Ngân hàng sợ cho vay theo dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
Dù vẫn cần vốn, song nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay vì tài sản thế chấp đã cạn kiệt. Trong khi đó, ngân hàng - trong tình cảnh nợ xấu tăng nhanh - chỉ yên tâm với tài sản thế chấp là bất động sản.
Một trong các lý do khiến tín dụng suy giảm là ngân hàng và doanh nghiệp không gặp được nhau. Ảnh: Đức Thanh

Một trong các lý do khiến tín dụng suy giảm là ngân hàng và doanh nghiệp không gặp được nhau. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đến hết tháng 1/2024 giảm 0,6%, trong khi tiền gửi tiết kiệm vẫn đổ mạnh vào hệ thống. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhận xét, tín dụng suy giảm là do cầu vốn của nền kinh tế yếu, sản xuất - kinh doanh chậm phục hồi, đầu ra khó khăn.

Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, một trong các lý do khiến tín dụng suy giảm là ngân hàng và doanh nghiệp không gặp được nhau. Doanh nghiệp vẫn cần vốn, song không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp.

Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa gửi tới Thủ tướng trong tháng 1/2024 lo ngại: “Đơn hàng có vẻ tăng lên, nhưng doanh nghiệp đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại: Không có tiền để sản xuất”.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Ban IV cho thấy, doanh nghiệp đang kiệt sức là sự thật. Dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc, song khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng có đánh giá bi quan nhất (điểm trung bình chỉ đạt 2,16/5). Còn doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất, nhưng điểm số vẫn ở mức điểm 2,34 - mức tiêu cực. Và nếu tiếp cận vốn khó khăn, doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, cũng như phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM cho hay, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may tuy phục hồi chậm, song doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vốn để đầu tư, chuyển đổi công nghệ sang xu hướng bền vững. Tuy vậy, việc vay vốn của doanh nghiệp không dễ dàng khi doanh nghiệp mong muốn thế chấp bằng chính máy móc thiết bị sắp đầu tư, trong khi ngân hàng chỉ muốn có tài sản thế chấp là bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho biết, nhu cầu vay vốn vẫn rất lớn, song các doanh nghiệp chủ yếu chỉ được vay vốn nếu có tài sản thế chấp là bất động sản. Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ chỉ vay được số vốn hạn chế, việc vay theo dòng tiền hoặc thế chấp hàng hóa, nhà xưởng rất khó khăn.

Dù quy định hiện hành không bắt buộc tài sản thế chấp, song hầu hết các ngân hàng đều chỉ giải ngân dựa trên tài sản đảm bảo. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc các ngân hàng thương mại không quan tâm đến dòng tiền của các dự án bất động sản, mà chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp là bất động sản, các tài sản thế chấp khác như máy móc, thiết bị, cổ phiếu niêm yết... ít được chấp nhận.

Sản xuất bấp bênh, ngân hàng sợ cho vay theo dòng tiền

Áp lực nợ xấu và rủi ro pháp lý

Các tổ chức tín dụng đang rất thận trọng cho vay vì áp lực nợ xấu đang tăng lên rất nhanh. Trong bối cảnh rủi ro pháp lý lớn, ngân hàng không thể cho vay không có tài sản đảm bảo. Thậm chí, trong bối cảnh hiện nay (Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực và không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024), ngay cả khi khoản vay có tài sản đảm bảo, ngân hàng cũng chưa chắc đã thu hồi được nợ.

- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam

Hiện dư nợ vay tín chấp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp lớn, đã có lịch sử trả nợ tốt cho ngân hàng.

Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV lý giải, nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, sức khỏe yếu, có sự đan xen các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất, khiến ngân hàng khó khăn trong đánh giá, cũng như tạo niềm tin trong việc cấp tín dụng. Nợ xấu đang tăng cao và thu hồi nợ khó khăn cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng e ngại cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền.

“Việc quản lý dòng tiền, hạn mức, quản lý khoản phải thu của các tổ chức tín dụng đang rất khó khăn. Thanh khoản thị trường bất động sản giảm sút, giá trị tài sản đảm bảo sụt giảm, thì xử lý nợ xấu càng khó hơn. Ngoài ra, quan điểm của các cơ quan chức năng (chưa bảo vệ bên cho vay - PV) cũng là yếu tố khiến ngân hàng thận trọng. Hiện nhiều ngân hàng cho vay tín chấp, song khi rủi ro xảy ra lại không thu hồi được nợ gốc do rủi ro pháp lý”, ông Long cho biết.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, sở dĩ ngân hàng chuộng tài sản thế chấp là bất động sản bởi nếu rủi ro xảy ra, vẫn thu hồi được vốn. “Chủ trương của Nhà nước về cho vay theo dòng tiền là đúng, song rủi ro đi kèm với ngân hàng cũng rất lớn. Nếu bình thường, nền kinh tế tốt thì không sao. Nhưng nếu rủi ro xảy ra, khả năng mất là mất tất, vì thứ mà các ngân hàng thu hồi được thường chỉ là nhà máy, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất...”, ông Vinh cho biết.

Theo các ngân hàng thương mại, dù quy định hiện hành không bắt buộc cho vay phải có tài sản thế chấp, song muốn ngân hàng có lòng tin, bản thân doanh nghiệp phải sòng phẳng, minh bạch. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa minh bạch thông tin với ngân hàng. Khi vay vốn, nhiều doanh nghiệp chỉ đưa ra các thông tin hào nhoáng cho ngân hàng, còn thông tin mà ngân hàng tự thu thập được lại cho bức tranh khác biệt. Vì vậy, nếu cho vay theo dòng tiền, thì ngân hàng rất rủi ro.

“Cầm cái nhà vẫn có thể bán được, không bán được năm nay thì hai năm sau vẫn bán được. Còn cho vay doanh nghiệp, khi túng quẫn rất khó thu nợ, trong khi pháp luật lại thường bảo vệ người đi vay, chứ không phải người cho vay”, ông Nguyễn Đức Vinh nói thêm.

Tin bài liên quan