội lớn, hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nên chế độ định biên này đã bị bãi bỏ. Hiện tại, vấn đề nhân sự rất bí bách.

Theo chị Loan, qua Tết Nguyên đán là vào mùa tuyển dụng nhân sự ngân hàng, nhưng hoạt động tuyển dụng đến nay vẫn chậm do vướng dịch bệnh.

“Khách hàng không biết, nhưng nội bộ biết, có điểm giao dịch “gần trắng” do nhân viên là F0 hay F1 chiếm đến 90%. Các phòng giao dịch “cào cấu” bộ phận tuyển dụng nên áp lực tìm nhân sự thời điểm này càng trở nên nặng nề hơn”, chị Loan nói.

Một loạt ngân hàng đang khẩn trương tuyển dụng nhân sự như HDBank, VietinBank, Vietcombank, MB, TPBank, MSB, VPBank, Viet A Bank, NCB, Eximbank, OCB...

Thực tế cho thấy, các ngân hàng đang khẩn trương tuyển dụng nhân sự. Chẳng hạn, số lượng cần tuyển đợt 1/2022 cho các chi nhánh của VietinBank là 583 người tại 47 khu vực trên toàn quốc. Nhu cầu tuyển dụng đợt 1/2022 cho các chi nhánh của Vietcombank là 175 cán bộ không yêu cầu kinh nghiệm và 6 nhân viên hỗ trợ kinh doanh trực tiếp. Website của một loạt ngân hàng khác như MB, TPBank, MSB, VPBank, Viet A Bank, NCB, Eximbank, OCB... đăng tải thông tin tuyển nhân sự cho nhiều vị trí với mức lương từ 8 - 30 triệu đồng/tháng, hoặc thỏa thuận, thời hạn nộp hồ sơ đến cuối tháng 3, chậm nhất là đầu tháng 4/2022.

Nhu cầu nhân sự lớn nhất thời điểm hiện tại có lẽ là HDBank khi ngân hàng này công bố đợt tuyển dụng hơn 1.000 người, làm việc tại 52 tỉnh, thành phố.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos cho biết, từ cuối quý IV/2021 đã bắt đầu xuất hiện các dự án tuyển dụng số lượng lớn cho những vị trí như công nghệ thông tin (IT) trong các công ty tư vấn dịch vụ tài chính và các vị trí bán hàng (Sales) từ các công ty bảo hiểm, ngân hàng để phục vụ cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh năm 2022.

“Nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn trong mảng tài chính - ngân hàng tiếp tục tăng. Một số ngân hàng và công ty chứng khoán cũng đang tìm kiếm nhân sự cấp cao cho các vị trí chủ chốt để dẫn dắt chiến lược kinh doanh mới”, bà Lan nhận xét.

Mục tiêu kinh doanh 2022

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, năm 2022, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8%, tín dụng tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% (năm 2021, Vietcombank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 27.376 tỷ đồng, tăng 19%).

Tại VietinBank, kế hoạch kinh doanh năm 2022 là tổng tài sản tăng 5 - 10%, tín dụng tăng 10 - 14%, nguồn vốn huy động tăng 10 - 12%, lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10 - 20% (năm 2021, VietinBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7%).

Theo tờ trình phục vụ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2022, VIB dự kiến lợi nhuận năm nay đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021; tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn ước tăng 30%, lần lượt đạt 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB dự kiến, năm 2022, Ngân hàng có thể đạt 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 30%; tổng tài sản 233.000 tỷ đồng, tăng 15%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của OCB là lợi nhuận tăng 25 - 30%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20%, tỷ lệ chi trả cổ tức 20 - 25%.

Lãnh đạo HDBank cho hay, năm 2022, định hướng của Ngân hàng là thu nhập hoạt động tăng 23 - 25%, doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm gấp 3 lần năm 2021.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 13 - 14%, được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất và thương mại phục hồi nhờ sự gia tăng của nhu cầu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thấp kích thích nhu cầu vay mua nhà và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn.

“Kinh tế năm 2022 sẽ tăng tốc nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Ngành ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế”, bà Hiền nhận định.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá, ngành ngân hàng có triển vọng khả quan trong năm 2022. Nhu cầu tín dụng sẽ ở mức cao, tín dụng tăng khoảng 14% (năm 2021 tăng 13,53%), được hỗ trợ bởi việc Việt Nam tiếp tục hồi phục kinh tế sau dịch bệnh và gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2 - 3 năm tới.

Kết quả khảo sát các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, năm 2022, 95% tổ chức kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, chỉ có 3% dự kiến không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận giảm. Trong năm 2021, tình hình lao động, việc làm về cơ bản được giữ ổn định, tỷ lệ tổ chức tín dụng tuyển thêm hoặc giữ nguyên lao động đạt 88,2%, cao hơn tỷ lệ 86,6% của năm 2020. Dự báo, tình hình lao động, việc làm sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2022.

Tin bài liên quan