Ngân hàng rầm rộ phát hành trái phiếu

Riêng tháng 12/2023, trong số 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì có tới 44 đợt phát hành của các ngân hàng thương mại. Tính chung cả năm 2023, lượng trái phiếu ngân hàng phát hành chiếm 56,5% tổng giá trị phát hành TPDN toàn thị trường.
Ngân hàng rầm rộ phát hành trái phiếu

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12, đã có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.

Trong tháng 12/2023, có tới 44/55 đợt phát hành trái phiếu là của các ngân hàng thương mại.

Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).

Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng, (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%).

Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng trái phiếu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo VBMA, năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113.486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 20%).

Số trái phiếu chậm trả lãi trong tháng đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc với tổng giá trị 545,7 tỷ đồng trong tháng 12.

Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.

Đáng chú ý, dù kinh tế khó khăn nhưng năm 2023 ghi nhận trái phiếu bất động sản ấm dần trở lại. Lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc trong năm 2023 đã tăng 40,8%. Con số này còn thấp so với hai năm cao điểm 2020-2021 khi thị trường nhà đất đang tăng trưởng nóng, nhưng vẫn cao hơn khoảng 20% so với giai đoạn trước dịch (năm 2019).

Nếu không có gì thay đổi, năm nay các quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) chính thức triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08).

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ về việc có tiếp tục kéo dài một số quy định của Nghị định 08 hay không, đồng thời cần có giải pháp đa dạng hoá sản phẩm, hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức. Bộ Tài chính cần rà soát khả năng chi trả của doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thanh toán năm 2024. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ, tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, việc quay lại thực hiện Nghị định 65 sẽ gây áp lực nhất định cho doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, về lâu dài, thực hiện đầy đủ nghị định này sẽ tốt hơn cho thị trường, giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Bên cạnh thách thức, thị trường TPDN năm 2024 vẫn có nhiều điểm sáng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm 2024, lãi suất của Mỹ, châu Âu… có thể sẽ giảm, kéo theo dòng vốn chảy về các nước đang phát triển có khả năng phục hồi như Việt Nam. Lãi suất trong nước năm 2024 cũng dự báo tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp, điều này sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành TPDN.

Ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating cho rằng, thị trường TPDN đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn nhờ lãi suất giảm, các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp phát hành TPDN chậm nghĩa vụ thanh toán vẫn còn khá nhiều, song có nhiều doanh nghiệp phát hành vẫn thanh toán đúng hạn, tạo được uy tín với thị trường. Nói cách khác, thông tin thị trường đang minh bạch, rõ ràng hơn, niềm tin với nhà đầu tư cũng đang dần quay lại. Đây là yếu tố quyết định với sự hồi phục của thị trường.

Tin bài liên quan